![]() |
Showroom giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu |
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh 8 tháng đầu năm 2018 đạt 22,9 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc với 4,1 tỷ USD, Hoa Kỳ đứng thứ hai với 3,7 tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản với 2,2 tỷ USD.
Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm XTTM và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết, để đạt kết quả tăng trưởng xuất khẩu này, thành phố đã nỗ lực đầu tư cho các hoạt động XTTM. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức trên 100 hoạt động kết nối (B2B) giữa DN TP. Hồ Chí Minh với các tập đoàn bán lẻ quốc tế (Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Đan Mạch, Hà Lan...), thu hút hơn 3.000 lượt DN nước ngoài tham gia. Kết quả, đã có hơn 20 hợp đồng và 70 biên bản ghi nhớ trao đổi hàng hóa được ký kết.
Ngoài ra, thành phố cũng đã ký kết 22 biên bản và chương trình thỏa thuận hợp tác với tổ chức xúc tiến các nước và vùng lãnh thổ như: Tổ chức Phát triển DN nhỏ và vừa Hàn Quốc (SBC), Cục Xúc tiến mậu dịch Hong Kong (HKTDC), các tổ chức thương mại khu vực ASEAN, Hà Lan, Đức, Nga, Úc, New Zealand, Nhật Bản… Nội dung ký kết hợp tác xúc tiến tập trung vào hỗ trợ xây dựng thương hiệu mạnh cho DN xuất khẩu, nghiên cứu và khảo sát thị trường, đào tạo, huấn luyện kỹ năng XTTM và đầu tư cho DN, trong đó có DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Tăng cường liên kết
Theo ông Phạm Thiết Hòa, để giữ vững thị trường và tăng trưởng xuất khẩu, cần định hướng xây dựng đội ngũ DN mạnh, có thương hiệu, tổ chức theo ngành hàng với khung tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường xuất khẩu... Các DN, hiệp hội, ngành hàng cần có sự liên kết nhằm hạn chế tình trạng mạnh ai nấy làm, bán phá giá, cạnh tranh thiếu lành mạnh...
Ngoài ra, DN phải làm chủ được thị trường nội địa và đi vào kênh phân phối hiện đại của các DN nước ngoài. Tại TP. Hồ Chí Minh, có nhiều tập đoàn đa quốc gia, nhà bán lẻ nước ngoài và khi hàng hóa của DN Việt vào được hệ thống siêu thị của các tập đoàn như AEON, LOTTE Mart, Big C..., sản phẩm Việt sẽ được bảo chứng về tiêu chuẩn chất lượng và có thể thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu lớn mà không phải qua nhiều khâu trung gian, từ đó nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.
TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với nhiều hình thức mới đa dạng, thiết thực, hiệu quả như: Tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành, tổ chức đoàn giao dịch thương mại giúp duy trì kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, mở rộng thị trường xuất khẩu tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng… Tiếp tục hướng sự chú ý tới các thị trường Việt Nam đã hoặc chuẩn bị ký kết các FTA. Tăng cường liên kết, phối hợp với tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức, hiệp hội DN nước ngoài, tổ chức XTTM trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động xúc tiến thiết thực, hiệu quả nhất cho DN.
TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng Đề án “Định vị sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu” với mục tiêu xây dựng chiến lược toàn diện về hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố thông qua việc lựa chọn những sản phẩm chủ lực, nhóm ngành có tính cạnh tranh cao, đồng thời đưa ra các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để triển khai. |
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn