Tình hình xuất nhập khẩu hạt điều của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019

Thứ tư - 31/07/2019 00:29
 Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2019, xuất nhập khẩu hạt điều của Việt Nam đều tăng về lượng và giảm về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Tình hình xuất khẩu hạt điều của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019

6 tháng đầu năm 2019, lượng điều xuất khẩu sang các thị trường tăng trưởng, nhưng kim ngạch hầu hết đều sụt giảm.
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 6/2019 xuất khẩu hạt điều đạt 39,2 nghìn tấn, trị giá 275,61 triệu USD, giảm 4,6% về lượng và giảm 8,6% về trị giá so với tháng 5/2019, tăng 21,4% về lượng nhưng giảm 6% về trị giá so với tháng 6/2018. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt điều đạt 195,7 nghìn tấn, trị giá 1,489 tỷ USD, tăng 12,2% về lượng, nhưng giảm 12,1% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2018. Giá xuất khẩu bình quân đạt mức 7.613 USD/tấn, giảm 21,5% so với 6 tháng đầu năm 2018.
Tuy đứng thứ 3 về sản lượng điều thô, nhưng Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân trong 10 năm liên tiếp.

Các thị trường xuất khẩu hạt điều chủ chốt của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019
Hạt điều của Việt Nam được xuất khẩu tới 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan, Anh là những thị trường chủ lực. Lượng điều xuất khẩu từ các quốc gia này chiếm 64,6% tỷ trọng và chiếm 64,3% tổng lượng điều xuất khẩu, trong đó xuất sang Mỹ nhiều nhất 63,7 nghìn tấn đạt 480,68 triệu USD, giảm 4,06% về lượng và giảm 25,69% về trị giá so với 6 tháng năm 2018. Giá xuất bình quân 7543,8 USD/tấn, giảm 22,54%. Riêng tháng 5/2019, cũng đã xuất sang Mỹ giảm 2,76% về lượng và 7,69% trị giá, giá xuất bình quân cũng giảm 5,07% so với tháng 5/2019, tương ứng với 13,2 nghìn tấn, trị giá 89,7 triệu USD, giá bình quân 6783 USD/tấn.

Đứng thứ hai sau thị trường Mỹ là Trung Quốc lục địa với lượng xuất 28,2 nghìn tấn, trị giá 221,4 triệu USD, tăng 52,65% về lượng và tăng 24,4% trị giá so với cùng kỳ, mặc dù giá xuất bình quân giảm 18,51% chỉ với 7843,82 USD/tấn.
Kế đến là các thị trường Hà Lan, Đức, Anh đạt lần lượt 18,05 nghìn tấn; 8 nghìn tấn và 7,84 nghìn tấn, trị giá tương ứng 142,2 triệu USD; 63,64 triệu USD và 55,75 triệu USD.

Tăng, giảm xuất khẩu điều sang các thị trường
Nhìn chung, nửa đầu năm 2019 xuất khẩu điều sang các thị trường lượng tăng nhưng kim ngạch hầu hết suy giảm. Theo đó, xuất khẩu sang thị trường Pakistan và Hy Lạp đều có lượng tăng vượt bậc gấp hơn 2 lần, tăng lần lượt 107,14% và 105,04% mặc dù giá xuất bình quân giảm 10,05% và 25,81% nhưng kim ngạch đều tăng 86,32% và 52,11% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường Bỉ cũng tăng mạnh, tăng 88,44% về lượng và trị giá 59,08% đạt 2,42 nghìn tấn, trị giá 20,8 triệu USD, giá xuất bình quân giảm 15,58% với 8565,68 USD/tấn.
Ở chiều ngược lại, lượng điều xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Nam Phi và Nauy đều sụt giảm lần lượt 36,17%; 33,85% và 30,05%.
Đáng chú ý, cơ cấu thị trường xuất khẩu điều nửa đầu năm nay so với năm ngoái có thêm các thị trường Saudi Arabia 1,38 nghìn tấn; Ai Cập 1,18 nghìn tấn và Co Oét 100 tấn.

Đối với thị trường Trung Quốc, với vị trí và khoảng cách địa lý không xa với Việt Nam việc vận chuyển hàng hóa có nhiều thuân lợi, theo Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vincas) – Phạm Văn Công, Chính phủ Trung Quốc đang triển khai thực hiện thống nhất các quy định về xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hải quan Trung Quốc cho biết, đây không phải là thay đổi hoặc điều chỉnh về chính sách mà là nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm các quy định hiện hành của Trung Quốc; khắc phục việc chính quyền một số địa phương phía Trung Quốc trước đây cho phép áp dụng linh hoạt chính sách biên mậu không đúng quy định.

Theo nhận định của Chủ tịch Vinacas, các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn sẽ có nhiều lợi thế để các doanh nghiệp Việt Nam (nhất là ở các tỉnh phía Nam) xuất hàng vào Trung Quốc do đường ngắn hơn, dễ đi hơn. Trước đó, vào tháng 4/2019, Chủ tịch Vinacas đã ký với Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn Bản ghi nhớ về các nội dung hợp tác. Theo đó, hai bên đã thống nhất các nội dung hợp tác cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều qua các cửa khẩu của Lạng Sơn, như: Xem xét giảm bớt các chi phí làm thủ tục xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu nhanh; khi có trường hợp cần làm gấp để giữ đúng cam kết với khách hàng sẽ ưu tiên giải quyết trước… Những hoạt động này là giải pháp quan trọng để tháo gỡ kịp thời một số vướng mắc cho doanh nghiệp ngành điều khi xuất hàng qua Trung Quốc.

Tình hình nhập khẩu hạt điều 6 tháng đầu năm 2019
Tháng 6/2019 nhập khẩu hạt điều của Việt Nam tăng ở cả lượng và trị giá – đây cũng là tháng tăng thứ hai liên tiếp, nâng lượng điều nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2019 đạt 707 nghìn tấn, trị giá trên 1 tỷ USD, tăng 34,8% về lượng nhưng giảm 9,3% trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cảnh báo việc nhập điều thô với giá cao là tiềm ẩn nhiều rủi ro nên doanh nghiệp cần thận trọng. Trong tháng 7, lượng điều thô tiếp tục cập cảng Việt Nam với số lượng lớn. Tuy nhiên, khi điều thô cập cảng số lượng lớn thường xảy ra hiện tượng bán nhân ồ ạt nhưng năm nay hiện tượng này không xảy ra. Vinacas đánh giá đây là tín hiệu tích cực nhất từ trước đến nay. Vinacas dự báo thị trường nhân xuất khẩu sẽ giữ giá như hiện tại và có thể sẽ tăng trong thời gian tới nhưng mức tăng không nhiều. Tháng 6, giá điều nhân xuất khẩu bình quân đạt mức thấp 7.024 USD/tấn, giảm hơn 4% so với tháng 5/2019. Nửa đầu năm nay, giá điều xuất khẩu đạt 7.613 USD/tấn, giảm tới 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở một diễn biến khác, Vinacas cho biết lượng điều thô nhập về lớn trong tháng 6 và tháng 7 trong khi các nhà nhập khẩu bị áp lực tài chính phải bán ra giá rẻ. Điều này khiến giá nhân điều sẽ bị ảnh hưởng do các lò chẻ nhỏ mua được điều thô giá rẻ sẽ sản xuất và bán điều nhân với giá thấp. Tiêu thụ nhân điều sẽ tăng khi giá nhân ở mức thấp như hiện nay. Mặt khác, cuối năm cũng là mùa cao điểm tiêu thụ nhân.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tháng 6/2019 cả nước đã nhập khẩu 239 nghìn tấn hạt điều, trị gí 295,8 triệu USD, tăng 26,6% về lượng và tăng 16,4% về trị giá so với tháng 5/2019, nâng lượng điều xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 lên 707,8 nghìn tấn, trị giá trên 1 tỷ USD, tăng 34,8% về lượng nhưng giảm 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Các thị trường nhập khẩu hạt điều chủ chốt của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019
Việt Nam nhập khẩu hạt điều chủ yếu từ các thị trường như Bờ Biển Ngà, Campuchia, Indonesia trong đó Bờ Biển Ngà nhập nhiều nhất 214,6 nghìn tấn, trị giá 305,9 triệu USD, tăng 67,1% về lượng và tăng 12,56% về trị giá so với 6 tháng năm 2018, riêng tháng 6/2019 Việt Nam cũng đã nhập từ thị trường này 111 nghìn tấn hạt điều, trị giá 141,2 triệu USD, tăng 70,23% về lượng và 59,71% trị giá so với tháng 5/2019.
Đứng thứ hai về lượng hạt điều nhập khẩu là thị trường Campuchia đạt 170,5 nghìn tấn, trị giá 287 triệu USD, tăng 68,82% về lượng và 41,04% về trị giá so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, so với 6 tháng đầu năm 2018 thị trường cung cấp hạt điều 6 tháng đầu năm nay có thêm những thị trường Ghana, Nigeria, Cộng hòa Tanzania và Singapore, theo đó dẫn đầu là thị trường Ghana 122,5 nghìn tấn; Nigeria 67 nghìn tấn; Indonesia 16,2 nghìn tấn; Tanzania 180 tấn và Singapore 105 tấn.
Theo Vinacas, điều thô các nước Tây Phi hầu như đã cuối vụ, chất lượng đang giảm dần. Lượng hàng đang chờ ở cảng để xuất đi vẫn còn; lượng trong dân cũng vẫn còn nhưng không nhiều. Ở Guinea - Bissau, Vinacas cũng cho biết vụ mùa cũng đã kết thúc, tuy nhiên hàng hoá vẫn vận chuyển chậm chạp do tắc nghẽn tại cảng. Mặc dù chính phủ Tanzania đã mở ra nhiều kênh thương thảo để cố gắng bán điều thô vụ cũ tuy nhiên họ đưa ra giá khá cao, vượt mặt bằng hiện tại cho nên chưa thấy các nhà chế biến hay buôn điều thô xác nhận hợp đồng.Tại Indonesia chuẩn bị vào vụ, tuy nhiên chưa có chào hàng chính thức. Theo thông tin từ những người kinh doanh bản địa, vụ mùa của Indonesia diễn ra bình thường và có vẻ tốt.

Nguồn tin: asemconnectvietnam.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi