Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương: Tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô

Thứ ba - 03/07/2018 23:12
Ngày 2/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.

 


Kinh tế tăng trưởng đáng khích lệ

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng hơn 13%. Tuy nhiên, xu thế tăng trưởng dựa trên một số mặt hàng chủ yếu như điện thoại, máy tính… đã dần thay đổi theo hướng các ngành khác (kim loại, năng lượng…) đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng chung.

Cũng trong 6 tháng qua, ngành sản xuất, phân phối điện đạt được bước tăng trưởng khá với mức tăng 10,4%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm tăng trưởng GDP, đảm bảo cung ứng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh. Đối với ngành khai khoáng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, 6 tháng qua, tốc độ tăng trưởng đã giảm song đây là mức giảm theo kế hoạch do trữ lượng, sản lượng các loại khoáng sản giảm dần. Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành tăng trưởng kinh tế theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào ngành khai khoáng để tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác trên cơ sở phát huy thế mạnh, tăng giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường.

Dư địa xuất khẩu lớn

Trong nửa đầu năm 2018, các mặt hàng XK chủ yếu là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản... trong đó, các mặt hàng có tăng trưởng XK tốt trong 6 tháng đầu năm 2018 là gạo, rau, quả, điều và thủy sản...


Tăng trưởng GDP có đóng góp tích cực của công nghiệp


Về thị trường XK, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, các thị trường chính, nhất là thị trường có các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam đều có kim ngạch tăng khá. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc, tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Nhận định về dư địa thị trường XK và tình hình XK hàng hóa những tháng còn lại của năm và cả năm 2018, Bộ trưởng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng XK 10% trong năm nay là hoàn toàn có thể đạt được. Cơ sở cho nhận định này là tốc độ tăng trưởng sản xuất trong nước rất khả quan. Bên cạnh đó, nhiều đơn hàng được các doanh nghiệp ký kết với đối tác XK từ đầu năm sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Dư địa thị trường XK sẽ tiếp tục tăng nhờ thực hiện các FTA.

“Nhật Bản vừa thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Việt Nam cũng đang nỗ lực để trở thành 1 trong 6 nước đầu tiên thông qua hiệp định này vào cuối năm nay” – Bộ trưởng nói và đánh giá đây sẽ là cơ hội lớn để mở rộng thị trường XK cho hàng hóa nước ta trong năm nay và những năm tiếp theo.

Những giải pháp cụ thể

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế nước ta vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm.

Cụ thể, tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của quý I (sau khi đánh giá lại) đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng. Tuy vẫn ở mức khá, nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra (6,7%), cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý III và 6,36% vào quý IV. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng liên tiếp hai tháng 5 và 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó, tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%. Nếu tiếp diễn như trên, khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%.

Đây là những yếu tố đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là kịch bản tăng trưởng của mỗi ngành, địa phương, doanh nghiệp đề ra từ đầu năm.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không nêu nhiều thành tích đạt được mà cần đưa ra giải pháp sát, đúng với tình hình đất nước, địa phương, vùng. Đồng thời, tập trung thảo luận, tìm giải pháp cho những vấn đề lớn, như: Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Đặc biệt, cần đưa ra giải pháp cụ thể để kiểm soát CPI tăng không quá 4% trong năm nay, tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững.

Về phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm, có nhiều yếu kém, giải ngân 6 tháng mới đạt khoảng 33%, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thảo luận kỹ vấn đề này để làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề phát triển ngành, lĩnh vực để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đã đề ra.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tiếp tục cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, giảm chi phí cho doanh nghiệp; khắc phục những tồn tại, yếu kém trong hoạt động công vụ…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp, triển khai thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5.

 

Nguồn tin: baocongthuong.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi