|
Một số chiến đấu cơ của Nga tại căn cứ Không quân Hmeimim ở Syria - Ảnh AFP |
Cách đây gần 6 tháng, cả thế giới “sửng sốt” khi Tổng thống Nga V.Putin quyết định điều động quân đội đến Syria tham chiến. Khi đó, hầu như khó tìm được lời giải thích thỏa đáng trước câu hỏi: Tại sao ông Putin lại quyết định “ném tiền vào lửa” khi nước Nga đang khó khăn mọi bề và khi nào thì Nga sẽ tự tìm được lối ra cho mình hay lại sa lầy như quân đội Xô Viết trước đây tại Afghanistan?
Câu trả lời cho những vấn đề trên còn chưa mấy sáng tỏ thì ngày 14/3, Tổng thống Nga lại làm cho các chính trị gia và giới chuyên gia “bàng hoàng” khi chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng S.Soygu bắt đầu rút phần lớn lực lượng đang đồn trú trên lãnh thổ Syria.
Tại sao Tổng thống Nga lại đưa ra quyết định vào thời điểm này? Đến ngay đại diện của Nhà Trắng Josh Ernest cũng chỉ lấp lửng “sẽ tiếp tục nghiên cứu và dõi theo các hành động của Điện Kremlin tại Syria” và người phát ngôn của Liên minh châu Âu Katherine Ray cũng gần như vậy: “Chúng tôi cần thu thập thêm thông tin”.
Những phân tích dựa trên các sự kiện đã diễn ra trong thời gian qua dưới đây sẽ lý giải phần nào quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Nga.
Lý do kinh tế
Theo Reuters, trong thời gian quân đội Nga hiện diện tại Syria, quốc gia này đã điều động tới đây 70 máy bay chiến đấu cùng 4.000 người để bảo vệ căn cứ quân sự và phục vụ cho các cuộc không kích.
Trong khi Mỹ chi tới 11,4 triệu USD/ngày cho các hoạt động quân sự tại Syria, thì theo RBK- tờ báo tư nhân có uy tín của Nga- mỗi ngày Nga cũng đổ vào đây khoảng 2,5 triệu USD.
Tốn kém thì “kẻ ba lạng, người nửa cân”, nhưng có lẽ cả Nga và Mỹ, chẳng bên nào thấy dễ chịu trước khoản chi phí khổng lồ này.
Tuần trước, ông V.Putin tuyên bố, nhiều loại vũ khí mới tối tân đã được thử nghiệm tại Syria và cho thấy hiệu quả vượt trội của chúng.
Hồi tháng 10 năm ngoái, lần đầu tiên các tàu ngầm của Nga từ Biển Caspian đã thực hiện phóng 26 quả tên lửa vượt qua lãnh thổ Iran và Iraq với hành trình hơn 1.500 km để tiêu diệt 11 mục tiêu trên đất Syria.
Khi các chiến đấu cơ của Nga bắt đầu chiến dịch không kích, nhiều ý kiến nghi ngờ tính hiệu quả của chiến dịch này vì cho rằng nước Nga đang kiệt quệ, không thể có đủ tiền để rải bom “thông minh” tại Syria.
Quân đội Nga và Mỹ là hai “kho chứa khổng lồ” các quả “bom câm” (bom không được gắn thiết bị điều khiển) lưu tồn từ hàng chục năm nay và để biến chúng thành “thông minh”, các chuyên gia Mỹ phải chế thêm thiết bị JDAM với chi phí khoảng 25.000 USD/một quả bom. Không giống như cách làm của Mỹ, các kỹ sư Nga đã chế tạo ra thiết bị để gắn trên máy bay (có thể sử dụng nhiều lần) dựa trên nguyên lý dẫn đường GPS từ vệ tinh với hiệu quả không hề thua kém của Mỹ.
Hiệu quả
Trước khi Nga điều quân vào Syria, mặc dù Mỹ cùng các đồng minh của mình đã “căng mình” tại khu vực này nhưng sự hoành hành của lực lượng Tổ chức Hồi giáo (IS) tự xưng lại mỗi ngày một thêm mạnh. Đỉnh điểm được đánh dấu bằng các sự kiện: Làn sóng người nhập cư khiến cả EU “mất ăn mất ngủ” và vụ khủng bố tại Paris hồi mùa thu năm ngoái càng làm cho phương Tây thêm bất an.
Nhờ sự trợ giúp của quân đội Nga, quân Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã kiểm soát được thêm 10.000 km2 với hơn 220 điểm dân cư. Quan trọng hơn cả đó là quân đội Syria đã chia cắt được các khu vực phía Đông của thành phố huyết mạch Aleppo, khiến cho vùng tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực này không còn hỗn loạn như trước đó. Nạn buôn lậu dầu mỏ đã bị chặn lại và giảm đi đáng kể.
Vị thế của ông al-Assad ngày càng được củng cố cũng có nghĩa vai trò của các lực lượng đối kháng với chính phủ Syria thêm suy giảm. Hệ quả tất yếu đã đến khi mà các bên tham chiến (không bao gồm IS) đứng đầu là Mỹ và LB Nga đã đồng ý tham gia ký kết vào thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27/2/2016. Đã có 40 tổ chức nổi dậy tại Syria tham gia ký kết thỏa thuận này.
Chính Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ J.Kerry mới đây cũng thừa nhận “sau 2 tuần thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, mức độ giao tranh đã giảm đến 80-90% so với trước đó”.
Thời điểm chiến lược
Các quyết định có ý nghĩa chiến lược và chiến thuật của Tổng thống Nga V.Putin trước nay vẫn được xem là khó đoán định. Chỉ có thể đưa ra một vài lý do như sau:
Vị thế của Tổng thống al-Assad đã được củng cố. Thay vì đòi lật đổ ông ta bằng mọi giá thì đến nay tiến trình đàm phán, hòa giải hòa hợp đang được bàn thảo và thực thi. Quyết định của Kremlin như một tín hiệu tốt cho cuộc gặp các bên đang diễn ra tại Geneva về vấn đề này.
Cuộc gặp ông V.Putin hồi đầu tháng Hai vừa qua tại Nga của cựu Ngoại trưởng lừng danh của Mỹ Henry Kissinger có lẽ không chỉ mang tính xã giao.
Vụ khủng bố kinh hoàng mới diễn ra tại thủ đô của Thỗ Nhĩ Kỳ làm hơn 30 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương đã khiến Ankara phải chính thức tuyên chiến với liên minh lực lượng của người Kurd (tổ chức mà cả Mỹ và Nga vẫn “bật đèn xanh” trong cuộc chiến chống IS). Càng tăng cường cho cuộc chiến với lực lượng này thì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ càng bị phân tán sức lực và chi phí ngân sách của Ankara càng thêm “quá tải”.
Sẽ có 2 khả năng xảy ra: Một là Ankara sẽ không thực thi nổi đề xuất với EU là tổ chức một khu vực trên lãnh thổ Syria để quy tập người nhập cư về đây và 2 là chính al-Assad sẽ “ngư ông đắc lợi”.
Lần đầu tiên trong suốt những năm cầm quyền, chỉ vì vấn đề người nhập cư mà Đảng dân chủ thiên chúa giáo của Thủ tướng Đức A.Merkel đã bị thất thế trong cuộc bầu cử địa phương diễn ra hôm 13/3. Đã có những thông tin cho rằng, rất có thể dòng người nhập cư sẽ dùng lãnh thổ của Nga để làm nơi chuyển tiếp cho mình vào EU nếu như Brussels không cùng với Kremlin sớm đưa ra các giải pháp cho vấn nạn này.
Chính trường Ukraine lại đang “nhốn nháo” trước khả năng bãi nhiệm Thủ tướng A.Yatsenyuk giữa chừng. Trả lời phỏng vấn tờ The Atlantic tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố: Mỹ không sẵn sàng chiến tranh với Nga chỉ vì Ukraine.
Đã hơn 2 năm trôi qua, cho đến nay, Kiev và những người ủng hộ EuroMaidan vẫn chưa nhìn thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”. Hồi đầu tháng Ba, chính Chủ tịch EU Jean Juncker đã lấp lửng rằng phải chừng 20-25 năm nữa may ra Ukraine mới có thể gia nhập NATO hoặc EU!
Mặc dù chưa có ý định dỡ bỏ cấm vận với Nga, nhưng hôm 14/3, hội nghị các ngoại trưởng của EU đã bàn thảo và đề ra 5 nguyên tắc để Moscow có thể bình thường hóa quan hệ với Brussels.
Đại diện của phe đối lập ở Syria Fadi Ahmad cũng tỏ ra bất ngờ trước quyết định rút quân của Nga. Ông nói với phóng viên Reuters: “Cũng như khi Nga quyết định tham chiến vào Syria, chúng tôi hoàn toàn bị bất ngờ trước những thông tin này. Chúa Trời luôn che chở cho chúng ta”.
Mọi suy xét và lý giải trước những quyết định của Điện Kremlin lâu nay vẫn chỉ mang tính phỏng đoán. Tuy nhiên, dường như những quyết định của ông V.Putin tại Syria có vẻ khá đúng với câu ngạn ngữ “đi lúc người ta đang mến, đến lúc người ta đang chờ”?