Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín. Đây là đạo luật toàn diện tích hợp ba trụ cột - khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - trong một thể thống nhất. Và cũng là lần đầu tiên, “văn hóa đổi mới sáng tạo” được ghi nhận như một định hướng chiến lược, một nội dung có giá trị cấu thành trong chính sách phát triển quốc gia.
Điều này không chỉ thể hiện tư duy pháp luật tiến bộ, mà còn mở ra một hành lang thể chế cho sự phát triển của văn hóa, đặc biệt là công nghiệp văn hóa - lĩnh vực đang mang kỳ vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong tương lai gần.
Không thể có một nền kinh tế sáng tạo nếu thiếu văn hóa đổi mới sáng tạo
Không thể kỳ vọng vào công nghiệp văn hóa phát triển nếu thiếu một hệ sinh thái đổi mới đủ mạnh mẽ, đủ cởi mở và đủ nhân văn để nuôi dưỡng cảm hứng, chắp cánh ý tưởng, biến những tài năng nghệ thuật trở thành lực lượng kiến tạo giá trị. Đổi mới sáng tạo, vì thế, không chỉ là câu chuyện của các nhà khoa học, kỹ sư công nghệ, mà trước hết và trên hết, đó phải là một tư duy văn hóa, một tinh thần sống và sáng tạo trong từng con người, trong từng tổ chức, trong từng chính sách.
Từ nhiều năm nay, đổi mới sáng tạo luôn được định vị là động lực tăng trưởng mới trong chiến lược phát triển quốc gia. Song sự tiếp cận đổi mới sáng tạo vẫn nghiêng nặng về phía công nghệ - kỹ thuật, trong khi phần “sáng tạo” với nghĩa rộng nhất - sáng tạo trong nghệ thuật, trong ý tưởng, trong cảm xúc, trong hình thức thể hiện văn hóa... - vẫn nằm ngoài mối quan tâm chính sách. Chính vì vậy, việc Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo xác lập rõ ràng vai trò của văn hóa đổi mới sáng tạo là bước tiến đầy ý nghĩa, mang tính định chế hóa một cách tư duy đã được thực tiễn chứng minh trên thế giới.
Điều 6 của Luật nhấn mạnh: “Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia hiện đại, đồng bộ, gắn với xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.” Quyđịnh này nếu được thực hiện đúng tầm, sẽ là cú hích cho một môi trường văn hóa mới, nơi mà sự sáng tạo không còn bị giới hạn trong những lề lối cũ kỹ, nơi mỗi con người đều được khuyến khích thử nghiệm, được chấp nhận thất bại và được ghi nhận nỗ lực làm mới mình vì cộng đồng.
Chúng ta biết rằng, không một ngành nào trong nền kinh tế sáng tạo lại đòi hỏi nhiều ý tưởng và cảm xúc như công nghiệp văn hóa. Một bài hát có thể làm nên một thương hiệu quốc gia. Một bộ phim có thể thúc đẩy cả một ngành du lịch. Một thiết kế thời trang có thể định hình hình ảnh dân tộc trong mắt bạn bè quốc tế. Nhưng để những điều ấy có thể thành hiện thực, cần có sự hỗ trợ toàn diện của thể chế - từ cơ chế đầu tư, môi trường pháp lý, cơ hội hợp tác đến cách tổ chức giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Và tất cả những điều đó chỉ có thể sinh sôi trong một nền văn hóa mang tinh thần đổi mới – dám nghĩ khác, dám làm mới, dám vượt qua giới hạn thông thường.
Luật đã cung cấp một hệ thống công cụ pháp lý đáng kể. Những quy định về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, cơ chế chấp nhận rủi ro, tài trợ nhiệm vụ không thành công nhưng có giá trị học thuật, hoặc tạo nền cho sáng tạo tiếp theo… đều là những yếu tố mà lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đang rất cần. Bao nhiêu ý tưởng nghệ thuật táo bạo từng bị từ chối vì không có “đầu ra chắc chắn”? Bao nhiêu tài năng trẻ đành từ bỏ con đường nghệ thuật vì không thể chứng minh hiệu quả tài chính trong ngắn hạn? Giờ đây, khi luật đã chấp nhận sự hiện diện chính đáng của thất bại mang tính sáng tạo, khi rủi ro trong đổi mới được thừa nhận như một phần của tiến bộ, thì ngành công nghiệp văn hóa đã có thêm một bệ đỡ quan trọng để vững bước đi lên.
Khoa học xã hội và nhân văn - nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam
Điều đặc biệt trong Luật lần này là khoa học xã hội và nhân văn không “đứng bên lề”, ngược lại, được nhấn mạnh như là nền tảng để kiến tạo thể chế, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
Điều 29 của Luật khẳng định: “Nhà nước chú trọng phát triển nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, con người và xã hội Việt Nam; góp phần tạo nền tảng phát triển kinh tế, văn hóa, con người”.
Chính từ nền tảng đó, việc phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ chạy theo xu hướng thị trường, mà còn bảo đảm được chiều sâu văn hóa, bản sắc dân tộc và tính nhân văn trong từng sản phẩm.
Sáng tạo phải là câu chuyện cá nhân - của một nghệ sĩ, một nhà làm phim, một nhạc sĩ mà là kết quả của một môi trường văn hóa khuyến khích thử nghiệm, một hệ thống giáo dục mở lối cho trí tưởng tượng, một chính sách pháp luật khơi dòng cho đầu tư vào tri thức và cảm xúc. Đó cũng là lý do vì sao Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần được nhìn nhận như một đạo luật có ý nghĩa văn hóa sâu sắc, chứ không chỉ đơn thuần là luật của ngành khoa học và công nghệ.
Tư duy đổi mới sáng tạo cần được gieo vào từng trường học nghệ thuật, từng rạp hát, từng nhà văn hóa, từng bảo tàng. Những sáng tạo nghệ thuật cần được bảo vệ bằng quyền sở hữu trí tuệ, được hỗ trợ bằng các quỹ đầu tư mạo hiểm cho văn hóa, được thí điểm trong các không gian thử nghiệm có kiểm soát, được khuyến khích phát triển qua các sàn giao dịch vốn cho khởi nghiệp sáng tạo.
Bây giờ là lúc cần nghiêm túc đặt câu hỏi: Văn hóa đổi mới sáng tạo sẽ được thực thi như thế nào trong ngành văn hóa? Cán bộ văn hóa có được đào tạo để khuyến khích cái mới không? Các thiết chế văn hóa có được giao quyền thử nghiệm không? Các nghệ sĩ có được bảo vệ khi thử sai không? Các doanh nghiệp văn hóa có được hưởng ưu đãi đầu tư, tín dụng, đất đai như doanh nghiệp công nghệ không?
Luật đã ban hành. Câu trả lời cho những câu hỏi trên – nằm ở quyết tâm thực thi, ở sự phối hợp liên ngành, và trên hết, ở chính tầm nhìn văn hóa của mỗi địa phương, mỗi tổ chức, mỗi con người. Nếu chúng ta coi văn hóa là nền tảng, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển, thì không thể phát triển văn hóa bằng tư duy quản lý cũ. Văn hóa của thời đại mới cần được quản lý bằng tinh thần đổi mới – linh hoạt, cởi mở, đa chiều và dấn thân.
Vì vậy, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo chính là một lời mời - mời gọi toàn xã hội, trong đó có ngành văn hóa, bước vào một giai đoạn phát triển mới - nơi sáng tạo được ghi nhận, văn hóa được nuôi dưỡng, và cái mới được tôn vinh như là sức sống của một dân tộc đang vươn mình.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn