Ứng dụng công nghệ: Chìa khóa đưa nông sản vươn xa

Thứ tư - 04/07/2018 01:14
Mặc dù ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đã có những khởi sắc ấn tượng, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch… là những khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra nhằm hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững.

 


Ngày 3/7, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong truy xuất nguồn gốc nông sản phục vụ xuất khẩu (XK) và phát triển nền nông nghiệp bền vững ở Việt Nam".

Thực thi truy xuất nguồn gốc vẫn còn hạn chế

Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp và XK nông sản ra thế giới. Năm 2018, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch XK khoảng 40 tỷ USD. Đáng chú ý, vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản, mặc dù Việt Nam đã có khá đầy đủ khuôn khổ pháp lý nhưng việc thực thi các quy định và đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất, xác thực nguồn gốc đáp ứng các rào cản kỹ thuật của thị trường khó tính như Mỹ, EU còn nhiều hạn chế.

Theo TS. Phạm Duy Khánh - Trung tâm Phát triển Nông thôn, Viện Chiến lược và chính sách (Bộ NN&PTNT), hiện người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính minh bạch về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Tại Nhật Bản quy định truy xuất nguồn gốc bắt buộc trên 2 sản phẩm thịt bò từ năm 2003 và gạo từ năm 2011; theo quy định số 178/2002 của Ủy ban châu Âu (EC), 28 quốc gia thành viên tất cả các loại thực phẩm và thức ăn chăn nuôi đều phải truy xuất nguồn gốc.

Tại Việt Nam, việc truy xuất nguồn gốc nông sản vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể: Thông tin truy xuất công bố chưa đầy đủ trong toàn chuỗi; chưa kiểm tra chéo thông tin và kết nối thông tin giữa các tác nhân; không có hệ thống định danh chung cho sản phẩm, tác nhân và vùng sản xuất; thông tin chưa minh bạch và được xác nhận; chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về tuy xuất nguồn gốc; chưa kết nối đầy đủ với quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc…

Một vấn đề nữa được các chuyên gia đưa ra đó là xu hướng gia tăng bảo hộ của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… Các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng (truy xuất nguồn gốc) và an toàn thực phẩm của các nước ngày càng thắt chặt hơn. Việt Nam cũng đang chịu cạnh tranh rất gay gắt với nông sản của nhiều nước trong khu vực, nhất là Thái Lan, Đài Loan…

“Hiện nay, một số mặt hàng thủy sản đông lạnh của Việt Nam đã được XK sang Philippines. Tuy nhiên qua khảo sát, các doanh nghiệp tại Philippines hiện nay hầu như không biết các sản phẩm phi lê đông lạnh có nguồn gốc từ Việt Nam”, GS.VS. Trần Đình Long - Chủ Tịch Hội giống cây trồng Việt Nam – cho hay.

Thúc đẩy sản xuất theo chuỗi

Tại Hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp và các nhà quản lý đã cùng nhau trao đổi, bàn luận về các giải pháp nhằm thúc đẩy XK nông sản Việt Nam để kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp không chỉ đạt con số 40 tỷ USD mà còn cao hơn nữa. Để vượt qua các hàng rào kỹ thuật, theo GS.VS Trần Đình Long, cần khuyến khích nông dân, doanh nghiệp, ngoài việc sản xuất theo chuỗi để kiểm soát chất lượng nông sản, các cơ quan chức năng phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và tăng cường khả năng đàm phán, thương thảo với các thị trường XK.

Ông Bùi Xuân Hoàng - Công ty Hoàn Vũ Lab - cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thành công từ sản phẩm mật ong Việt Nam XK sang thị trường Hoa Kỳ bằng việc sử dụng phương pháp tỷ lệ đồng bị bền để xác thực nguồn gốc thực phẩm. Theo phương pháp này thì sản phẩm XK được phân biệt dựa trên khu vực địa lý, quy trình thực vật, đất và quy trình phân bón và những gian lận pha trộn thực tế (đường mía bổ sung cho mật ong…). Đây được cho là giải pháp giúp giảm chi phí cho DN mật ong khi XK sang thị trường Hoa Kỳ - thị trường đặc biệt khó tính nhất là đối với sản phẩm này…

Đưa ra một số gợi ý giải pháp về truy xuất nguồn gốc nông sản, TS. Phạm Duy Khánh cho rằng, cùng với việc chuẩn hóa thông tin truy xuất và mức độ truy xuất cần tiến tới đồng bộ cơ sở dữ liệu, tăng khả năng tương tác giữa các tác nhân, tăng tính minh bạch và phục vụ quản lý nhà nước. Cạnh đó, cần xây dựng quy định chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc đạt chuẩn. Nâng cao vai trò cơ quan nhà nước trong kiểm tra, giám sát truy xuất nguồn gốc.

Theo các chuyên gia, nông sản Việt Nam là nguồn tài nguyên lớn của Việt Nam và thế giới, XK nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD chỉ bằng 10% tiềm năng. Để thúc đẩy XK nông sản, để nông sản Việt Nam đi lên, thì toàn thể hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Nguồn tin: baocongthuong.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi