![]() |
Cá tra có cơ hội tăng XK vào Mỹ |
Cơ hội là sản phẩm thay thế
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra tuyên bố đe dọa đánh thuế 10% lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu (XK) vào Mỹ. Tuyên bố được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ bất ngờ áp thuế 25% lên hơn 800 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 6/7 tới.
Danh sách mặt hàng mà Mỹ áp thuế đa dạng với tổng trị giá lên tới khoảng 34 tỷ USD. Bên cạnh đó, Mỹ đang xem xét áp mức thuế cao như vậy đối một loạt hàng hóa khác trị giá 16 tỷ USD. Nếu được thông qua, tổng cộng 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ bị đánh thuế với thuế suất cao.
Ở chiều ngược lại, gần như ngay lập tức, đáp trả thuế nhập khẩu mới của Mỹ, ngày 15/6, Trung Quốc đã công bố danh sách các hàng hóa Mỹ bị nước này đánh thuế, trong đó bao gồm nhiều mặt hàng như: nông sản, ô tô, đậu tương, thủy sản, thịt lơn, xe điện, các loại xe điện hybrid... với tổng trị giá cũng khoảng 34 tỷ USD.
Vốn là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, những tranh chấp thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhìn một cách tích cực, đây là cơ hội lớn cho hàng hóa XK của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) phân tích, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mở. Mỹ và Trung Quốc hiện là 2 đối tác thương mại lớn của nước ta, do đó, nếu thời gian tới, những tranh chấp thương mại giữa hai quốc gia này sẽ là cơ hội cho sự tăng trưởng thương mại của Việt Nam. Cụ thể, khi hàng Trung Quốc bị đánh thuế ở thị trường Mỹ, năng lực cạnh tranh suy giảm chính là cơ hội cho tất cả các sản phẩm khác ngoài Trung Quốc xuất khẩu (XK) vào Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Đơn cử, với ngành hàng cá tra, hiện nay Mỹ đang là một trong những thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam với kim ngạch XK đạt 75 triệu USD trong quý I/2018, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, Việt Nam chiếm 90% thị phần XK cá tra vào Mỹ và Trung Quốc chỉ chiếm 10% còn lại. Tuy nhiên, Trung Quốc hầu như chỉ XK các mặt hàng giá trị gia tăng, sản phẩm chế biến sẵn nên giá thành cá tra của họ cao gần gấp đôi so với cá tra Việt Nam. Khi bị áp thuế quá cao, các sản phẩm cá tra chế biến của Việt Nam được kỳ vọng sẽ là lựa chọn thay thế.
Đồng ý kiến, TS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho hay, là hai “cường quốc” thế giới, nếu kim ngạch XK của Mỹ và Trung Quốc bị ảnh hưởng (quy mô thương mại giữa hai nước là hơn 600 tỷ USD) sẽ là cơ hội cho những nước có thể tranh thủ được khoảng trống về XK và nhập khẩu giữa hai nước. Nếu tranh thủ tốt và hàng hóa có đủ khả năng cạnh tranh, đây là cơ hội để Việt Nam tăng XK sang cả Mỹ và Trung Quốc.
Chủ động và nâng cao năng lực cạnh tranh
Tuy nhiên, cùng với thuận lợi, nếu cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra sẽ kéo theo nhiều thách thức. TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích, Mỹ và Trung Quốc là 2 đối tác thương mại lớn nhất của nước ta (Mỹ là đối tác nhập khẩu lớn nhất hàng hóa từ Việt Nam trong khi Trung Quốc là nước XK nhiều nhất vào Việt Nam), do đó, khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung gia tăng, có thể kéo theo việc Trung Quốc thay đổi cơ cấu XK theo hướng tăng lượng hàng hóa XK vào Việt Nam và giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ nước ta. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như giảm kim ngạch XK, tăng nhập siêu.
Hạn chế những rủi ro này, chuyên gia Phạm Tất Thắng cho rằng, ta phải có giải pháp giữ vững được các thị trường truyền thống như châu Âu, Đông Âu, là những thị trường vẫn còn có dư địa phát triển. Ngoài ra, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết đều mở ra các cơ hội cho Việt Nam như FTA Việt Nam - Nhật Bản, FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Các FTA này sẽ giúp mở rộng thị phần XK của nước ta ra các thị trường lớn và có nhu cầu phù hợp với các sản phẩm của Việt Nam. Chưa kể, CPTPP sẽ giúp ta tiếp nhận được nhiều công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ 4.0 của các nước này để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa.
“Châu Âu, Liên minh Kinh tế Á Âu, các nước thuộc khối CPTPP… là những khu vực thị trường ta cần tích cực mở rộng hơn nữa để giảm thiểu các tác động tiêu cực nếu xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung” - chuyên gia Phạm Tất Thắng cho hay.
Quan trọng hơn, cần tìm cách đưa được hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ bởi khi hàng của Trung Quốc kém cạnh tranh ở thị trường này sẽ mở ra một khả năng cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của hàng hóa phải được xây dựng từ chất lượng chứ không phải XK ồ ạt với giá rẻ, sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng vệ thương mại.
TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nêu quan điểm, DN Việt cần quản trị rủi ro và tận dụng hội nhập, biết phân chia lại thị trường. Ở tầm độ vĩ mô, cần tăng sức chống chọi các cú sốc bên ngoài, ổn định chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt, tái cấu trúc ngân hàng… và tiếp tục cải cách thể chế.
Nguồn tin: baocongthuong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn