![]() |
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai cho biết, diễn biến thời tiết trong thời gian qua là thiên tai mang tính “lịch sử” của Việt Nam.
Hiện nay, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán đang ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống hàng triệu người dân, nhất là vùng ĐBSCL và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
“Điều này sẽ còn nghiêm trọng hơn trong những tháng tới. Ở ĐBSCL, xâm nhập mặn dự báo sẽ đạt đỉnh vào tháng 4 và kéo dài ảnh hưởng tới tháng 5, tháng 6. Tại Trung Bộ, đỉnh điểm khô hạn có thể là tháng 4, tháng 5. Chúng tôi đang hy vọng Tây Nguyên trong tháng 5, hoặc 6 sẽ có mưa. Còn Ninh Thuận, Nam Trung Bộ có thể tới tháng 9 mới có mưa. Hiện nay, nhiều hồ chứa khô cạn, giếng không còn nước”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khái quát tình hình.
Thông qua các thông tin về thiệt hại do thiên tai, các tổ chức quốc tế cho rằng, Việt Nam cần có đánh giá mang tính toàn diện, chiến lược về những gì đang diễn ra, chứ không chỉ đánh giá mang tính chất vụ việc.
Cùng với đó, Việt Nam cần có những thông tin, dữ liệu sẵn có liên quan đến quản lý tài nguyên nước; xem xét đâu là cơ chế tối ưu hóa tài nguyên nước đã có trong phạm vi quốc gia... từ đó có thể thấy được những điểm ưu tiên hỗ trợ và dồn lực cho các điểm xung yếu trong đợt thiên tai này.
Đại diện UNICEF đưa ra quan điểm, Việt Nam cần phân tích sâu hơn nữa nhu cầu, cũng như nguyên nhân quản lý tài nguyên nước hiện nay.
UNICEF cũng cho biết, nhóm hỗ trợ khẩn cấp về nước và dinh dưỡng muốn tiếp cận và tìm hiểu kỹ hơn tình hình thực tế ở địa phương để có ứng phó khẩn cấp quốc tế, bao gồm hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình đang chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: Các cơ quan Liên Hợp Quốc trên toàn cầu đã có quan sát quan trắc về hiện tượng El Nino và đánh giá tác động này nghiêm trọng nhất trong 60 năm vừa qua.
“Hiện giờ ứng phó khẩn cấp đã có, nhưng nhu cầu bổ sung rất lớn. Việt Nam là quốc gia dễ bị ảnh hưởng và tác động do biến đổi khí hậu. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu là nhu cầu bức thiết, đồng thời cũng phải tính đến giảm nhẹ và để có thể thích ứng trong ngắn, trung và dài hạn”, bà Mehta nhấn mạnh.
Điều phối viên của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế khẩn trương hành động để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với những thiệt hại hiện nay.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn