Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa có một sự nghiệp lãnh đạo đất nước vĩ đại, vừa là là nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn, đồng thời hiện ra với hình ảnh gần gũi, ấm áp trong lòng đồng bào.
Hình ảnh và sự nghiệp của Người đã đi vào lịch sử bằng cả hành động và cả những tác phẩm để đời. Nhiều thế hệ tác giả, với lòng kính trọng và tâm huyết, đã tái hiện sinh động cuộc đời Bác qua những trang sách, không chỉ góp phần khắc họa một Hồ Chí Minh giản dị mà vĩ đại, mà còn truyền cảm hứng về lý tưởng sống, lòng yêu nước và tinh thần nhân văn đến đa dạng tầng lớp độc giả.
Cuốn sách của tác giả Trần Minh Siêu tập trung nghiên cứu về xuất thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người xuất thân từ trong một gia đình văn hóa và yêu nước tiêu biểu của xã Kim Liên và của cả nước Việt Nam. Gia thế Chủ tịch Hồ Chí Minh là một gia thế đã sản sinh, hun đúc ra những con người giàu lòng nhân đạo cao cả và biết hạn chế những dục vọng tầm thường để nuôi dưỡng những hoài bão lớn lao vì dân vì nước. Cuộc đời của ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan, cô Nguyễn Thị Thanh, cậu Nguyễn Sinh Khiêm đã thể hiện một cách sống động những phẩm chất cao đẹp đó.
Lúc sinh thời Bác Hồ ít nói về mình - do đó việc nghiên cứu và viết về đời thường của Bác rất khó - đặc biệt là thời niên thiếu. Các địa phương, những nơi Bác sống qua như Nghệ An, cố đô Huế, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng sưu tầm, giới thiệu quãng đời niên thiếu của Bác.
Ngoài Nghệ An là quê hương của Bác, cố đô Huế là nơi Bác sống qua lâu nhất - cả hai lần gần 10 năm trước khi tạm biệt Tổ quốc đi tìm đường cứu nước. Với thời gian ấy, cố đô Huế đã có một ảnh hưởng nhất định trong việc hình thành tư tưởng yêu nước và cách mạng của Bác.
Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân đã dành thời gian hơn 10 năm sưu tầm tư liệu nhằm tái hiện lại cuộc đời của Bác trong những năm ở Huế - lúc còn là cậu học sinh Nguyễn Sinh Cung xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước. Hoàn cảnh xã hội và sự hun đúc của gia đình đã tạo cho Bác sớm có những biểu hiện khác thường về trí thông minh và lòng yêu nước - những dấu hiệu đầu tiên của vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới sau này.
Tác phẩm viết năm 1948, do chính Hồ Chí Minh chấp bút dưới bút danh Trần Dân Tiên. Sách thuật lại một cách giản dị, chân thực mà rất truyền cảm hứng những chặng đường hoạt động cách mạng đầu tiên của Bác - từ lúc Người ra đi tìm đường cứu nước đến khi trở thành lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc.
Với lối kể chuyện khiêm tốn, khách quan, tác phẩm không chỉ giúp người đọc hiểu rõ hơn về lý tưởng sống và con đường cách mạng của Hồ Chí Minh, mà còn truyền cảm hứng từ tấm gương đạo đức, tinh thần tự học và sự hi sinh vì dân tộc của Người.
Trong sự nghiệp văn chương của mình, GS.TS Trình Quang Phú dành nhiều tình cảm kính trọng đối với Bác Hồ. Cuốn sách dày gần 600 trang kể về hành trình 30 năm, từ chàng trai Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng (ngày 5/6/1911) bôn ba 5 châu 4 bể, tìm hiểu phong trào đấu tranh, con đường cách mạng ở nhiều nước như Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Hồng Kông… rồi về Pác Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/1/1941).
Đây cũng là tác phẩm thực hiện lời hứa của GS.TS Trình Quang Phú với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời. Tác giả đã đi đến những nơi Bác Hồ từng ở để sưu tập, ghi chép và đối chiếu rồi viết những câu chuyện dưới góc nhìn mới, truyền tải sinh động về cuộc sống, sự nghiệp của Bác những năm tháng ở nước ngoài. Cuốn sách mang đến cho bạn đọc những thông tin, tư liệu bổ ích giúp người đọc thêm hiểu, thêm yêu, và truyền cảm hứng học tập phong cách, ý chí cao cả của Bác Hồ.
Tiểu thuyết Búp sen xanh là một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng nhất viết về tuổi thơ và tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà văn Sơn Tùng đã dành nhiều năm nghiên cứu tài liệu, phỏng vấn nhân chứng để dựng nên hình ảnh Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành với tinh thần yêu nước từ thuở nhỏ, khát khao học hỏi và quyết tâm tìm đường cứu nước. Văn phong mộc mạc, giàu cảm xúc, gần gũi với học sinh, sinh viên.
Cuốn sách đã trở thành tài liệu giáo dục lý tưởng sống, khơi gợi lòng yêu nước và khâm phục sâu sắc với nhân cách Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 135 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành ấn bản đặc biệt Búp sen xanh bìa cứng trang trọng kèm áp phích đồ họa thông tin trực quan sinh động về Hành trình ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trải qua 24 năm làm thư kí tận tụy của Bác Hồ, 35 năm giữ gìn và phát huy di sản Hồ Chí Minh, dù đảm nhiệm cương vị nào, dù hoạt động ở lĩnh vực công tác nào, Vũ Kỳ luôn luôn vững vàng trong mọi thử thách, nêu cao trách nhiệm trước nhân dân, tận tụy với công việc, đoàn kết thân ái với mọi người, dìu dắt giáo dục và đào tạo thế hệ cán bộ kế tục sự nghiệp giữ gìn và phát huy giá trị di sản của Bác Hồ để lại cho hôm nay, mai sau và mãi mãi về sau này.
Cuốn sách là ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Vũ Kỳ, bố cục thành 5 phần: Bác Hồ từ Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc; Khi người Việt Nam đầu tiên vào Kremli; Người suy nghĩ về tuổi trẻ chúng ta; Những bức thư kể chuyện Bác Hồ; Bác Hồ viết Di chúc. Qua đó, bạn đọc có thể hiểu rõ cuộc đời chiến đấu, hy sinh không mệt mỏi vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; cuộc sống thanh cao, giản dị, trong sáng và đạo đức cách mạng mẫu mực của Bác Hồ.
Nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài Bác ơi!: "Bác sống như trời đất của ta / Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa / Tự do cho mỗi đời nô lệ / Sữa để em thơ, lụa tặng già". Tình cảm của Bác dành cho đồng bào được thể hiện xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp Người, từ những tư tưởng và hành động lớn đến từng cử chỉ quan tâm chu đáo, cụ thể như thư chúc Tết. Thư Tết của Bác vừa nồng nàn tình cảm, giản dị, gần gũi, gửi đi thông điệp đến mọi nhà. Mỗi bức thư của Bác như lời tâm sự của một người ông gửi cho cháu, người cha gửi cho các con, người anh gửi cho các em…
“Trẻ em như búp trên cành / Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Đó là những câu thơ Bác Hồ viết dành tặng các em nhỏ Việt Nam. Hình ảnh “búp trên cành” vừa cho thấy sự non nớt mà đầy hi vọng, vừa cho thấy trẻ em xứng đáng được nâng niu chăm sóc. Trong những năm tháng của cuộc đời mình, Bác Hồ luôn chú trọng tới việc chăm sóc và giáo dục trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước. Điều này thể hiện rất rõ qua các bức thư Người viết gửi thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Bác cũng không quên dặn dò toàn dân chăm lo cho thế hệ măng non của nước nhà.
Cuốn hồi ký mộc mạc kể về thời gian hoạt động bí mật tại núi rừng Pác Bó, cùng một số đồng chí, bà Nông Thị Trưng, một phụ nữ dân tộc Tày, đã có những tháng ngày được sống gần Bác. Được Bác giáo dục, đào tạo, bà dần trưởng thành, vượt qua những chông gai trong cuộc sống riêng tư và công việc, trở thành nữ cán bộ gương mẫu, nhiệt huyết.
“Suốt thời gian được sống gần Chú Thu, mỗi ngày tôi càng nhận thấy rõ hơn tác phong, nếp sống giản dị của Chú. Bao giờ cũng thế, Chú chỉ mặc bộ quần áo Nùng bằng vải chàm, ống tay rộng, trông thật gọn gàng giản dị, hòa hợp với bà con địa phương Pác Bó.”
Trong cuộc đời làm biên tập và viết văn, Nguyễn Gia Nùng có may mắn được làm biên tập bản thảo mấy cuốn sách được Bác Hồ trực tiếp đọc, cho ý kiến trước khi đưa in. Niềm vui và bài học sâu sắc nhất của Nguyễn Gia Nùng cùng những người biên tập sách chính là những ý kiến cụ thể của Bác với tập bản thảo. Bác đã đánh dấu để lại không ít bài, ghi ý kiến cụ thể bằng bút bi đỏ bên lề nhiều trang bản thảo đề nghị xem lại nội dung, tính chính xác của tư liệu và cả cách dùng chữ nghĩa, lỗi văn phạm, cách viết… Bác khen cố gắng của những người làm sách nhưng trách “Các chú tham, sách dày!”. Đây quả là những bài học quý vô giá với những người làm công tác biên tập và viết văn.
Đặc sắc văn hóa Hồ Chí Minh tuyển chọn 46 bài viết của Nguyễn Gia Nùng từ những kỉ niệm, bài học từ Bác của người làm biên tập, viết báo, viết văn. Ngoài ra còn có những chuyện như chuyện Luật sư Loseby và vợ kể lại vụ án Hương Cảng khi ông bà sang thăm Việt Nam dịp Tết Canh Tý - 1960, theo lời mời của Bác Hồ; chuyện Bác Hồ trồng cây ở Liên Xô và nhiều nơi trên đất nước ta; chuyện Bác Hồ gặp gỡ, nói chuyện với nhà báo và đi thăm nhiều địa phương...
Nguồn tin: znews.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn