Thị trường nông sản thế giới ngày 31/7/2019: Ngô thấp nhất 2 tuần

Thứ tư - 31/07/2019 00:38
Chốt phiên giao dịch ngày 30/7, giá ngô thấp nhất 2 tuần, lúa mì và đậu tương cũng giảm. Cà phê giảm do lo ngại sương giá. Cao su giảm vì sắp kết thúc giai đoạn kiềm chế xuất khẩu. Số lợn nuôi của Trung Quốc có thể giảm 50%.

Ngô thấp nhất 2 tuần, lúa mì và đậu tương cũng giảm

Giá ngô trên sàn Chicago chạm mức thấp nhất 2 tuần sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết sản lượng ngô Mỹ sẽ cao hơn dự đoán của các nhà phân tích.
Kết thúc phiên vừa qua, giá ngô đã giảm 6 USD cent tương đương 1,5% xuống 4,21 USD/bushel. Lúa mì giảm 6-1/4 UScent tương đương 1,4% xuống 4,97-1/4 USD/bushel; đậu tương giảm 7-1/2 UScent tương đương 1,1% xuống 8,96-3/4 USD/bushel, thấp nhất 1 tháng.
USDA cho biết 58% diện tích ngô Mỹ vụ này đang phát triển trong điều kiện rất thuận lợi. Tỷ lệ này cao hơn 1 điểm phần trăm so với tuần trước.
Cà phê giảm do lo ngại sương giá
Giá cà phê quay đầu giảm bởi bớt lo ngại về khả năng sương giá gây thiệt hại cho mùa màng ở Brazil. Kết thúc phiên gia dịch, cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2019 giảm 1,65 UScent tương đương 1,6% xuống 99,50 UScent/lb; robusta giao cùng kỳ hạn giảm 17 USD tương đương 1,2% xuống 1.354 USD/tấn.
Cao su giảm vì sắp kết thúc giai đoạn kiềm chế xuất khẩu
Giá cao su trên sàn Tokyo giảm trong phiên giao dịch vừa qua giữa bối cảnh lo ngại Malaysia và Indonesia có thể tăng xuất khẩu sau khi kết thúc giai đoạn kiềm chế xuất khẩu (ngày 31/7/2019).
Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn TOCOM, hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 3,1 JPY tương đương 1,7% xuống 177,9 JPY (1,64 USD)/kg. Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9/2019 giảm 20 CNY xuống 10.636 CNY (1.545 USD)/tấn.
Theo thỏa thuận của Ủy bao Cao su Ba bên (ITRC), 2 nước sản xuất cao su Indonesia và Malaysia bắt đầu kiềm chế xuất khẩu cao su từ 1/4/2019 và kéo dài trong vòng 4 tháng. Riêng Thái Lan bắt đầu muộn hơn, từ 20/5/2019.
Số lợn nuôi của Trung Quốc có thể giảm 50%
Ngân hàng Hà Lan Rabobank dự báo số lợn nuôi ở Trung Quốc đến cuối năm 2019 có thể giảm một nửa so với một năm trước đó do dịch tả lợn Châu Phi.
Theo ngân hàng này, ở thời điểm hiện tại, số lợn đang có ở nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới này đã giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức đánh giá chính thức là 15% đến 26%.
Rabobank dự báo sản lượng thịt lợn Trung Quốc năm 2019 sẽ giảm 25% so với năm 2018. Sở dĩ mức độ giảm sản lượng thịt lợn cả năm nay thấp hơn mức giảm số lượng lợn bởi trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có rất nhiều lợn bị giết mổ. Ngân hàng này cho rằng sản lượng thịt lợn Trung Quốc năm 2020 sẽ giảm tiếp 15%, và nước này cần 5 năm để khôi phục đàn lợn như trước khi bị dịch tả.
Đường tăng do lo ngại nguồn cung
Giá đường tăng theo xu hướng dầu thô. Đường thô kỳ hạn tháng 10/2019 tăng 0,08 UScent tương đương 0,7% lên 12,15 UScent/lb, trong khi đường trắng tăng 0,9 USD tương đương 0,3%  lên 323 USD/tấn.Giá dầu tăng thường khiến các nhà máy chế biến mía ở Brazil tăng tỷ lệ sản xuất ethanol và giảm sản xuất đường.
Dầu cọ chắc chắn sẽ hồi phục trong 6 tháng cuối năm 2019
Nhà phân tích hạt có dầu hàng đầu thế giới thuộc Oil World, Thomas Mielke, khẳng định giá dầu cọ chắc chắn sẽ hồi phục trong 6 tháng cuối năm 2019 do sản lượng tăng chậm lại trong khi nhu cầu nhiên liệu vẫn tăng nhanh. Sang năm 2020, giá dự báo sẽ vẫn tiếp tục tăng.
Từ đầu năm tới nay, giá dầu cọ đã giảm gần 3%. Đầu tháng 7/2019 có lúc xuống mức thấp nhất gần 4 năm là 1.916 ringgit/tấn, sau đó giá hồi phục dần, phiên 30/7/2019 đạt 2.061 ringgit/tấn.
Tiêu thụ dầu cọ làm nhiên liệu sinh học ở Indonesia -nước tiêu thụ dầu nhiệt đới nhiều nhất thế giới - sẽ tăng hơn 3 triệu tấn trong năm 2019, đạt 14,8 triệu tấn. Jakarta kế hoạch sẽ tăng hàm lượng sinh học trong diesel sinh học lên 30% vào năm tới (gọi là B30), từ mức 20% hiện nay.
Ngoài ra, việc giảm ép dầu đậu tương ở Trung Quốc do cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng có thể khiến Bắc Kinh phải tăng nhập khẩu dầu cọ thêm 18,5% lên 6,4 triệu tấn trong năm 2018/19 (kết thúc vào 30/9/2019). Được biết, nhập khẩu đậu tương Mỹ vào Trung Quốc đã giảm rất nhiều kể từ sau khi Bắc Kinh đánh thuế 25% lên đậu tương nhập từ Mỹ.
Theo Mielke, sản lượng dầu cọ Malaysia năm nay sẽ đạt 20,3 triệu tấn, tăng 4,1% so với năm trước, còn của Indonesia sẽ tăng 5,3% lên 43,7 triệu tấn.
Sản lượng đậu tương Ấn Độ - nước nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới, có thể giảm 6,6% xuống 9,8 triệu tấn trong năm marketing 2019/20, bắt đầu từ 1/10/2019, do khu vực miền Trung nước này bị thiếu mưa.
Thời tiết toàn cầu bất lợi làm giảm sản xuất nông nghiệp châu Á
Trong một năm mà đợt nắng nóng kỷ lục đang hoành hành tại châu Âu và mưa lớn nặng nề nhất trong nhiều thập kỷ đang làm ngập úng nhiều khu vực tại trung tây nước Mỹ, châu Á Thái Bình Dương đang đứng giữa vòng xoáy của các hình thái thời tiết cực đoan.
Hạn hán, và lũ lụt tại một số khu vực, đang tàn phá sinh kế của hàng ngàn người, gây thiệt hại cho mùa màng tại một trong những khu vực sản xuất dầu cọ, cao su tự nhiên và gạo lớn nhất thế giới. Trong khi một số khu vực của Trung Quốc đang hứng chịu lượng mưa nhiều nhất trong gần 60 năm, mực nước trên sông Mekong, một trong những hệ thống sông lớn nhất châu Á, và các khu vực miền nam Ấn Độ đang chống chịu lại cơn hạn hán liên miên. “Trong vài năm qua, chúng tôi đã chịu đựng những đợt hạn hán ngày càng nhiều”, theo Donald Keeney, nhà khí tượng nông nghiệp cấp cao tại Maxar, một hãng tư vấn thời tiết có trụ sở tại Mỹ. “Tình hình này sẽ làm giảm sản lượng của nhiều nông sản chính vào cuối năm nay và trong năm tới”.
Hạn hán đang tác động tới các cánh đồng lúa tại Thái Lan và Indonesia cũng như hoạt động trồng mía và cây có dầu tại Ấn Độ. Dưới đây là rà soát nhanh tác động của thời tiết tới sản xuất nông nghiệp tại một số khu vực chính:
Thái Lan: Thái Lan là nước sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới và là một trong những nước xuất khẩu đường, xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều năm tại một số khu vực đang gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và khiến các nhà chức trách nước này phải hạ mục tiêu sản lượng mía và xuất khẩu gạo. Các máy bay tạo mưa đã được triển khai và máy bơm, xe tải đã được sử dụng để vận chuyển nước tới các khu vực bị hạn hán ở khu vực miền bắc và đông bắc.
Trung Quốc:Tại các khu vực phía bắc, thiếu mưa và hạn hán đang đe dọa một số loại cây trồng mặc dù tác động được giảm nhẹ nhờ thủy lợi. Ngược lại, một số tỉnh phía nam đang hứng chịu các đợt mưa nạng nề nhất kể từ năm 1961 trong vòng 5 tuần tới đầu tháng 7, theo các cơ quan khí tượng thủy văn cho hay, làm giảm sản lượng lúa sớm và dịch bệnh gây hại bùng phát. Trung Quốc là nước sản xuất lúa mỳ và lúa gạo lớn nhất thế giới và là nước sản xuất ngô lớn thứ 2 thế giới, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Ấn Độ: Ấn Độ đã thế chân Brazil trở thành nước sản xuất đường lớn nhất thế giới. Sản lượng đường năm 2019 của Ấn Độ có thể giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm do các đợt hạn hán kéo dài tại các bang Maharashtra và Karnataka làm giảm thặng dư đường nội địa và có thể kéo theo giảm xuất khẩu đường. Mùa mưa yếu cũng đe dọa sản xuất các loại hạt có dầu, có thể thúc đẩy hoạt động nhập khẩu các loại dầu ăn, bao gồm dầu cọ, mà Ấn Độ vốn là nước nhập khẩu lớn. Trong khi đó, Mumbai vẫn đang hứng chịu những đợt mưa lớn – một dấu hiệu cho thấy sự bất thường của thời tiết.
Indonesia, Malaysia:Đây là các nước sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới. 3 tháng sắp tới là khoảng thời gian rất quan trọng, có tính quyết định tới mức sản lượng dầu cọ vào năm tới và khô hạn tại các khu vực đảo Borneo sẽ được theo dõi sát sao, theo Ling Ah Hong, giám đốc tư vấn cây trồng tại Ganling Sdn, đã hoạt động trên 40 năm trong ngành cho hay. Sản xuất lúa gạo bị đe dọa bởi tình trạng thời tiết khô hạn trên đảo Java, nơi có một số khu vực đã không có mưa trên 60 ngày.
Việt Nam: Một đợt nóng và khô hạn đã tràn vào hàng loạt khu vực tại Việt Nam, gây thiệt hại cho sản xuất lúa gạo và cao su. Tuy nhiên, Tây Nguyên – khu vực sản xuất cà phê chủ lực của Việt Nam – đã không xảy ra bất cứ thiệt hại sản xuất lớn nào cho đến nay. Việt Nam là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới.
Úc:Phần lớn bờ biển miền Đông vẫn chịu sự hoành hành của hạn hán bắt đầu từ hơn 2 năm trước. Tình trạng khô hạn nghiêm trọng nhất xảy ra ở Queensland, bang sản xuất thịt bò lớn nhất nước Úc, nhưng đã mở rộng ra phần lớn bang New South Wales. Tình hình có phần tốt hơn tại miền tây Úc, nơi sản xuất lúa mỳ nhận được những con mưa vàng muộn màng và có thể sẽ đạt sản lượng tương đương năm ngoái.

Nguồn tin: asemconnectvietnam.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi