Bên cạnh mặt hàng gạo, theo EVFTA, các sản phẩm chế biến từ gạo như bún phở, mỹ chũ, bún gạo,... cũng sẽ được hưởng lợi nhờ việc EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 7 năm. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn để gạo Việt Nam tận dụng lợi thế sẵn có từ khả năng cung cấp, chế biến sản phẩm từ gạo, gia tăng thị phần xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tăng sức cạnh tranh với các nhà cung cấp khác.
Sau thời gian làm quen và ưa chuộng các dòng gạo thơm, gạo chất lượng cao của Việt Nam, người tiêu dùng EU đã sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn trung bình cho sản phẩm từ Việt Nam. Vì vậy, việc sản phẩm chế biến từ gạo đang dần tiến đến mốc được hưởng thuế suất về 0% là cơ hội mà doanh nghiệp cần được thông tin và chuẩn bị đầy đủ để kịp thời triển khai, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị xuất khẩu vào thị trường khu vực EU, từng bước đưa Việt Nam trở thành nhà cung ứng gạo và sản phẩm chế biến từ gạo với chủng loại đa dạng, chất lượng và trình độ chế biến tốt, gia tăng vị thế tại thị trường này.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm EVFTA chính thức có hiệu lực, bên cạnh các yếu tố tích cực và các cơ hội từ thị trường, thực tế thị phần gạo của Việt Nam tại EU còn khá khiêm tốn ở mức chỉ khoảng 3,1% trong tổng lượng gạo nhập khẩu ngoại khối.
Vì vậy, cuốn Cẩm nang này được xây dựng để hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan hiểu và nắm bắt rõ hơn các thông tin về: i) hiện trạng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; ii) nhu cầu, thị hiếu tiêu thụ và chính sách, quy định của EU; iii) một số đánh giá và khuyến nghị; để từ đó tham khảo và xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình thúc đẩy xuất khẩu gạo và sản phẩm chế biến từ gạo vào khu vực EU dài hạn, hiệu quả, tận dụng tốt ưu thế ngành hàng và lợi thế từ hiệp định EVFTA, góp phần củng cố uy tín, vị thế mặt hàng gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.