Nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” giai đoạn 2021-2024, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, trong thời điểm hiện nay, nguồn nhân lực của nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô nguồn nhân lực có bước phát triển, cơ cấu ngày càng phù hợp hơn; trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động được nâng lên; năng suất lao động, việc làm, thu nhập của người lao động có chuyển biến tích cực.
Chất lượng giáo dục, đào tạo ở nước ta ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đào tạo nhân lực chất lượng cao bước đầu được quan tâm ở cả bậc phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học với hệ thống trường chuyên, chương trình chất lượng cao, chương trình đào tạo kỹ sư và cử nhân tài năng, chương trình hợp tác đào tạo và đào tạo có yếu tố nước ngoài...
Các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao của các bộ, ngành địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả. Một số địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện thi tuyển công khai một số vị trí lãnh đạo, cho phép nhân sự ngoài hệ thống được thi tuyển, thí điểm trả lương cao cho giảng viên, bác sĩ giỏi, có cơ chế nội bộ linh hoạt về lương, môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ khác để giữ người tài.
Đoàn giám sát đề nghị, Chính phủ nghiên cứu, ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và bố trí đầy đủ nguồn lực bảo đảm để thực hiện, nâng cao năng lực sáng tạo của nhân lực gắn với sử dụng hợp lý trí tuệ nhân tạo và các công cụ khoa học, công nghệ mới.
Xây dựng và trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Dân số, Luật Viên chức...; xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và phát triển.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần giao một cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về lĩnh vực phát triển, sử dụng nguồn nhân lực ở cả khu vực công và ngoài công lập, chịu trách nhiệm theo dõi, dự báo, xây dựng chiến lược về phát triển nguồn nhân lực quốc gia và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân lực, dự báo về nguồn nhân lực và lựa chọn lĩnh vực trọng điểm để xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thực hiện việc phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, cơ sở trong phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao, lưu ý việc giao thẩm quyền, trách nhiệm cho địa phương, cơ sở phải kèm theo nguồn lực để triển khai thực hiện bao gồm biên chế và ngân sách.
Đổi mới cơ chế sử dụng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao để tăng cường thu hút, giữ chân và phát huy hiệu quả số nhân tài đã được tuyển dụng theo hướng tổ chức các chương trình, công trình, dự án riêng với cơ chế đãi ngộ, môi trường làm việc mang tính mở, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đề cao trách nhiệm.
Thực hiện các chính sách đặc thù, vượt trội cho người làm công tác xây dựng pháp luật và nhà giáo theo quy định. Triển khai thực hiện tốt chính sách về thị thực nhằm thu hút người nước ngoài thuộc nhóm nhân lực chất lượng cao đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới...
Thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể đánh giá cán bộ
Cho ý kiến bước đầu với dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực và tinh thần đổi mới của đoàn giám sát trong triển khai chuyên đề giám sát; nêu rõ đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rất rộng, khó liên quan đến hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước và trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và tất cả các địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao việc triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát, đặc biệt là Đoàn đã tổ chức các tổ công tác nghiên cứu thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật một cách tinh gọn và hiệu quả. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần phát huy đổi mới này trong triển khai các hoạt động giám sát khác của Quốc hội trong thời gian tới. “Khi sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cũng cần phát huy việc tổ chức các tổ công tác xuống làm việc tại các cơ quan, bộ, ngành cụ thể...”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Để hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đoàn giám sát rà soát các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật, nghị quyết Quốc hội trong giai đoạn 2021 - 2024; nghiên cứu bổ sung phụ lục tài liệu về kinh nghiệm của các quốc gia có điều kiện tương tự như nước ta; cân nhắc điều chỉnh liều lượng giữa phần ưu điểm và hạn chế, tồn tại...
Về công tác đánh giá cán bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, chủ trương của Đảng và luật, nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đánh giá cán bộ đã có và không có vướng mắc, do đó không nên "hạn chế nào cũng đổ cho cơ chế, chính sách". Vấn đề ở đây là việc cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, nguyên tắc và cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước; và việc thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá cán bộ, dẫn tới đánh giá chưa chính xác.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện nghiên cứu dự báo và hoạch định chính sách; đổi mới công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và nếu còn thực hiện công tác dự báo theo tư duy “ăn xổi, ở thì” thì khó xây dựng chiến lược tổng thể một cách toàn diện. Nêu rõ thực tế này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cùng với xây dựng quỹ học bổng từ ngân sách nhà nước, cần tiếp tục duy trì các quỹ khuyến học, khuyến tài ở địa phương, dòng họ, hộ gia đình...
Để phát huy kết quả của giám sát chuyên đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng, cần đặt ra yêu cầu đổi mới giáo dục từ giáo dục phổ thông. "Giáo dục phổ thông không phải chỉ học chữ, học kỹ năng, mà cần chuẩn bị tâm thế cho những người sẽ làm chủ tương lai của đất nước, xây dựng một thế hệ vươn mình... như yêu cầu được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra trong bài viết "Tương lai cho thế hệ vươn mình".
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng cho rằng, việc xây dựng Chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phải đi theo và phục vụ cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; "không thể lấy chiến lược đào tạo của các quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới để áp vào chúng ta - một nền kinh tế đang phát triển".
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Phan Văn Mãi, tự chủ đào tạo không có nghĩa "để các cơ sở giáo dục tự xoay xở hoạt động", mà trong quá trình này ngân sách phải đầu tư nhiều hơn nữa với quan điểm là đầu tư cho giáo dục, y tế, xã hội. Tương tự như vậy, xã hội hóa không phải là "thương mại hóa giáo dục - đào tạo" mà Nhà nước vẫn phải có đầu tư, thậm chí đầu tư nhiều hơn, "năm sau nhiều năm trước".
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát. Trong đó, chú trọng làm bật lên những kết quả đạt được cũng như hạn chế, bất cập, đặc biệt làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể, kiến nghị giải pháp phù hợp; lưu ý phân tích đầy đủ nguyên nhân và tăng tính phản biện đối với một số vấn đề còn bất cập khó khăn, vướng mắc, yếu kém.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, bảo đảm chất lượng; các nhiệm vụ, giải pháp đưa ra cần cụ thể, khả thi gắn với thời gian thực hiện, tập trung vào những vấn đề then chốt. Đó là hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới của đất nước, phục vụ việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới và dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn