Khẳng định tư duy đúng đắn
Tại Đại hội IX (4-2001), khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN mới được chính thức sử dụng trong các văn kiện của Đảng. Và cũng từ Đại hội này, Đảng xác định nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, đồng thời làm rõ một số khía cạnh liên quan đến nội hàm của mô hình kinh tế này.
Kinh tế thị trường định hướng XHCN có những điểm tương đồng, nhưng cũng có những điểm khác biệt về bản chất so với kinh tế thị trường tư bản hiện đại. Thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN không phải là sự gán ghép chủ quan giữa kinh tế thị trường và CNXH, mà là sự nắm bắt và vận dụng xu thế vận động khách quan của kinh tế thị trường trong thời đại mới. Chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự tiếp thu có chọn lọc thành tựu của văn minh nhân loại, phát huy vai trò tích cực của kinh tế thị trường trong việc thúc đẩy phát triển sức sản xuất, xã hội hóa lao động, cải tiến kỹ thuật - công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều của cải, góp phần làm giàu cho xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, lựa chọn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Đảng ta chưa bao giờ dễ dàng, bởi có nhiều nghi ngại về mặt lý luận khi "có ý kiến cho rằng, không thể có kinh tế thị trường định hướng XHCN; rằng CNXH và kinh tế thị trường không thể dung hợp với nhau, nếu đem "ghép" định hướng XHCN vào kinh tế thị trường thì chẳng khác nào trộn dầu vào nước, tạo ra một cơ thể "đầu Ngô mình Sở"…
Những quan điểm trên đều bị đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bác bỏ tại Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề "Chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường - kinh nghiệm của Trung Quốc, kinh nghiệm của Việt Nam". Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng: "Không đúng là vì, hoặc ý kiến này muốn trì kéo Việt Nam trong quỹ đạo phát triển của chủ nghĩa tư bản, phủ nhận định hướng XHCN, không muốn Việt Nam đi lên CNXH. Hoặc ý kiến này không thoát ra được khỏi tư duy cũ, đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản, cho kinh tế thị trường là cái riêng có của chủ nghĩa tư bản, từ đó "dị ứng" với kinh tế thị trường, không thấy hết những yếu tố mới, xu hướng mới của kinh tế thị trường trong điều kiện mới của thời đại, lặp lại sai lầm của một thời trước đây".
Công cuộc đổi mới gần 40 năm qua và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của đất nước ta nói riêng, đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Thành tựu của đất nước ta được cộng đồng quốc tế thừa nhận, nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, nhằm phủ nhận đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc đường lối đó với nhiều quan điểm sai trái. Thậm chí, trong quan hệ quốc tế, một số nước lấy việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của chúng ta làm điều kiện để "mặc cả" cho những yêu cầu của họ.
Ngành Xuất bản “vào cuộc”
Xuất bản là cơ quan truyền thông thực hiện nhiệm vụ phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta luôn xác định xuất bản là lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Vì thế, ngành xuất bản cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ và thuyết phục bác bỏ quan điểm sai trái, không thiện chí của các thế lực thù địch và quan điểm không thừa nhận nền kinh tế thị trường XHCN, đưa ra lập luận sắc bén với những dẫn chứng cụ thể bảo vệ thành tựu của Đảng trong việc lãnh đạo đất nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt là đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Để phục vụ công tác này, ngành xuất bản nói chung và Nhà xuất bản Công Thương nói riêng cần tập trung xuất bản các ấn phẩm thể hiện Việt Nam hội nhập mạnh mẽ và bình đẳng với các nền kinh tế lớn của thế giới, không phân biệt chế độ chính trị: Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tiến một bước dài trên con đường hội nhập quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do, 3 hiệp định đang đàm phán. Trong đó có những hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP… Các hiệp định thương mại tự do, ngoài việc mở ra cơ hội kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, còn gián tiếp khẳng định nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Bởi, gia nhập WTO và ký kết các hiệp định thương mại tự do, chúng ta phải đáp ứng các tiêu chí và chấp nhận "luật chơi" chung.
Theo Bộ Công Thương, hiện 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm các nền kinh tế lớn như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mới nhất, Vương quốc Anh đã có thư chính thức công nhận quy chế thị trường của Việt Nam. Đây là câu trả lời rõ ràng và đanh thép cho những luận điệu xuyên tạc và tiếng nói lạc lõng phủ nhận điều tồn tại hiển nhiên - nền kinh tế thị trường của Việt Nam và những thành tựu lớn lao đem lại cho người dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, xuất bản các ấn phẩm thể hiện Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo chuẩn mực chung của thế giới. Trước hết nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia, xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ủy quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường. Phát triển các yếu tố sản xuất để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực. Phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm...
Ngoài ra, các ấn phẩm khẳng định vai trò quản lý nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thông qua xây dựng pháp luật, đặc biệt là pháp luật kinh doanh, xác lập môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh, nâng cao năng lực và khả năng điều tiết nền kinh tế của cơ quan quản lý, nâng cao sức mạnh doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo hoàn thành vai trò "định hướng" của mình trong nền kinh tế - cũng là lựa chọn đúng đắn trong thời điểm hiện nay.
Trương Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn