Trước tình hình đó, Việt Nam đã ngày càng hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế cũng như các chính sách, chương trình, đề án, cơ chế phối hợp về phòng vệ thương mại trong tình hình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn thế giới để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Ngày 28 tháng 3 năm 2019, Bộ Công Thương ký Quyết định số 755/QĐ-BCT ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020, xét đến 2025".
Cũng trong năm 2019, Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" (Đề án 824) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác ngăn ngừa, phòng, chống các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, lĩnh vực phòng vệ thương mại được quy định chi tiết tại một số văn bản pháp luật như: Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 12/6/2017; Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp Phòng vệ thương mại; Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ Công Thương về quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại; Thông tư số 19/2019/TT-BCT ngày 30/9/2019 của Bộ Công Thương về quy định áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Thông tư số 30/2020/TT-BCT ngày 26/11/2020 của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) về phòng vệ thương mại; Thông tư số 14/2021/TT-BCT ngày 29/10/2021 của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) về phòng vệ thương mại...
Như vậy, hệ thống pháp luật phòng vệ thương mại Việt Nam đã liên tục được hoàn thiện từ luật, nghị định đến thông tư, nâng cao khả năng áp dụng và xử lý hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chủ động nghiên cứu những diễn biến mới trong chính sách, pháp luật về phòng vệ thương mại của các nước, tình hình cải cách WTO; theo dõi các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO để đề xuất hoàn thiện chính sách phòng vệ thương mại của Việt Nam phù hợp với các quy định quốc tế và thực tiễn trên thế giới. Để kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin đến các cơ quan, ban, ngành và đông đảo bạn đọc về lĩnh vực phòng vệ thương mại, Nhà xuất bản Công Thương xuất bản cuốn: “Một số quy định pháp luật về phòng vệ thương mại”.