Bắt đầu từ “quốc sách hàng đầu”

Thứ năm - 10/07/2025 22:02
Cần xây dựng và trình Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục...

Đây là một trong các đề xuất được nêu trong dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hôm qua.

Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển và từ chính thực tiễn của đất nước ta cho thấy, muốn có nguồn nhân lực chất lượng phải bắt đầu từ giáo dục. Đây cũng là lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là “quốc sách hàng đầu”. Trong bối cảnh hiện nay, khi đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo đang “tái định nghĩa” năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng, càng đòi hỏi chúng ta phải xây dựng cho được một nền giáo dục hiện đại, công bằng và hiệu quả. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua những cải cách mạnh mẽ từ nền tảng luật pháp, cơ chế tài chính đến cách thức tổ chức thực thi chính sách, pháp luật.

Thực tế cho thấy, dù giáo dục, đào tạo đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhưng cũng còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Trong đó, ở góc độ thể chế, một số quy định trong các đạo luật về giáo dục còn nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Đơn cử như các quy định về liên thông của hệ thống giáo dục, phân luồng học sinh và việc tổ chức các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Các quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức hội đồng trường; phân cấp, phân quyền cho địa phương, cơ sở giáo dục; cắt giảm thủ tục hành chính; kiểm định chất lượng giáo dục...

Hay các quy định về sở hữu, chính sách thuế và các vấn đề khác liên quan đến trường đại học tư thục không vì lợi nhuận; chính sách đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; chính sách bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục...

Các quy định về quản lý, sử dụng tài sản, tài chính cũng được đánh giá là còn phức tạp, chồng chéo, đôi khi thiếu thống nhất dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn áp dụng và chưa thực sự phù hợp với đặc thù của các đơn vị sự nghiệp công lập đang chuyển sang cơ chế tự chủ.

Một trong những "điểm nghẽn" trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua là cơ chế tài chính. Trong đó, về đầu tư của Nhà nước, dù Luật đã quy định dành tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo nhưng kết quả thực hiện mấy năm qua chỉ dao động quanh mức 17 - 17,8%. Cơ chế phân bổ ngân sách chưa thực sự dựa trên kết quả đầu ra, chưa khuyến khích nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ tài chính vẫn gặp khó vì định mức chi chưa hấp dẫn để thu hút người tài; quyền tự quyết về học phí tuy có nhưng chưa đi kèm cơ chế kiểm soát chất lượng, trách nhiệm giải trình còn hạn chế.

Với xã hội hóa giáo dục, dù đã có nhiều chính sách để thúc đẩy, nhưng kết quả cũng còn hạn chế. Mức độ huy động nguồn lực còn chênh lệch lớn giữa các vùng miền; khu vực ngoài công lập, nhất là các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận, vẫn gặp rào cản về thủ tục đầu tư, quy hoạch đất đai, cơ chế ưu đãi tín dụng. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc triển khai chủ trương xã hội hóa; công tác quy hoạch chưa bài bản, thiếu quỹ đất sạch, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Đặc biệt, ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi và dân tộc thiểu số - nơi nhu cầu giáo dục và hỗ trợ tiếp cận tri thức rất lớn thì lại rất khó huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho lĩnh vực này.

Như vậy để thấy rằng, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải bắt nguồn từ giáo dục. Nhưng một câu hỏi khác cũng phải được trả lời thấu đáo, đó là để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đâu? Những vấn đề nào đang là "điểm nghẽn" cản trở giáo dục phát triển?

Thời gian qua, đặc biệt là tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội đã có nhiều quyết sách lịch sử cho lĩnh vực giáo dục, nhất là việc lần đầu tiên ban hành một đạo luật về nhà giáo, ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Nghị quyết về phổ cập giáo dục đối với trẻ từ 3 - 5 tuổi, Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh không phân biệt cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập…

Nhưng rõ ràng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mà Đảng ta đã đề ra. Việc đề xuất Quốc hội sửa đổi các Luật về giáo dục, xem xét ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục cần được nghiên cứu thấu đáo để sớm triển khai, không chỉ để khắc phục điểm nghẽn hiện tại mà còn phải “mở đường” cho những đột phá trong tương lai.

Trước mắt, Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các luật, nghị định, thông tư liên quan đến hoạt động giáo dục và đào tạo để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi trong thực thi chính sách. Các địa phương cũng cần nâng cao năng lực thực hiện các chủ trương về phân cấp, tự chủ, xã hội hóa và liên kết vùng trong đào tạo nguồn nhân lực bởi yêu cầu phát triển hiện nay đòi hỏi sự hợp tác, chia sẻ nguồn lực và tầm nhìn chung toàn quốc chứ không phải chỉ riêng địa phương nào.

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi