Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong chuyển đổi số gắn với hoạt động xuất bản

Thứ năm - 25/04/2024 02:22
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên thế giới hiện nay đã đem đến những thay đổi căn bản trên nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, có tác động trực tiếp đến các hoạt động thông tin truyền thông nói chung và hoạt động xuất bản nói riêng. Các công nghệ này đã tạo ra những yếu tố mới trong hoạt động xuất bản như: sản phẩm và dịch vụ mới, phương thức sản xuất mới, mô hình và quy trình xuất bản mới.

Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản

Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động xuất bản, đó là: Tăng cường đổi mới chất lượng nội dung và hình thức của xuất bản phẩm; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng mới; đào tạo nguồn nhân lực mới về chất lượng, đủ trình độ vận hành và đem lại hiệu quả cao từ hệ thống kỹ thuật, công nghệ mới; thiết lập môi trường pháp lý và quản lý mới phù hợp với sự phát triển của tính chất và trình độ của hoạt động xuất bản trong bối cảnh mới.

Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã yêu cầu “Xây dựng ngành Xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc. Cần xây dựng những chính sách và cơ chế phù hợp để xuất bản hoạt động có hiệu quả trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “đổi mới, nâng cấp và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và công nghệ xuất bản…; áp dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa quy trình biên tập và quản lý xuất bản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Xác định nhiệm vụ xây dựng ngành Xuất bản trở thành ngành công nghiệp hiện đại, chiến lược chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản trong thời gian tới hướng tới mục tiêu: Phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số; đổi mới căn bản hoạt động quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành; hình thành mô hình, sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, thói quen tiếp nhận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số.

Cùng với xu hướng chung của xuất bản thế giới, thông qua chiến lược chuyển đổi số ngành xuất bản, trong thời gian qua, quá trình chuyển đổi số xuất bản đã đạt được một số kết quả nhất định đáng ghi nhận. Cụ thể:

Số lượng các đơn vị xuất bản, phát hành tham gia vào thị trường xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử ngày càng nhiều. Cùng với nhận thức của các đơn vị trong ngành xuất bản về việc tham gia vào thị trường xuất bản điện tử là một xu thế tất yếu trong thời đại kỷ nguyên số, cùng với sự nỗ lực và các giải pháp thiết thực của cơ quan quản lý, trong những năm gần đây số lượng nhà xuất bản được cấp phép hoạt động xuất bản điện tử được gia tăng đáng kể, nhất là trong 2 năm gần đây, trong đó riêng năm 2022 cấp phép cho 8 nhà xuất bản, đưa số nhà xuất bản được cấp giấy phép hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử lên 23/57; chiếm 33,3%. Một số đơn vị đã liên kết với các công ty công nghệ có năng lực, trình độ công nghệ cao xây dựng các phần mềm, hệ điều hành xuất bản điện tử hiện đại áp dụng vào hầu hết các khâu trong quy trình xuất bản, sử dụng nhiều kỹ thuật hiện đại không chỉ đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của đơn vị mà còn mở ra cơ hội hợp tác, chia sẻ nền tảng cho nhiều đơn vị trong ngành.

Sản phẩm của xuất bản số ngày càng đa dạng và phong phú: Số lượng xuất bản phẩm điện tử đã có sự tăng trưởng nhất trong những năm gần đây. Nếu như năm 2015, một số nhà xuất bản mới bắt đầu thực hiện thử nghiệm số lượng xuất bản phẩm chỉ khoảng hơn 1.000 đầu sách, hình thức đơn giản thì trong ba năm vừa qua, số lượng xuất bản phẩm đã đạt trên từ 2.500 đến 3000 đầu sách với hơn 20 triệu lượt truy cập mỗi năm.

Doanh thu từ hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử ngày càng lớn, góp phần tăng trưởng cho hoạt động toàn ngành. Theo thống kê về hoạt động phát hành xuất bản phẩm trên các sàn thương mại điện tử do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra, đối với sàn Lazada, trong tổng doanh thu về các ngành hàng thuộc ngành hàng truyền thông, ngành hàng Sách đạt 94,8 tỷ đồng, chiếm gần 76,3%; đối với sàn Tiki, ngành hàng Nhà sách Tiki đạt 414,2 tỷ đồng, chiếm gần 12,2% tổng doanh thu, đứng đầu trong số 10 ngành hàng trên sàn; đối với sàn Shopee, ngành hàng Sách và Tạp chí đạt 709,8 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng doanh thu toàn sàn.

Nền tảng công nghệ xuất bản ngày càng được đầu tư hiện đại hơn. Các công nghệ mới hàng đầu sẽ được áp dụng như công nghệ AI, các giải pháp điện toán đám mây, các phần mềm hỗ trợ công tác biên tập, phần mềm làm sách điện tử…, giúp ngành xuất bản sớm bắt kịp với các xu thế chung của thế giới.

Phải nhìn nhận vào thực tế chung, chuyển đổi số đem đến những cơ hội những cũng mang lại không ít thách thức to lớn đối với việc quản lý trong hoạt động xuất bản. Đó là các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, bịa đặt, cung cấp thông tin thiếu cơ sở khoa học, không có căn cứ gây nhiễu loạn thông tin. Đưa các thông tin nhạy cảm về chính trị thiếu kiểm chứng hoặc các thông tin liên quan đến đời tư của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước gây hoang mang, mất niềm tin trong người dân, thể hiện sự “gán ghép”, một chiều, gây tác động tiêu cực cho người đọc
thay
Chuyển đổi số trong ngành xuất bản là xu hướng tất yếu nhưng cần đảm bảo các biện pháp an toàn thông tin mạng

Một số giải pháp nâng cao chất lượng gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong xuất bản

Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" khẳng định: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân.

Bên cạnh việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xuất bản còn là phương tiện, công cụ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chỉ thị số 172-CT/TW ngày 23-11-1959 của Ban Bí thư về công tác xuất bản khẳng định, xuất bản “là vũ khí quan trọng để đấu tranh với tư tưởng thù địch và những tư tưởng phi vô sản khác”.

Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi sai trái, chống phá của thế lực thù địch, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, trong thời gian tới, ngành Xuất bản đang tập trung một số giải pháp:

Thứ nhất, đảm bảo các biện pháp an toàn thông tin mạng. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết đầu tiên khi các đơn vị xuất bản tham gia vào thị trường xuất bản số. Hệ thống an ninh mạng cần được đảm bảo các biện pháp an toàn, chống sao chép, chống can thiệp về nội dung các xuất bản phẩm đăng tải. Việc tham gia các nền tảng số trên mạng internet cần được tuân thủ theo các quy định về Luật An ninh mạng và "Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội" do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành; tuân thủ nghiêm nguyên tắc sử dụng mạng xã hội, khai thác, sử dụng internet một cách hiệu quả, thiết thực và lành mạnh.

Thứ hai, nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác xuất bản về cả chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị đồng thời về trình độ công nghệ thông tin, đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của ngành Xuất bản cũng như của xã hội. Cần tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ, quản lý, biên tập viên về các kỹ năng, kiến thức sử dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, để mỗi cá nhân nắm rõ cơ chế hoạt động của các mạng xã hội, các trang thông tin điện tử và sử dụng một cách thành thạo, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về an ninh thông tin, bảo mật thông tin trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng.

Thứ ba, cần có sự kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản và các đơn vị trong ngành, nhằm tạo nên hệ thống dữ liệu lớn (bigdata); đồng thời có cơ chế quản lý, kiểm duyệt thông tin hiệu quả. Tăng cường công tác tập huấn, phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; cập nhật các thông tin về chính trị, xã hội trong và ngoài nước cho biên tập viên các nhà xuất bản.

Thứ tư, chú trọng xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu của ngành xuất bản. Xây dựng nền tảng dùng chung đối với hoạt động xuất bản điện tử; đồng thời dầu tư hệ thống các phần mềm phục vụ công tác lưu chiểu, phát hành xuất bản phẩm điện tử; hỗ trợ công tác đọc biên tập, duyệt nội dung xuất bản phẩm lưu chiểu cho cơ quan quản lý, nhằm hỗ phát hiện kịp thời các xuất bản phẩm có dấu hiệu vi phạm ngay từ khi lọc “bản thảo” của nhà xuất bản cũng như công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý.

Tác giả: Đào Thị Thúy Ngà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi