Chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc các đề án mới về tạo việc làm và các cụm sản xuất, đặc biệt là trong ngành dệt may, nơi mà Ấn Độ sẽ phải gỡ bỏ trợ cấp của mình vào cuối năm nay.
Trong một cuộc họp cuối tuần trước, nhà cầm quyền nước này đã xét đến ý tưởng mở rộng chương trình Hoàn thuế (Rebate of State Levies - RoSL) cho dệt may.
Chương trình này hoàn trả các khoản thuế không được chiết khấu lại theo chế độ thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) như thuế điện và thuế xăng dầu.
“RoSL có thể được sử dụng để bù đắp các loại thuế hiện nay không được hoàn trả ở GST”, một quan chức cho biết.
Theo cơ chế RoRL, các nhà xuất khẩu hàng may mặc nhận hoàn trả đối với tất cả các khoản thuế ở cấp nhà nước. Giờ đây, các khoản này còn có thể được mở rộng cho các khoản thuế gián thu.
Quan chức này nói thêm, các cụm sản xuất cũng có thể đáp ứng tiêu chuẩn để hưởng những ưu đãi này.
Tương tự như vậy, các ý tưởng liên quan đến hỗ trợ người lao động như ưu đãi thuế cho quỹ tiết kiệm và miễn trừ cho nhân viên mới cũng có thể khả thi mà không vi phạm các tiêu chuẩn thương mại toàn cầu.
Bộ Dệt may Ấn Độ đã đề xuất liên kết các khoản trợ cấp với tiền lương công nhân. Bộ Thương mại cho rằng đề án Advance Authorisation Scheme (cho phép nhập khẩu miễn thuế sản phẩm đầu vào được sử dụng trong sản xuất sản phẩm xuất khẩu) là tuân thủ các quy tắc của WTO, nhưng cần có một hệ thống giám sát mạnh để tránh trợ cấp quá mức.
Theo các điều khoản đặc biệt và khác biệt trong Hiệp định chống trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO, các quốc gia đang phát triển có mức tổng thu nhập quốc nội (GNI) đầu người dưới 1.000 USD tính theo tỷ giá năm 1990 được phép cung cấp trợ cấp cho bất kỳ ngành nào có thị phần xuất khẩu toàn cầu dưới 3,25%.
Kề từ khi thị phần xuất khẩu dệt may của Ấn Độ đạt đến ngưỡng 3,25% vào năm 2010, chính phủ nước này lo lắng về thời hạn chấm dứt trợ cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp dệt may vào tháng 12 năm 2018 sẽ gây tác động xấu cho ngành này.
Theo các quy định hiện hành của WTO, một quốc gia không được áp dụng thêm trợ cấp xuất khẩu nếu GNI đầu người vượt qua 1.000 USD trong ba năm liên tiếp. Năm 2017, WTO báo cáo GNI đầu người Ấn Độ đạt 1.051 USD, 1.100 USD, 1.178 USD tương ứng vào các năm 2013, 2014 và 2015.
Chính phủ nước này cũng đang xem xét các đề án để hỗ trợ tuân thủ, tính bền vững và chứng nhận chất lượng theo các cam kết tiêu chuẩn của WTO.