![]() |
Các cống được thiết kế rộng 40-60 m, cao trình đáy 3,5-10 m. Các loại tàu, thuyền có thể giao thông khi cửa mở hoàn toàn. Ảnh: Zing. |
Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam cho báo Tuổi trẻ biết, UBND TPHCM đã quyết định chỉ định Công ty là nhà đầu tư dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biển đổi khí hậu giai đoạn 1 theo hình thức PPP - đối tác công tư”.
Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.
Dự án bao gồm xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn, khoảng 7 km đê, kè ở các đoạn xung yếu đê bao ven sông Sài Gòn từ sông Vàm Thuật đến sông Kinh, 68 cống nhỏ từ Vàm Thuật đến Mương Chuối; xây dựng nhà quản lý trung tâm và hệ thống SCADA (hệ thống quan trắc thu thập dữ liệu và điều khiển vận hành từ xa) tại các Quận 1, 4, 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè.
Dự kiến, cuối tháng 3 này Công ty sẽ khởi công dự án trên với tổng vốn đầu tư 9.926,6 tỉ đồng, đổi lại, UBND TPHCM sẽ thanh toán bằng quỹ đất của Thành phố.
Quý I/2017 khởi công tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết
Ngày 15/3, UBND tỉnh Đồng Nai, Ban Quản lý Dự án 1 (Bộ GTVT) cùng các sở, ngành, địa phương đã họp bàn phương án giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.
Ban Quản lý Dự án 1 đang trình Bộ GTVT xem xét phê duyệt thời gian thực hiện dự án.
Theo phương án đưa ra, hợp phần 1 tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết dài 36 km (từ Dầu Giây đến huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) sẽ được khởi công vào quý I/2017; hợp phần 2 dài 62 km (từ huyện Xuân Lộc đến TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) sẽ được khởi công vào năm 2018.
Theo Ban Quản lý Dự án 1 - chủ đầu tư, dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết đã được nghiên cứu từ năm 2007 và được Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế quản lý và thực hiện từ cuối năm 2012.
Theo tính toán, tổng mức đầu tư dự án hơn 17.700 tỉ đồng, nguồn vốn hỗ trợ từ vốn vay IDA, IBRD của Ngân hàng Thế giới và vốn ngân sách.
Đến thời điểm hiện nay, các phần việc như phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng, cắm cọc, đo đạc bản đồ địa chính, hồ sơ thửa đất, xây dựng đơn giá đền bù đã thực hiện xong.
Hà Nội giảm nhẹ hình thức kỷ luật học sinh vi phạm giao thông
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành văn bản kế hoạch số 1062/KH-SGD&ĐT thay thế cho văn bản số 925/KH-SGD&ĐT ban hành ngày 7/3/2016 về tổ chức phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020.
Trong văn bản mới này, Sở đã điều chỉnh các hình thức xử lý kỷ luật nhà trường, cán bộ giáo viên, học sinh khi vi phạm an toàn giao thông.
Cụ thể, đối với các đơn vị trường học để xảy ra tình trạng cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên vi phạm pháp luật, không có biện pháp xử lý kịp thời, không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, sẽ căn cứ tình hình thực tế xét trừ vào tiêu chí thi đua cuối năm.
Đối cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, căn cứ mức độ và số lần vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Công chức hiện hành và quy định của ngành.
Riêng đối với học sinh, căn cứ mức độ và số lần vi phạm, học sinh sẽ bị xử lý về hạnh kiểm, kỷ luật theo quy định tại Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học; Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành đánh giá xếp loại học sinh và các văn bản pháp luật có liên quan.
Trước đó, trong quy định xử lý, kỷ luật học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội quy định học sinh đã được giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông nhưng vẫn tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ và buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục, răn đe.
Thiếu chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành quản lý y tế
Trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, ngành y tế đã và đang có sự thay đổi về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, chi trả dịch vụ y tế.
Do vậy, Việt Nam rất cần các nhà quản lý y tế giỏi, có trình độ, kỹ năng quản lý chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân về nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý y tế ở các cấp đều là cán bộ chuyên môn y tế chưa được đào tạo bài bản về quản lý y tế cũng như kỹ năng lãnh đạo quản lý, quản lý nhân lực, quản lý tài chính, trang thiết bị, quản lý bệnh viện.
Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra sáng 15/3, trong buổi hội thảo "Đào tạo, bồi dưỡng dựa trên năng lực đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành y tế” diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 15-16/3 với sự tham dự của nhiều chuyên gia Hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia Pháp - những người rất có kinh nghiệm trong việc xây dựng các chương trình và tổ chức đào tạo về quản lý y tế và nhiều đại diện của Bộ Y tế.
Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm của nước Pháp về xây dựng các chương trình và tổ chức đào tạo dựa trên năng lực cho cán bộ quản lý y tế, trong đó có chương trình dành cho giám đốc bệnh viện và thanh tra y tế.
Những kết quả thu được tại hội thảo sẽ giúp Bộ Y tế trong việc xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về quản lý y tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam./.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn