Tình hình kinh tế các nước Châu Á tháng 9

Thứ ba - 03/10/2017 00:27
Trong tháng 9 vừa qua, kinh tế các nước Châu Á có những diễn biến sau: ADB dự báo châu Á tăng trưởng 5,9% và 5,8% trong năm 2017 và 2018; Lòng tin của các nhà sản xuất Nhật Bản giảm lần đầu tiên trong bốn tháng; Tăng trưởng kinh tế quý II/2017 của Nhật có thể được điều chỉnh giảm; Kinh tế Trung Quốc vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức; IMF lạc quan về tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc.

ADB dự báo châu Á tăng trưởng 5,9% và 5,8% trong năm 2017 và 2018

Các nước đang phát triển tại châu Á sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2017 và 2018 nhờ sự phục hồi của thương mại thế giới và động lực tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, song gặp một số rủi ro do Mỹ siết chặt chính sách tiền tệ.
Dự báo này được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2017 công bố ngày 26/9.
Theo báo cáo trên, các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á dự kiến đạt mức tăng trưởng 5,9% và 5,8% lần lượt vào năm 2017 và 2018.
Tốc độ tăng trưởng này không thay đổi so với dự báo được đưa ra hồi tháng 7 vừa qua, song cao hơn mức dự báo 5,7% cho cả 2 năm theo báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á được ADB công bố hồi tháng 4.
Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng 6,7% trong năm nay và 6,4% trong năm tới, giữ nguyên mức dự báo hồi tháng 7.
Đối với khu vực Nam Á, ADB giảm dự báo tăng trưởng xuống 6,7% trong năm nay và 7% trong năm tới, lần lượt từ mức 7% và 7,2% được đưa ra hồi tháng 7. Dự kiến, Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 7% và 7,4%, thấp hơn so với mức dự báo tương ứng 7,4 và 7,6% được đưa ra trong tháng 7.
ADB dự báo các nước Đông Nam Á sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay và 5,1% trong năm tới, cao hơn mức dự báo 4,8% và 5% trước đó.
Theo chuyên gia kinh tế ADB Yasuyuki Sawada, các nước đang phát triển tại châu Á nên tận dụng những triển vọng kinh tế thuận lợi trong ngắn hạn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện năng lực sản xuất và duy trì chính sách kinh tế hợp lý nhằm nâng cao tăng trưởng trong dài hạn.
Tuy nhiên, ADB cảnh báo các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần đề phòng nguy cơ thoái vốn ra nước ngoài và lãi suất cho vay cao hơn trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu những động thái nhằm từng bước chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ cũng như dự kiến tiếp tục nâng lãi suất.
Cũng trong báo cáo trên, ADB nhận định việc tăng cường vốn tư nhân và chuyên môn kỹ thuật thông qua hình thức Đối tác công-tư (PPP) có thể giúp các nước châu Á-Thái Bình Dương đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng hiện đang ở mức 1.700 tỷ USD/năm.
Theo ADB, cơ sở hạ tầng của châu Á cần có nguồn lực tài chính để giải quyết nhu cầu khổng lồ hiện nay. Ước tính hơn 400 triệu người châu Á đang sống trong cảnh thiếu điện, 300 triệu người không được tiếp cận nước sạch, 1,5 tỷ người không được sử dụng hệ thống vệ sinh cơ bản.
Do đó, khu vực này sẽ cần đầu tư khoảng 1.700 tỷ USD/năm cho đến năm 2030 để duy trì đà tăng trưởng, giảm đói nghèo, cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Để đáp ứng các khoản đầu tư này, mỗi năm khu vực này cần có thêm tới 500 tỷ USD.
Tại một số khu vực, ngân sách nhà nước chiếm tới 92% đầu tư cơ sở hạ tầng, trong khi một số nền kinh tế lại gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này do thâm hụt tài chính cao và nợ công lớn.
Chuyên gia kinh tế Sawada cho rằng nếu như được triển khai hợp lý, PPP sẽ có tiềm năng đáp ứng nhu cầu khổng lồ về cơ sở hạ tầng của khu vực, tăng cường năng lực và nguồn lực của lĩnh vực tư nhân trong mục tiêu chung về phát triển bền vững.
Nguồn lực của chính phủ và các thể chế tài chính quốc tế như ADB là không đủ để thực hiện, trong khi lĩnh vực tư nhân có thể giúp giải quyết vấn đề này thông qua mô hình PPP.
Mô hình PPP ngày càng phổ biến ở châu Á với các dự án liên quan trong khu vực đã tăng gấp 4 lần trong 25 năm qua. Phân tích sự tham gia của tư nhân trong dữ liệu cơ sở hạ tầng cho thấy số dự án PPP tại khu vực đang phát triển của châu Á tăng 11%/năm trong giao đoạn từ năm 1991-2015.
Khu vực này chiếm một nửa số dự án trong tổng số dự án tại 139 nền kinh tế đang phát triển trên thế giới, xếp sau khu vực này là Mỹ Latinh và Caribe với 30%. Tuy nhiên, việc phân bổ PPP tại các nền kinh tế và các lĩnh vực trong khu vực là không đồng đều.
Cụ thể, lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng là trọng tâm truyền thống của các dự án PPP, trong khi y tế và giáo dục là những lĩnh vực mới đối với mô hình này.
Để triển khai hiệu quả kế hoạch PPP trong các dự phát triển tại châu Á và Thái Bình Dương, báo cáo của ADB nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải thiện quản lý, thực thi luật pháp, cũng như các phương thức liên quan đến PPP.
Nhật Bản
Lòng tin của các nhà sản xuất giảm lần đầu tiên trong bốn tháng
Cuộc khảo sát do Reuters tiến hành cho thấy trong tháng 9/2017 chỉ số niềm tin của các nhà sản xuất Nhật Bản đã giảm lần đầu tiên trong bốn tháng trước tình trạng bất ổn trên toàn cầu.
Theo kết quả cuộc khảo sát đối với 548 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian từ 30/8-12/9, chỉ số niềm tin đối với các nhà chế tạo Nhật Bản đã giảm 2 điểm xuống 25 điểm trong tháng Chín. 
Một số nhà quản lý doanh nghiệp nhận định khách hàng nội địa tỏ ra thận trọng về chi tiêu vốn, do lo ngại về triển vọng trong tương lai của chính sách Abenomics cũng như sự thiếu chắc chắn về đà phục hồi tại châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.
Một nhà chế tạo khác lưu ý rằng nhu cầu đối với các thiết bị công nghiệp như điện thoại thông minh đang chững lại, doanh số bán các thiết bị gia dụng cũng giảm do triển vọng toàn cầu “u ám”. 
Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ công bố chỉ số Tankan, thước đo niềm tin của giới doanh nghiệp, vào ngày 2/10 tới. 
Số liệu chính thức từ Tokyo cho hay kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng 0,6% trong quý II vừa qua, ghi dấu chuỗi thời gian tăng trưởng kéo dài nhất của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong hơn một thập niên qua.
Mức tăng trưởng kinh tế quý II của Nhật Bản tuy thấp hơn so với con số ước tính ban đầu tăng 1%, do hoạt động đầu tư vào tư liệu sản xuất yếu hơn dự đoán, nhưng vẫn cho thấy nền kinh tế nước này đang chuyển biến tích cực.
Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2017-2018 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 27/9 cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đã tụt một bậc xuống vị trí thứ chín, trong khi một số nền kinh tế khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương lên hạng.
Cụ thể theo báo cáo khảo sát 137 nền kinh tế toàn cầu của WEF, Thụy Sỹ, Mỹ và Singapore tiếp tục là ba quốc gia có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới, với Thụy Sỹ duy trì vị trí đầu bảng năm thứ chín liên tiếp. 
Báo cáo của WEF đánh giá năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế dựa trên các yếu tố như tình hình hoạt động của lĩnh vực công, môi trường kinh tế vĩ mô, chất lượng giáo dục và cơ sở hạ tầng. 
Đối với Nhật Bản, việc nước này bị tụt hạng một phần do khoản nợ công quá lớn, tình trạng giảm phát vẫn kéo dài và thị trường lao động thiếu linh hoạt, bất chấp việc chất lượng cơ sở vật chất và trình độ học vấn của lực lượng lao động tại quốc gia này đều ở mức cao. 
Nhật Bản sẽ phát hành một loại tiền kỹ thuật số mới
Một liên minh của các ngân hàng Nhật Bản dự kiến ​​sẽ tung ra một loại tiền tệ kỹ thuật số quốc gia mới nhằm loại bỏ tiền mặt, tờ Financial Times cho hay.
FT nói rằng một liên minh do Tập đoàn Tài chính Mizuho và Ngân hàng Bưu điện Nhật Bản thành lập sẽ lên kế hoạch phát hành loại tiền tệ số mới cho Thế vận hội Tokyo 2020.
Dự án mới này, với sự hỗ trợ của ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý Nhật Bản, nhằm phát triển công nghệ để cho phép người Nhật trả tiền cho hàng hoá và dịch vụ bằng điện thoại thông minh của họ.
Tiền mặt hiện chiếm 70% tổng số giao dịch theo giá trị ở Nhật nhưng sự phụ thuộc nặng nề này gây ra gánh nặng chi phí cho các ngân hàng và chính phủ. Các ngân hàng phải trả tiền để xử lý, vận chuyển và kiểm kê lượng tiền mặt lớn, trong khi các chính phủ có nguy cơ thất thu thuế đối với các giao dịch tiền mặt trong ngân hàng hoặc các giao dịch chợ đen.
Liên minh các ngân hàng ước tính rằng việc chấp nhận một loại tiền tệ kỹ thuật số mới có thể bơm thêm 10 tỷ Yen (90 triệu USD) cho nền kinh tế. J-Coin sẽ được trao đổi với tỷ lệ một đổi một với đồng Yen.
Một số nền kinh tế châu Âu đang tiến tới một xã hội không có tiền mặt nhờ sự thành công của các phương thức thanh toán kỹ thuật số: tiền giấy trong lưu thông đã giảm 27% kể từ năm 2011 tại Thụy Điển nhờ sự phổ biến của thanh toán số; Đan Mạch muốn cho phép các cửa hàng, bao gồm nhà hàng, trạm xăng, cửa hàng quần áo, ngừng dùng tiền mặt; Ngân hàng Trung Ương Hàn Quốc cho biết họ đang hướng đến một xã hội không có tiền mặt vào năm 2020; và tiền mặt hiện nay là được sử dụng rất hạn chế ở Anh.
Động thái hướng tới việc không có tiền mặt ở Bắc Âu đã được trợ giúp bởi sự phổ biến của các ứng dụng thanh toán như Swish của Thuỵ Điển và MobilePay ở Đan Mạch, trong khi sự gia tăng các khoản thanh toán không thông qua thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng đã giúp giảm giao dịch tiền mặt ở Anh.
Không chỉ có các ngân hàng Nhật Bản muốn phát triển một loại tiền tệ kỹ thuật số của mình. Các ngân hàng hàng đầu trong đó có HSBC, Barclays, UBS, và Santander đang phát triển một "Đồng tiền thanh toán toàn cầu" (Universal Settlement Coin) để giúp cho hoạt động thương mại giữa họ dễ dàng hơn, lấy cảm hứng từ sự thành công của các loại tiền tệ số như bitcoin.
Tăng trưởng kinh tế quý II/2017 có thể được điều chỉnh giảm
Theo một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong quý II năm nay có thể chậm hơn so với ước tính ban đầu do chi tiêu vốn có khả năng được điều chỉnh giảm.
Kết quả thăm do 17 nhà phân tích do hãng tin Reuters tiến hành cho thấy trong quý II vừa qua nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này có thể chỉ tăng trưởng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó cho thấy có sự điều chỉnh giảm đáng kể so với số liệu sơ bộ 4% được công bố trước đó. 
Hidenobu Tokuda, nhà kinh tế cao cấp của Viện nghiên cứu Mizuho, cho biết, mức chi tiêu vốn có thể sẽ được điều chỉnh giảm, nhưng nhìn chung nền kinh tế Nhật Bản vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ chi tiêu tiêu dùng và đầu tư công.
Ông hy vọng nền kinh tế này sẽ tiếp tục đà phục hồi trong quý III/2017 và thời gian sau đó. 
Chi tiêu vốn, một thành tố chính của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), được dự đoán sẽ chỉ tăng 0,5% trong quý II/2017, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,4% được đưa ra trước đó.
Trung Quốc
Kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức
Người phát ngôn của Tổng cục Thống kê Quốc gia (NBS) Liu Aihua nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.
Trong bối cảnh Trung Quốc vừa công bố một loạt số liệu yếu kém hiếm thấy, người phát ngôn của Tổng cục Thống kê Quốc gia (NBS) Liu Aihua nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.
Tuy nhiên, quan chức này đã bác bỏ những lo ngại rằng tình trạng trì trệ sẽ kéo dài trong nửa cuối năm. 
Thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang ổn định và lạm phát trong tầm kiểm soát. Theo một cuộc khảo sát, tỷ lệ thất nghiệp tại 31 thành phố vẫn dưới 5% trong tháng trước, trong khi giá tiêu dùng tăng 1,8%.
Quan chức trên nhấn mạnh với việc các động lực tăng trưởng “cũ” mất đà, kinh tế Trung Quốc đang theo đuổi mô hình tăng trưởng mới, tập trung vào tiêu dùng, dịch vụ và đổi mới. 
Trước đó, ngày 14/9, Trung Quốc công bố số liệu cho thấy đầu tư vào tài sản cố định, lực đẩy tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong tám tháng qua tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 12/1999 và giảm tốc so với mức tăng 8,3% trong các tháng 1-7/2017.
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chính có thể là đầu tư cho cơ sở hạ tầng chậm lại, do sự giảm sút trong chi tiêu tài chính của chính phủ trong hai tháng qua. 
Trong khi đó, sản lượng công nghiệp trong tháng Tám tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong chín tháng và thấp hơn mức dự báo tăng 6,6% của các nhà phân tích, còn mức tăng của tháng Bảy là 6,4%.
Theo NBS, thời tiết nóng và ẩm bất thường đã ảnh hưởng đến sản lượng công nghiệp trong tháng trước, nhưng nền kinh tế vẫn ổn định, trên đà cải thiện.
S&P đã hạ bậc tín nhiệm của Trung Quốc xuống mức ‘A+/A-1’, do tổ chức này đánh giá tăng trưởng tín dụng cao trong thời gian dài ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã làm tăng các rủi ro về kinh tế và tài chính.
Sau tin trên, đồng USD tăng giá 0,1% lên mức 6,5826 nhân dân tệ đổi 1 USD.
Đồng đô la Mỹ hôm 21/9 giảm giá so với các đồng tiền mạnh khác, một ngày sau khi Fed phát tín hiệu tăng lãi suất và giảm quy mô bảng cân đối.
Đồng bạc xanh tăng giá so với đồng nhân dân tệ sau khi Trung Quốc bị S&P hạ bậc tín nhiệm.
Chỉ số ICE U.S. Dollar, so sánh đồng bạc xanh với 6 đồng tiền mạnh khác (EUR, JPY, CAD, GBP, SEK, CHF), giảm 0,3% xuông 92,232 điểm, so với mức đỉnh hôm thứ Tư là 92,679 điểm.
Trong khi đó, chỉ số WSJ U.S. Dollar, đo lường sức mạnh đồng USD với 1 rổ gồm 16 đồng tiền khác, lại ít biến động ở mức 85,66 điểm.
Chỉ số ICE U.S. Dollar hôm thứ Tư đạt đỉnh 2 tuần sau khi Fed cho biết sẽ bắt đầu bán ra trái phiếu để thu hẹp bảng cân đối trị giá 4.500 tỷ USD trong tháng sau. Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng dự định tăng lãi suất thêm 1 lần nữa từ nay đến cuối năm và 3 lần trong năm sau.
Mức suy yếu của đồng USD hôm thứ Năm cũng do giới đầu tư nhìn nhận các đồng tiền đối thủ của đồng bạc xanh sẽ tăng giá.
Fed dự kiến bán ra 10 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng và nâng dần mức bán ra lên 50 tỷ USD/tháng trong năm tới.
Brooks cũng đánh giá việc điều chỉnh theo quý mức trần lượng trái phiếu bán ra là khá mạnh và điều này có lợi cho đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.
Đồng USD hôm 21/9 giảm giá so với đồng tiền ở châu Âu như euro, bảng Anh và kronor Thụy Điển. Trong đó, tỷ giá EUR/USD lên mức 1,1933 so với 1,1895 hôm thứ Tư. Một bảng Anh đổi 1,3573 USD so với 1,3494 USD phiên thứ Tư.
Trong khi đó, đồng USD tiếp tục tăng giá so với đồng yen Nhật sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng. Tỷ giá USD/JPY ở mức 112,58 – cao nhất trong vòng 2 tháng.
Điểm đáng chú ý hôm thứ Năm là S&P đã hạ bậc tín nhiệm của Trung Quốc xuống mức ‘A+/A-1’, do tổ chức này đánh giá tăng trưởng tín dụng cao trong thời gian dài ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã làm tăng các rủi ro về kinh tế và tài chính.
Sản xuất công nghiệp tăng 6% trong tháng 8
Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng 6,0% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đầu tư tài sản cố định tăng 7,8% trong 8 tháng đầu năm, cả hai đều thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế.
Các chuyên gia tham gia khảo sát của Reuters dự báo sản xuất công nghiệp sẽ tăng 6,6% trong tháng 8, tăng so với mức 6,4% của tháng trước.
Trước đó, dự báo đầu tư tài sản cố định sẽ tăng 8,2% trong 8 tháng đầu năm, giảm nhẹ so với mức 8,3% trong 7 tháng đầu năm.
Theo Cục Thống kê, doanh số bán lẻ tăng 10,1% trong tháng 8, giảm so với mức 10,4% của tháng 7 và thấp hơn dự báo của các nhà phân tích với mức tăng 10,5%.
Tăng trưởng đầu tư tư nhân đã giảm từ 6,9% trong 8 tháng đầu năm xuống còn 6,4% của 7 tháng đầu năm, cho thấy các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc tiếp cận tài chính.
Đầu tư tư nhân chiếm khoảng 60% tổng đầu tư vào Trung Quốc.
Dự báo tăng trưởng đầu tư tài sản cố định khoảng 9% vào năm 2017 và doanh số bán lẻ sẽ tăng khoảng 10%.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5 % trong năm nay, giảm từ tốc độ 6,7% vào năm 2016.
Các nhà phân tích cho biết Bắc Kinh sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 sau khi nền kinh tế bất ngờ tăng trưởng với tốc độ 6,9% trong nửa đầu năm.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát ở Trung Quốc đều dự báo hoạt động sẽ chậm lại trong những tháng tới vì chi phí tài chính cao hơn và các rào cản về thị trường bất động sản bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động.
Hàn Quốc
IMF lạc quan về tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định kinh tế Hàn Quốc đã phục hồi mạnh mẽ. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã bày tỏ lạc quan về tương lai của nền kinh tế Hàn Quốc khi cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này sẽ đạt 3% trong năm nay. 
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Seoul ngày 11/9, bà Lagarde tỏ ý tin tưởng nền kinh tế Hàn Quốc đang phục hồi mạnh mẽ, thể hiện qua việc đối diện với các tình huống khó khăn. 
Đánh giá của bà Lagarde trùng với nhận định của Chính phủ Hàn Quốc khi hồi tháng Bảy vừa qua Seoul đã nâng mục tiêu tăng trưởng năm 2017 lên 3% từ mức 2,6% đưa ra trước đó và dự đoán xuất khẩu sẽ là động lực chính cho nền kinh tế nước này. 
Bà Lagarde dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc nhiều khả năng cũng đạt 3% vào năm 2018.
 Theo người đứng đầu IMF, Hàn Quốc cần giải quyết các thách thức trong trung hạn về hệ thống an toàn tài chính của người cao tuổi và về sự đóng góp của nữ giới vào nền kinh tế. Seoul trong những năm trở lại đây đã tiến hành nhiều biện pháp trong nỗ lực thu hút các bà nội trợ đi làm trở lại.
Khoảng 50% lao động nữ Hàn Quốc nghỉ việc trong năm 2016, lý do chủ yếu là kết hôn, mang thai và sinh đẻ. 
Liên quan đến các nguy cơ địa chính trị tại bán đảo liên Triều, bà Lagarde cho biết hiện kinh tế Hàn Quốc chưa ghi nhận thiệt hại liên quan. Nền kinh tế mạnh, đa dạng hóa cao và có nhiều đối tác thương mại này được cho là sẽ đứng vững bất chấp các nguy cơ địa chính trị.
Dự trữ ngoại tệ đạt mức cao kỷ lục trong tháng 8/2017
Tới cuối tháng 8/2017, dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc đã đạt 384,84 tỷ USD. Theo các số liệu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) dự trữ ngoại tệ của nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 8/2017 vừa qua, nhờ sự tăng giá của các loại tiền không phải là USD khi được chuyển đổi sang đồng tiền của Mỹ. 
BoK cho biết, tới cuối tháng 8/2017, dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc đã đạt 384,84 tỷ USD, tăng 1,08 tỷ USD so với con số được ghi nhận trong tháng trước đó.
Trong khi dự trữ bằng vàng của Hàn Quốc không có sự thay đổi nào và vẫn được định giá ở mức 4,79 tỷ USD. 
Theo BoK, tính đến cuối tháng 7/2017, Hàn Quốc là nền kinh tế có dự trữ ngoại tệ lớn thứ 9 trên thế giới, xếp sau Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Sỹ, Saudi Arabia, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Hong Kong (Trung Quốc) và Ấn Độ. 
Báo cáo cùng ngày của BoK, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong tháng Bảy năm nay đã thu hẹp so với cùng kỳ năm ngoái, do thâm hụt trong lĩnh vực dịch vụ gia tăng.
Cụ thể, thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc trong tháng Bảy vừa qua đạt 7,26 tỷ USD, giảm so với mức tương ứng 8,41 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016, ghi dấu tháng thứ 65 liên tiếp nước này đạt thặng dư tài khoản vãng lai - được coi là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá hoạt động thương mại xuyên biên giới. 
Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng Bảy tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 47,21 tỷ USD, trong khi giá trị nhập khẩu tăng 15,2% lên 36,5 tỷ USD.
Hàn Quốc tụt 10 bậc trong xếp hạng tăng trưởng kinh tế của OECDhttp://fp.tvsi.com.vn/Images/spacer.gif
Theo báo cáo mới công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong bảng xếp hạng về sức tăng trưởng của các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi lớn trong quý 2/2017, Hàn Quốc đã bị tụt 10 bậc so với quý trước đó.
Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đạt tốc độ tăng trưởng 0,6% trong quý 2 vừa qua, so với mức tăng 1,1% của quý đầu năm nay. Kết quả này đã đẩy Hàn Quốc từ vị trí thứ tám xuống vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng sức tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên OECD trong quý 2/2017.
Tính trung bình, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế OECD đạt 0,7% trong quý 2 vừa qua, tăng so với mức 0,5% của quý trước đó. Trong tổng số 27 nước thành viên OECD, chỉ có 13 nước ghi nhận xu hướng đi lên trong tăng trưởng kinh tế, các nước còn lại đều chứng kiến sức tăng tưởng giảm sút hoặc đình trệ.
Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong quý 2 vừa qua không phải là quá tệ, khi chi tiêu tiêu dùng cải thiện tích cực và mức đầu tư của doanh nghiệp vào tư liệu sản xuất/tài sản cố định cũng đi lên.
Tuy nhiên, các mối lo ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Xứ sở Kim chi tiếp tục gia tăng, giữa bối cảnh Triều Tiên vừa thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và Mỹ ngày càng nghiêng về xu hướng bảo hộ thương mại.

Nguồn tin: asemconnectvietnam.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi