Bài cuối: Nhớ về Bác “lòng ta trong sáng hơn”

Thứ bảy - 17/05/2025 01:21
Bức ảnh "Nụ cười của cô gái nhỏ miền Nam trong vòng tay Bác" lưu giữ khoảnh khắc diễn viên Trà Giang tặng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962. Bức ảnh thể hiện tình cảm sâu nặng, trìu mến vô bờ bến của Người dành cho văn học nghệ thuật nói chung; đồng thời là vinh dự lớn lao của điện ảnh cách mạng Việt Nam khi luôn có Bác như một người thầy, đồng nghiệp vĩ đại mà hết sức gần gũi, ấm áp.

Những lời căn dặn ý nghĩa

Diễn viên, NSND Trà Giang luôn coi Bác là người thầy lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của bà với những bài học giản dị mà thấm thía. Bà nhớ lại: “Khi Bác đến thăm Trường Điện ảnh Việt Nam, Bác hỏi: Các cháu học về diễn viên điện ảnh thì học cái gì? Chúng tôi mới nói: Chúng cháu được học diễn xuất, học văn học, học vũ, học hát. Bác nhắc ngay: Phải nói là học múa mới đúng từ Việt Nam, còn học vũ là chữ Hán. Những chuyện nhỏ như thế cũng hiểu Bác muốn người Việt Nam phải dùng đúng từ Việt Nam”.

cd581c6d4bc2f99ca0d3.jpg
Bức ảnh "Nụ cười của cô gái nhỏ miền Nam trong vòng tay Bác" chụp nghệ sĩ Trà Giang với Bác Hồ. Ảnh tư liệu

NSND Trà Giang bồi hồi nhớ lại khi tặng hoa cho Bác bà tròn 20 tuổi, đang học lớp Diễn viên khóa I, Trường Điện ảnh Việt Nam, là đại biểu nhỏ tuổi nhất của Đại hội văn nghệ toàn quốc năm 1962. “Khoảnh khắc chú Bảo Định Giang nói với tôi rằng tôi sẽ được tặng hoa cho Bác Hồ với tư cách là đại biểu trẻ tuổi nhất, tôi vô cùng xúc động vì không nghĩ rằng mình lại có vinh dự lớn như vậy. Tôi đứng trong cánh gà, chân run không bước được. Điều sâu sắc nhất mà tôi cảm nhận được là khi Bác nói về đất nước và trách nhiệm của người nghệ sĩ. Bác nói: Ngày xưa, khi đất nước còn nô lệ, thì văn nghệ sĩ cũng là nô lệ, bị coi là 'xướng ca vô loài'. Còn bây giờ, đất nước thuộc về ta nên văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Những điều Bác nói đã theo tôi suốt cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật”.

Năm 1963, NSND Trà Giang lại vinh dự được gặp Bác Hồ khi bà mang bộ phim Chị Tư Hậu vào chiếu cho Bác xem. Ký ức về buổi gặp mặt đó cho đến nay vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của nữ nghệ sĩ hàng đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam. “Tôi kể cho Bác nghe khi tôi đi dự Liên hoan phim quốc tế Moskva, diễn viên các nước mặc rất nhiều quần áo đẹp, còn tôi thì tự ti vì chỉ có vài bộ áo dài. Bác ân cần bảo tôi rằng Bác thấy áo dài Việt Nam đẹp lắm. Phụ nữ Việt Nam rất đẹp khi mặc áo dài, cháu hãy tự hào khi mặc nó giao lưu với các nước trên thế giới. Từ đó về sau, trong mỗi chuyến đi nước ngoài hay những lần gặp gỡ thì tôi luôn mặc áo dài. Tôi cảm thấy áo dài Việt Nam mình vừa giản dị, vừa khiêm tốn nhưng cũng rất sang trọng. Tôi cảm nhận Bác không chỉ là một nhà lãnh tụ mà như một người cha, người ông trong gia đình”.

Nguồn sáng trong đời

Hòa bình lập lại trên miền Bắc, các nghệ sĩ điện ảnh thường xuyên nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bác. Trường Điện ảnh Việt Nam, Xưởng phim Thời sự Tài liệu Việt Nam, Xưởng phim truyện Hà Nội luôn được đón Bác tới thăm. Hình ảnh Bác giản dị thăm hỏi những nghệ sĩ đang học tập, sáng tạo; gương mặt ngời sáng, xúc động của các thế hệ nghệ sĩ vây quanh lắng nghe Bác dặn dò là những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất mà mỗi người đều lưu giữ trong hành trình thực hiện những ước mơ sáng tạo, cống hiến cho đất nước.

Bac Ho với dien anh1
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp diễn viên khóa 1, Trường Điện ảnh Việt Nam. Ảnh tư liệu

Những người làm phim ngày đó luôn được mang những tác phẩm điện ảnh mới nhất đến để Bác xem, góp ý từ những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ, chia sẻ những cảm xúc sau buổi chiếu phim. Nhà quay phim Nguyễn Đăng Bẩy kể lại: “Khi chuyển sang Xưởng phim truyện Hà Nội năm 1960, tôi cứ nghĩ sẽ ít có dịp được gặp Bác hơn. Nhưng rồi mỗi kỳ hoàn thành một bộ phim mới, tôi lại được mang vào Phủ Chủ tịch chiếu để Bác xem. Thành thử tôi vẫn được gặp Bác. Như buổi chiếu phim Nổi gió, xem xong Bác còn đi dạo trong vườn trò chuyện mãi với anh chị em chúng tôi.

Khi Bác đã đi xa rồi, có lúc tôi lại tưởng tượng ra lúc hoàn thành phim mang vào trình Bác. Bác sẽ lại cho chúng tôi kẹo - cho ăn tại chỗ và được mang phần về nhà - Bác sẽ lại dạo trong vườn với chúng tôi, nói chuyện, cho ý kiến chỉ bảo và khi sương xuống, anh Vũ Kỳ sẽ lại khoác áo ngoài lên vai Bác…”.

Những ký ức, kỷ niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hun đúc niềm tự hào dân tộc, tạo nên cốt cách những "chiến sĩ" chính trực, tài năng trên mặt trận văn học nghệ thuật; đóng góp vào sự phát triển của điện ảnh từ những ngày đầu được Bác trực tiếp chỉ dạy, luôn có những sáng tạo mới, cho ra đời những tác phẩm có ý nghĩa và giá trị xứng tầm. Như NSND Nguyễn Đăng Bẩy từng chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ phải cố gắng hơn để xứng với công ơn của Bác, với những lần được gặp Bác, được nghe lời Bác căn dặn và dạy dỗ”. (Nguồn sáng trong đời, NXB Hội Nhà văn, 2022).

"Nếu như trong cuộc đời, tôi không được nghe những lời dạy dỗ của Bác Hồ, có lẽ tôi vẫn sẽ có một cuộc sống tốt đẹp, nhưng để sống cho có ý nghĩa thì tôi luôn luôn biết ơn Bác", NSND Trà Giang đúc kết.

 

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi