Tổng cục Hải quan ghi nhận, trong tháng 7 năm 2020, cán cân thương mại xuất khẩu/nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính thặng dư 1 tỷ USD, với tổng trị giá xuất nhập khẩu ước đạt 45 tỷ USD, tăng 4% so với tháng sáu. Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9%, trị giá nhập khẩu ước đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so vói tháng sáu. So với cùng kỳ năm 2019, trị giá xuất khẩu của cả nước tăng 0,3%, trị giá nhập khẩu cả nước giảm 2,9%.
Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 285,1 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 145,78 tỷ USD, tăng 0,2%; nhập khẩu ước đạt 139,32 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2019. Xét về cán cân thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với thế giới trong 7 tháng đầu năm 2020, thặng dư thương mại đạt 6,46 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2020
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu trong 7 tháng đầu năm gồm: Dầu thô, đạt 2.798 nghìn tấn, trị giá 900 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2019 tăng 18,7% về lượng, giảm 26,5% về trị giá; quặng các loại, đạt 1,817 triệu tấn, trị giá 131 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2019 ước tính giảm 3,6% về lượng, giảm 5% về trị giá...
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu, gồm: Xăng dầu các loại, ước đạt 4,423 triệu tấn, trị giá là 1,765 tỷ USD, giảm 20,8% về lượng, giảm 48,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, đạt 32,56 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, đạt 19,92 tỷ USD, giảm nhẹ 4,2% so với cùng kỳ năm 2019; sắt thép các loại đạt 8,301 triệu, trị giá 4,83 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 0,8% về lượng, giảm 14,1% về trị giá; ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu 44.000 chiếc, trị giá 1,013 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 48,3% về lượng, giảm 47,6% về trị giá.
Con số xuất siêu trong 7 tháng đầu năm đã đạt đến 6,46 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay. Đây tiếp tục là điểm sáng của xuất nhập khẩu hàng hóa, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động ngoại thương.
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực do Covid - 19
Theo Bộ Công Thương, dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 ước tính đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước (Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2019 đạt 289 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước).
Trong cơ cấu xuất nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7/2020 ước tính đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Khu vực kinh tế trong nước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7 tăng 0,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 10,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,9%.
So với tháng 7/2019, ngoại trừ nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng 0,8% thì các nhóm hàng còn lại đều sụt giảm. Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực vẫn còn khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Theo Bộ Công Thương, thông thường quý III là thời điểm xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên với việc chưa có đơn hàng mới tại thời điểm hiện tại, xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, da giày, túi xách, đồ gỗ… vẫn gặp nhiều khó khăn và sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia EU, Hoa Kỳ, Ấn Độ… Một số nước khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, mở cửa biên giới lại phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại đã ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2020 ước tính đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 7, Việt Nam ước tính xuất siêu 1 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 6,5 tỷ USD cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 1,98 tỷ USD của 7 tháng năm 2019. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 17,6 tỷ USD.
Dự báo tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam những tháng cuối năm 2020
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 5 tháng cuối năm được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương với việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/8/2020), mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa và doanh nghiệp của Việt Nam.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD. Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA sau một lộ trình ngắn, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ...
Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố 232 doanh nghiệp vào danh sách sơ tuyển doanh nghiệp xuất khẩu uy tín 2020, là bước đệm nhằm công bố danh sách chính thức vào ngày 20/8 tới. Đây là một trong các hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tác nước ngoài tìm hiểu và xúc tiến giao thương với doanh nghiệp Việt Nam. Mục tiêu của hoạt động này là nhằm ghi nhận đóng góp tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam và giới thiệu, quảng bá các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với đối tác nước ngoài, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Nguồn tin: www.asemconnectvietnam.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn