Xuất khẩu dệt may 2019: Tận dụng cơ hội để bứt phá

Thứ hai - 24/09/2018 23:57
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu dệt may năm 2018 cả nước có thể đạt 35 tỷ USD. Tiếp đà năm 2017, 2018, năm 2019, ngành dệt may sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Đây là năm có nhiều cơ hội để dệt may bứt phá chuyển mình, tiến lên một vị thế mới, vai trò mới trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
 

Đó là nhận định của ông Trần Thanh Hải- Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu tại Hội thảo “Triển vọng xuất khẩu dệt may 2019” do Bộ Công Thương và Hiệp hội thêu đan TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20/9. Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt và may- thiết bị và nguyên phụ liệu 2018 (HanoiTex 2018).

xuat khau det may 2019 tan dung co hoi de but pha

Năm 2019, xuất khẩu dệt may sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt


Xuất khẩu dệt may tiếp đà tăng trưởng

Dệt may là một trong những ngành xuất siêu kỷ lục của Việt Nam khi năm 2017 đạt thặng dư đến 15,5 tỷ USD. Tiếp đà năm 2017, 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt trên 23 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Cục Xuất nhập khẩu đưa ra dự báo, xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 35 tỷ USD.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu- cho biết, năm 2019 sẽ là một năm nhiều cơ hội và cũng đầy thách thức đối với ngành dệt may. Đây là giai đoạn ngành này cần sự bứt phá chuyển mình để tiến lên một vị thế mới, một vai trò mới trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu: Chuyển từ sản xuất gia công (CMT) sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB), sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng (ODM và OBM) với mong muốn mang lại giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có tác động lớn đến ngành dệt may, buộc ngành này phải thay đổi và đầu tư mạnh mẽ hơn cho thiết bị, cũng như nhân sự. Đối với ngành dệt may trong thời gian tới, nỗ lực cần phải hướng đến đó là đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đầu tư vào thiết kế…

Hiện nay, thị trường xuất khẩu dệt may tập trung gồm Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada, Đông Nam Á. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của dệt may, chiếm gần 40% tổng kim ngạch. Gần đây, cuộc chiến thương mại Trung Quốc- Mỹ bùng nổ, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đây chính là cơ hội cho dệt may Việt Nam. Đặc biệt vừa qua,chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách gần 6.000 mặt hàng (trong đó có ngành dệt may) sẽ bị áp thuế trong gói 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. "Doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội “lấp chỗ trống” khi xuất khẩu của Trung Quốc bị đánh thuế. Bởi,Trung Quốc sẽ không thể xuất vào Mỹ vì bị áp mức thuế cao, chi phí đắt nên doanh nghiệp Mỹ không nhập khẩu đồ Trung Quốc nữa. Đến lúc đó, Việt Nam cần thương lượng kịp thời, lấp chỗ trống đó ở thị trường Mỹ”- TS. Lê Đăng Doanh nhận định.

Bên cạnh những cơ hội, dệt may Việt Nam còn đối mặt thách thức không nhỏ, chính là hàng hóa Trung Quốc đã và sẽ tìm cách tràn ngập thị trường Việt Nam theo các hình thức khác nhau như lập kho gửi hàng ở các khu kinh tế biên mậu, lập doanh nghiệp lắp ráp tại Việt Nam để tránh thuế rồi tìm đường xuất khẩu sang Mỹ.

TS. Lê Đăng Doanh cảnh báo, hàng Trung Quốc sẽ đội lốt hàng Việt Nam, tức là chuyển hàng Trung Quốc vào Việt Nam và gắn mác Made in Việt Nam, để xuất khẩu sang Mỹ, không phải chịu thuế. Nếu để điều này xảy ra, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng “vạ lây” khi Mỹ tiến hành áp thuế trừng phạt.

Vì vậy, theo ông Doanh, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, để chiếm lĩnh cơ hội và đứng vững trong thị trường đầy biến động.

Truy xuất nguồn gốc- quy định bắt buộc xuất khẩu

Truy xuất nguồn gốc là một trong những quy định bắt buộc của một số thị trường như Anh, Mỹ, EU… đối với hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu. Ông Bùi Viết Hồng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chống hàng giả Việt Nam (Vina CHG)-cho biết, các sản phẩm dệt may Việt Nam nếu thực hiện tốt yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì việc bước chân vào các thị trường khó tính nói trên không phải là khó. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Việt Nam lâu nay lại không quan tâm nhiều đến việc truy xuất nguồn gốc, vấn đề này chỉ mới nổi lên trong vòng vài ba năm trở lại đây, khi chúng ta thực hiện các cam kết thương mại tự do, trong khi thế giới đã thực hiện từ rất lâu.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm dệt may giúp chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng yêu cầu của nước xuất khẩu. Minh bạch thông tin, xây dựng uy tín thương hiệu với các đối tác. Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Kiểm soát được nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, vận chuyển, phân phối sản phẩm. Ngoài ra, truy dấu vết của sản phẩm trong quá trình sản xuất- vận chuyển- phân phối nhanh chóng, toàn diện”- ông Hồng phân tích.

Trong bối cảnh hiện nay, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa giảm nhiệt, nguy cơ hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam sau đó gắn mác Việt Nam để xuất khẩu trở lại Mỹ, thì việc các doanh nghiệp dệt may thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ ngăn chặn được tối đa nguy cơ này.

Nguồn tin: congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi