Nhà xuất bản Công Thươnghttps://nxbcongthuong.vn/uploads/logo_small.png
Thứ ba - 23/04/2024 07:54
Cùng với báo chí, xuất bản là một mặt trận không thể thiếu trong công tác tư tưởng của Đảng, đồng thời là công cụ hữu hiệu và là vũ khí sắc bén để Nhà nước quản lý, điều hành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, Đảng ta luôn khẳng định vai trò quan trọng của xuất bản trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Quan điểm của Đảng về vị trí, nhiệm vụ của xuất bản
Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 24-8-1989 của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay” chỉ rõ: “Báo chí, xuất bản, văn hóa nghệ thuật là những binh chủng trực tiếp tác chiến hằng ngày trên mặt trận tư tưởng, các cấp ủy đảng và lãnh đạo các ngành, đoàn thể phải lãnh đạo và quản lý tốt đội ngũ phóng viên, cán bộ biên tập, trước hết là tổng biên tập các báo chí, nhà xuất bản; tạo điều kiện thuận lợi cho anh chị em làm tốt nhiệm vụ được giao: kịp thời thông tin những vấn đề về thời cuộc, chính sách, những chủ trương của cấp ủy; tạo điều kiện cho anh chị em đi sát cuộc sống; từng thời gian đánh giá hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hóa nghệ thuật, biểu dương mặt tốt, uốn nắn những lệch lạc, khắc phục những khuyết điểm…, đồng thời cần xử lý nghiêm những cán bộ phụ trách báo chí, xuất bản, văn hóa văn nghệ có ý đồ sử dụng báo, tạp chí, nhà xuất bản, các hoạt động văn hóa văn nghệ để tuyên truyền khuynh hướng, quan điểm sai lầm của cá nhân, cố tình làm trái với quan điểm của Đảng”.
Trước tình hình trong nước và trên thế giới có nhiều biến động phức tạp, tác động đến công tác tư tưởng, ngày 25-7-1990, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 63-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí, xuất bản”, trong đó nhấn mạnh: “Sách, báo là công cụ rất quan trọng trên mặt trận tư tưởng, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN… Cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí, xuất bản đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân về sách, báo chính thống…, góp phần chống lại những luận điệu xuyên tạc của địch; đồng thời kiên quyết ngăn chặn việc xuất bản, lưu hành những ấn phẩm xấu, phản động, đồi trụy”.
Tại Đại hội IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Báo chí, xuất bản… làm tốt chức năng tuyên truyền thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát hiện những nhân tố mới, cái hay, cái đẹp trong xã hội, giới thiệu gương người tốt, việc tốt, những gương mặt điển hình tiên tiến, phê phán các hiện tượng tiêu cực, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh với những quan điểm sai trái; coi trọng nâng cao tính chân thật, tính giáo dục và tính chiến đấu thông tin;… khắc phục khuynh hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí, xuất bản. Nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, ý thức trách nhiệm, trình độ văn hóa và nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức của đội ngũ báo chí, xuất bản”.
Tại Đại hội XII, Đảng ta yêu cầu: “Làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản. Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam”.
Tại Đại hội XIII, đối với xuất bản, Đảng ta nhấn mạnh: “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa… Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mĩ tục”.
Vai trò của công tác xuất bản trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Có thể khẳng định, xuất bản góp phần tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất, nội dung nền tảng tư tưởng của Đảng.
Xuất bản còn góp phần giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong công tác giáo dục và đào tạo ở bậc đại học và sau đại học các chuyên ngành lý luận chính trị, ở trung cấp và cao cấp lý luận chính trị, thì tất yếu không thể thiếu các ấn phẩm từ công tác xuất bản. Các ấn phẩm đó vừa cung cấp cho người học thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản, vừa góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quá trình đào tạo và công tác sau khi tốt nghiệp. Như vậy, với vai trò của mình, xuất bản không chỉ góp phần nâng cao tri thức, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân mà còn góp phần quan trọng trong việc đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực kế cận để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thêm vào đó,công tác xuất bản góp phần định hướng dư luận trong thực hiện các mục tiêu, lý tưởng mà nền tảng tư tưởng của Đảng hướng tới.
Quan trọng hơn cả, công tác xuất bản là mặt trận phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Công tác xuất bản chính là mặt trận để nhân dân, nhất là những người làm công tác tư tưởng, lý luận của Đảng có điều kiện phản bác lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bằng các ấn phẩm, các tác giả có môi trường, điều kiện để lật tẩy, phê phán, đập tan những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch một cách khách quan, khoa học; từ đó, không chỉ góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, mà còn làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực này đối với nước ta hiện nay.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực xuất bản hiện nay
Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị Quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: “Sự nghiệp xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có nhiệm vụ tích lũy và truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học của xã hội; xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam; góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành xã hội học tập” có vai trò quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Cách mạng công nghiệp 4.0, hạt nhân là sự kết hợp các công nghệ và thông tin số hóa đã và đang tạo ra thay đổi đột biến trong công tác xuất bản. Trong đó, sự thay đổi căn bản, nhanh chóng nhất là tốc độ sản xuất, chia sẻ và lan tỏa xuất bản phẩm. Trong bối cảnh đó, công nghệ in trên giấy truyền thống sẽ dần bị chiếm lĩnh bởi công nghệ xuất bản điện tử với sự xuất hiện của sách điện tử và các thiết bị đọc điện tử. Phương thức phát hành truyền thống vì thế cũng không còn độc tôn.
Những thay đổi này đem lại nhiều cơ hội và tiền đề thuận lợi cho sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa - xuất bản. Song, nó cũng tạo áp lực lớn buộc các nhà xuất bản phải thay đổi tư duy, cách thức làm việc trong các hoạt động xuất bản, in và phát hành. Trong đó có việc các thế lực thù địch, phản động lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do phổ biến tác phẩm của công dân đã biến xuất bản thành một mặt trận để chống phá Đảng và Nhà nước.
Để hoạt động xuất bản thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần phải quán triệt quan điểm của Đảng về công tác xuất bản tại Chỉ thị số 42/CT-TW ngày 25-8-2004 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản; Thông báo số 19/TB-TW ngày 29-12-2016 thông báo kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản; Chỉ thị số 44/CT-TW ngày 16-4-2020 về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị.
Bên cạnh đó,thay đổi hệ thống tổ chức, quản lý và cơ chế, cách thức hoạt động của nhà xuất bản để đáp ứng yêu cầu phát triển dựa trên các nền tảng tích hợp, giao thoa công nghệ hiện đại và môi trường số. Đồng thời, công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản của các nhà xuất bản cũng phải nhanh chóng đổi mới theo kịp những đòi hỏi mới trong thực tiễn hoạt động xuất bản, theo hướng gắn kết chặt chẽ hai yếu tố tư tưởng - văn hóa và kinh tế - công nghệ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại hiệu quả cao (cả về chính trị - xã hội và kinh tế) cho hoạt động xuất bản trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, cầnxây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, đặc biệt là các biên tập viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng chọn lọc, tổng hợp, phân tích và xử lý trước những nguồn thông tin chưa được kiểm chứng trong điều kiện bùng nổ thông tin nhanh, đa chiều ở cả trong nước và quốc tế. Ngoài kiến thức chuyên sâu, đòi hỏi đội ngũ cán bộ xuất bản phải có tính năng động, sáng tạo, có năng lực ngoại ngữ, tin học và thậm chí cả những kiến thức khoa học - công nghệ cần thiết, để có thể tiếp cận và ứng dụng những công nghệ mới trong hoạt động quản lý và chuyên môn, tương ứng với phương thức xuất bản mới, sử dụng kênh truyền thông đa phương tiện, công nghệ quản lý, quản trị nhà xuất bản, quản trị mạng lưới bán hàng…