EU vẫn là thị trường xuất khẩu chủ chốt của Anh
Trong tháng 7/2017, thâm hụt thương mại hàng hóa của Anh với các nước ngoài EU “nới rộng” thêm 2,4 tỷ bảng, trong khi xuất khẩu của nước này sang các nước EU tăng 1,3 tỷ bảng.
Các số liệu tổng hợp gần đây cho thấy nỗ lực của Anh trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) vẫn gặp nhiều khó khăn và xuất khẩu hàng hóa của “xứ sở sương mù” vẫn phụ thuộc nhiều vào các nước EU.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh (NIESR), trong tháng 7/2017, thâm hụt thương mại hàng hóa của Anh với các nước ngoài EU “nới rộng” thêm 2,4 tỷ bảng, trong khi xuất khẩu của nước này sang các nước EU tăng 1,3 tỷ bảng.
Giới phân tích đã dự báo rằng sự rớt giá của đồng bảng sẽ mang lại động lực đáng kể cho xuất của Anh sang các nước trong và ngoài EU, song kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU tháng 6/2016, xuất khẩu của Anh chỉ tăng nhẹ, trong khi nhập khẩu tiếp tục tăng.
Xét tổng thể, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Anh trong tháng 7/2017 giảm 0,2% so với tháng trước đó. Báo cáo của NIESR cũng nhận định kinh tế Anh có dấu hiệu tiếp tục tăng trưởng, nhưng với nhịp độ chậm hơn những năm gần đây.
Châu Âu sẽ mất hơn 1,2 triệu việc làm nếu xảy ra Brexit “cứng”
Các chuyên gia dự báo châu Âu sẽ mất hơn 1,2 triệu việc làm, trong khi phía Anh mất 526.000 việc làm nếu xảy ra Brexit "cứng".
Các chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Leuven của Bỉ (KUL) vừa cảnh báo nếu Anh và Liên minh châu Âu (EU) không nhất trí được về một cách tiếp cận mềm dẻo cho việc Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit), điều này có thể gây ra thiệt hại lớn cho thị trường việc làm của cả hai bên.
Báo cáo của KUL so sánh những tác động tới thị trường việc làm trong 2 khả năng Brexit “cứng” và Brexit “mềm”. Theo đó, các chuyên gia dự báo châu Âu sẽ mất hơn 1,2 triệu việc làm, trong khi phía Anh mất 526.000 việc làm nếu xảy ra Brexit “cứng”.
Cụ thể, trong kịch bản Brexit “mềm”, Anh và 27 nước EU sẽ vẫn duy trì cơ chế không thuế quan dù sẽ có những hàng rào thương mại phi thuế quan giữa Anh với một số nước như Na Uy. Trong trường hợp Brexit "cứng", thuế quan giữa Anh và các nước EU sẽ được "cài đặt lại" theo đúng tỷ lệ quy định trong các thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo báo cáo trên, con số việc làm bị mất tại EU trong 2 trường hợp Brexit “mềm” và “cứng” sẽ lần lượt là 284.000 và 1,2 triệu việc làm. Tác động của Brexit "cứng" đối với nền kinh tế EU cũng "khắc nghiệt" hơn với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo giảm 1,54%.
Trong khi đó, Anh sẽ mất từ 140.000 - 526.000 việc làm tùy theo Brexit "mềm" hay "cứng". Một kịch bản chia tay "quyết liệt" cũng đe dọa GDP của Anh giảm 1,21 điểm phần trăm xuống 4,48%.
So sánh số liệu trực tiếp, những quốc gia lớn như Đức sẽ bị thiệt hại nặng nhất. Tuy nhiên, so sánh về tương quan thì những nước như Ireland, Malta, Hà Lan và Bỉ đối mặt với nguy cơ tác động lớn hơn. Đối với Bỉ, con số việc làm bị mất có thể dao động từ 10.000 - 42.000 và ngành thực phẩm được dự báo là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
ECB tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục
Ngày 7/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản và chương trình mua trái phiếu khổng lồ.
Phát biểu sau cuộc họp chính sách của ECB, người phát ngôn của ngân hàng này thông báo Hội đồng quản trị của ECB đã bỏ phiếu giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 0%. Các nhà hoạch định chính sách cũng quyết định giữ nguyên mức lãi suất cho vay là 0,25% và lãi suất tiền gửi là -0,4%.
Trong một tuyên bố, thể chế tài chính hàng đầu châu Âu có trụ sở tại Frankfurt cho rằng: "Hội đồng quản trị hy vọng mức lãi suất cơ bản hiện tại sẽ duy trì trong thời gian tới". Ngoài ra, ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì kế hoạch thu mua 60 tỷ euro (khoảng 72 tỷ USD)/tháng trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp tới tháng 12/2017 theo chương trình nới lỏng tiền tệ "có định lượng".
ECB đã áp dụng mức lãi suất ở mức thấp kỷ lục, cấp các khoản cho vay giá rẻ cho các ngân hàng, triển khai việc mua lại trái phiếu trị giá 2.300 tỷ euro nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tăng lãi suất.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát lõi vẫn giữ nguyên ở mức 1,2%, cao hơn so với những năm qua, các chuyên gia kỳ vọng ngân hàng sẽ bắt đầu giảm bớt việc mua lại tài sản, hay gọi là chương trình nới lỏng định lượng (QE) vào năm tới.
Giới phân tích nhận định đồng euro mạnh và lạm phát vẫn ở mức thấp đang gây cản trở những nỗ lực của ECB trong giảm kích thích kinh tế và Chủ tịch ECB Mario Draghi sẽ tránh làm rối loạn thị trường trước bất kỳ thông báo bất ngờ nào.
Giá vàng châu Á vẫn ổn định trong phiên giao dịch chiều 7/9 khi giới đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp của ECB.
Trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay gần như không đổi ở mức 1.333,9 USD/ounce vào lúc 13 giờ 24 phút (giờ Việt Nam), sau khi đã để mất 0,3% trong phiên trước đó.
Đồng USD cũng đã yếu đi trong phiên giao dịch này giữa lúc đồng euro ổn định trước thềm cuộc họp của ECB. Theo chuyên gia Naeem Aslam , Trưởng bộ phận phân tích thị trường của công ty tư vấn đầu tư Think Markets, giá vàng sẽ càng được củng cố nếu ECB đưa ra bất cứ thông điệp nào gây bất lợi cho thị trường.
Tòa Kiểm toán châu Âu (ECA) ngày 28/9 cảnh báo các cam kết chi tiêu trong tương lai của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt một mức cao kỷ lục gần 240 tỷ euro (282,7 tỷ USD).
ECA cho biết mặc dù mức độ chi tiêu lãng phí của EU có sự cải thiện, song các nước thành viên và các thể chế EU đã có thể giảm mức này thấp hơn nếu biết tận dụng tất cả thông tin sẵn có. EU chi tiêu lãng phí cho các chương trình phát triển nông thôn và môi trường cũng như trong các dự án kinh tế, xã hội và liên kết lãnh thổ.
EU trong năm 2016 được cho là đã làm lãng phí 4,2 tỷ euro, tương đương 3,1% trong tổng chi tiêu 136,4 tỷ euro, giảm so với mức 3,8% (tương đương 5,5 tỷ euro) trong năm 2015 song vẫn đứng trên ngưỡng có thể chấp nhận là 2%.
Tuy nhiên, ECA đã lần đầu tiên kể từ năm 1994 đưa ra đánh giá “đủ điều kiện” về số liệu kế toán của EU, qua đó cho thấy mặc dù số liệu của EU có vấn đề song chưa đến mức tràn lan.
Chủ tịch ECA Klaus-Heiner Lehne nhận định báo cáo này phản ánh một sự cải thiện quan trọng trong tài chính của EU và hối thúc các nước cần hành động nhiều hơn để thu hẹp các khoản chi sai.
Cam kết chi tiêu trong tương lai của EU hiện đã đạt 238,8 tỷ euro, mức cao chưa từng thấy. EU trong năm 2016 chi trung bình khoảng 267 euro cho một công dân trong tổng số khoảng 500 triệu dân. Hầu hết các khoản chi dành cho tài nguyên thiên nhiên, gồm nông nghiệp, ngư nghiệp và môi trường, vào khoảng 57,9 tỷ euro.
Ai-len
Theo Cơ quan thống kê Ai-len, tỷ lệ thất nghiệp điều chỉnh theo mùa của nước này trong tháng 8 giảm xuống 6,3% từ 6,4% trong tháng 7 và thấp hơn so với 7,9% của một năm trước đó.
Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2008, trong đó số người thất nghiệp giảm 1.700.người xuống 139.100 người.
Số người thất nghiệp điều chỉnh theo mùa trong tháng 8 giảm xuống 139.100 người so với 140.800 người của tháng 7 và 33.900 người của tháng 8/2016.
Tỷ lệ nam giới thất nghiệp là 7,1%, không đổi so với tháng 7 và thấp hơn so với 9% của một năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ nữ giới thất nghiệp là 5,2% so với 5,4% của tháng 7 và 6,5% của cùng kỳ năm 2016. Số nam giới thất nghiệp ổn định ở mức 86.500 người, trong khi số nữ giới giảm 1.600 người xuống 52.700 người.
Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng lên 12,7% từ 12,3% trong tháng 7.
Tỷ lệ thất nghiệp của Ai-len đã giảm mạnh kể từ khi tỷ lệ này đạt mức kỷ lục 15,2% trong tháng 1/2012.
Pháp
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe mới đây thông báo kế hoạch sẽ “rót” 57 tỷ euro (67,8 tỷ USD) vào hiện đại hóa nền kinh tế đang tăng trưởng chậm chạp.
Thủ tướng Philippe cho biết số tiền trên sẽ tạo ra “hiệu ứng lớn" đối với chương trình cải cách của chính phủ mới, trong đó có việc thay đổi luật lao động, được đưa ra nhằm làm giảm tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao 9,5%.
Theo đó, 20 tỷ euro sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi hướng đến một nền kinh tế xanh hơn, trong đó 7 tỷ euro dành cho phát triển năng lượng tái tạo.
Chính phủ Pháp sẽ chi 9 tỷ euro để số hóa lĩnh vực công, 15 tỷ euro vào đào tạo và giáo dục và 13 tỷ euro cho đổi mới toàn diện.
Thủ tướng Philippe cho biết một số kinh phí sẽ đến từ ngân sách cấp bộ hiện có và một số khoản là từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu.
Phát ngôn viên chính phủ Christophe Castaner trước đó cho hay sẽ có khoảng 5 tỷ euro dành để hiện đại hóa ngành nông nghiệp tại nước sản xuất lương thực lớn nhất châu Âu này.
Việc giới thiệu kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Macron chuẩn bị thông báo khoản ngân sách đầu tiên của nhiệm kỳ 5 năm của mình vào ngày 27/9.