Bài 1: Người thầy, đồng nghiệp vĩ đại

Thứ sáu - 16/05/2025 00:37
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật của mình, NSND Phạm Văn Khoa luôn khắc ghi điều Bác Hồ căn dặn: làm văn nghệ phải luôn tìm tòi cái mới, làm cái gì được người ta khen, lần sau làm lại như cái trước thì không tốt!

“Làm văn nghệ phải luôn tìm tòi cái mới”

Ngày 15/3/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147-SL đặt Phòng Điện nhiếp ảnh trong Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thành “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”, đánh dấu sự ra đời của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa (1914 - 1992) được giao nhiệm vụ làm Giám đốc đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam giai đoạn 1953 - 1956. Ông cũng chính là người đã tổ chức xây dựng Lễ đài tại Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945. Sau đó ông được giúp việc Bác tại Bắc Bộ Phủ và Chiến khu Việt Bắc.

Trong Hồi ký Phạm Văn Khoa (NXB Hội Nhà văn, 2010) ông nhớ lại sự quan tâm đặc biệt Bác dành cho điện ảnh cách mạng Việt Nam: “Chúng tôi tin vào tình cảm nhiệt tình của bà con nhân dân với sự nghiệp điện ảnh của Nhà nước. Một hôm Hồ Chủ tịch có ghé thăm cơ quan điện ảnh, Bác hỏi: - Bây giờ các chú làm gì? Chúng tôi báo cáo với Bác, chủ yếu chúng cháu chiếu phim của các nước bạn và chụp ảnh để làm tuyên truyền. Bác Hồ bảo: - Các chú có hiểu hai chữ điện ảnh nó rộng lắm. Các chú làm công tác gì cứ nói cụ thể ra. Đến ngày mười lăm tháng ba chúng tôi nhận được quyết định Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh cho thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”.

b0336c67ebdc598200cd.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cán bộ Phòng Điện ảnh - Nhiếp ảnh phục vụ Đại hội lần thứ II của Đảng tại Chiến khu Việt Bắc năm 1951. Ảnh tư liệu

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật của mình, NSND Phạm Văn Khoa luôn khắc ghi điều Bác đã căn dặn: “Làm văn nghệ phải luôn tìm tòi cái mới. Làm cái gì được người ta khen, lần sau làm lại như cái trước thì không tốt”.

Ngay trong thời kỳ kháng chiến gian khổ tại chiến khu Việt Bắc, với kinh nghiệm là một thợ ảnh từ những năm tháng sống và hoạt động cách mạng tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn ân cần hướng dẫn đội ngũ làm điện ảnh non trẻ kỹ thuật lấy bố cục, ánh sáng, góc máy sao cho hình ảnh tự nhiên, có hồn để thể hiện sinh động đời sống, chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ, xây dựng thành công hình ảnh “Kháng chiến kiến quốc” trong các tác phẩm nghệ thuật.

Nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bẩy (1923 - 2007) là người có nhiều bức ảnh chụp về Bác; nhớ về những năm tháng say mê học hỏi, trưởng thành, ông từng kể: “Bác Hồ của chúng ta, trong những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài đã lăn lộn tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội ở cơ sở, thuộc nhiều nghề nghiệp khác nhau cho nên Bác thấu hiểu rất mực, thông cảm rất mực công việc cùng những khó khăn, những yêu cầu riêng biệt của từng ngành, từng môn; riêng anh chị em làm công tác nhiếp ảnh, điện ảnh chúng tôi đã nhiều dịp được thấy cụ thể điều đó”.

NSND Nguyễn Đăng Bẩy nhớ lại khi phục vụ Đại hội thành lập Mặt trận Liên Việt (1951) được tổ chức trong một khu rừng ở Việt Bắc, hội trường là ngôi nhà tre lợp lá cọ; nhiệm vụ của tổ điện ảnh và nhiếp ảnh là phải ghi lại được hình ảnh, bằng mọi cách. Trong hoàn cảnh kháng chiến, máy móc cũ kỹ, chất lượng kém, không có đèn chụp, nơi họp lại trong lán giữa rừng rậm, thiếu ánh sáng, làm sao để bảo đảm ghi được những hình ảnh tốt? Nỗi lo lắng, băn khoăn của các nghệ sĩ đã được Bác trực tiếp lắng nghe.

b55935fbd75865063c49.jpg
Bác Hồ đọc báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Nguyễn Đăng Bẩy

“Bác ngồi xếp bằng tròn trong khoang nhà sàn, im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng gật gật đầu với vẻ bình tĩnh quen thuộc. Nhưng ba chúng tôi thì phấp phỏng, ruột cứ như lửa đốt. Bác sẽ chỉ đạo sao đây? Liệu chứng tôi có làm phiền Bác không? Nhưng cái kết thúc lại rất nhanh chóng. Không cần hỏi thêm chi tiết, Bác thấy rõ ngay những khó khăn của chúng tôi và Bác bày cho cách giải quyết”, NSND Nguyễn Đăng Bẩy kể.

Bác đã chỉ cho các nghệ sĩ cách dỡ mái tranh từng phần để lấy ánh sáng vào vị trí Đoàn Chủ tịch ngồi, ghi hình xong đến đâu phải lấp mái kín lại ngay; rồi tiếp tục dỡ mái tranh nơi Đoàn đại biểu ngồi. Nhiệm vụ đã hoàn thành với những hình ảnh đẹp và bảo đảm kỹ thuật.

Những hình ảnh vô giá về Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc

Nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn (1911 - 2009) nổi tiếng với những thước phim quay Đại hội Đảng lần thứ II tại Việt Bắc và những thước phim về Bác Hồ. Đây là những thước phim tư liệu vô cùng quý giá, đặc biệt là những cảnh quay Bác Hồ đi thăm dân công, nông dân, cưỡi ngựa đi công tác, tắm suối, dạy võ, lội suối, băng rừng, luyện võ, chơi bóng chuyền… Ông là một trong những nhà quay phim đầu tiên trên chiến trường Nam Bộ từ năm 1947.

af0a5220cc9b7ec5278a-1-.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò tổ quay phim trước khi đi Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Cuối năm 1950, từ Khu 9 (miền Tây Nam Bộ) ông là người duy nhất của điện ảnh Nam Bộ được ra Việt Bắc để quay phim Đại hội Đảng toàn quốc. Các đồng chí lãnh đạo dặn dò ông rất kỹ: ngoài nhiệm vụ được giao, ráng xin quay một số cảnh đời thường của Bác để đồng bào miền Nam được thấy rõ Người đi lại, hoạt động mới yên lòng về sức khỏe của Bác.

Tại Chiến khu Việt Bắc, nhà quay phim với nhiệm vụ đặc biệt do đồng bào Nam Bộ giao phó đã được kề cận bên Bác, được tạo mọi điều kiện tốt nhất để quay lại những hình ảnh vô giá về Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc.

Sau đó, năm 1952, nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn và họa sĩ Lê Minh Hiền đi bộ suốt 16 tháng ròng mang phim trở về Nam Bộ. Những thước phim và hình ảnh ghi ở Việt Bắc được chiếu và triển lãm cho đồng bào Nam Bộ xem. Bà con rất xúc động khi thấy Bác mạnh khỏe, nhanh nhẹn và gần gũi với nhân dân, với chiến sĩ; càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác trong những năm tháng kháng chiến gian khổ.

Những đoạn phim quý của Nguyễn Thế Đoàn tại Chiến khu Việt Bắc được sử dụng trong phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và nhiều bộ phim trong nước và nước ngoài.

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi