Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang 4 tháng đầu năm 2020
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Australia trong tháng 4/2020 giảm 25,99% so với tháng trước đó, đạt 260,86 triệu USD. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu cả 4 tháng vẫn tăng nhẹ 7,31% so với cùng kỳ, đạt 1,2 tỷ USD.
Các mặt hàng chủ chốt của Việt Nam xuất khẩu sang Australia 4 tháng đầu năm 2020
Chiếm thị phần lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Australia là nhóm điện thoại các loại và linh kiện, với 23,94% đạt 288,24 triệu USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ. Kế đến là nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, chiếm 9,94% thị phần, đạt 119,69 triệu USD, giảm 13% so với 4 tháng/2019. Đây là hai nhóm duy nhất có kim ngạch xuất khẩu trăm triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2020.
Ở nhóm kim ngạch chục triệu USD, đáng chú ý nhất là nhóm dầu thô, với kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng/2020 tăng tới 564,33% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 98,11 triệu USD. Mặc dù trong tháng 4/2020, nhóm này có kim ngạch sụt giảm 47,36% so với tháng trước đó. Điều này là do lượng dầu thô xuất trong 4 tháng đầu năm tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ đạt 281.765 tấn.
Ngoài ra, một số nhóm hàng xuất khẩu sang Australia từ tháng 1 – tháng 4/2020 cũng có kim ngạch tăng trưởng như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 86,11 triệu USD (+28,7%); Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 19,43 triệu USD (+68,6%); Sản phẩm hóa chất đạt 11,81 triệu USD (+51,8%); Giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 13,99 triệu USD (+21,51%); Túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù đạt 15,12 triệu USD (+56,8%); Hàng rau quả đạt 18,4 triệu USD (+46,29%)…
Vừa qua, tại xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà đã tổ chức chương trình thu hái vải thiều xuất khẩu và cắt băng xuất khẩu lô vải đầu tiên sang thị trường Australia.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, việc tiêu thụ vải thiều đầu vụ khá thuận lợi. Các mẫu quả vải trong vùng xuất khẩu do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và các doanh nghiệp mang đi phân tích, đánh giá trước khi xuất khẩu đều bảo đảm tiêu chuẩn. Australia đã chấp thuận việc chiếu xạ tại Hà Nội. Cùng với đó, nhờ ứng dụng những cải tiến về công nghệ, việc bảo quản quả vải tươi có thể kéo dài đến 35 ngày, thuận lợi cho việc xuất khẩu bằng đường biển.
Trong tháng 4/2020, Việt Nam cũng giảm xuất khẩu một số nhóm hàng sang Australia, khiến kim ngạch sụt giảm. Cụ thể: Hàng dệt, may đạt 73,51 triệu USD (-6,03%); Hàng thủy sản đạt 55,23 triệu USD (-7,41%); Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 36,98 triệu USD (-17,82%); Hạt điều đạt 29,28 triệu USD (-18,67%)…
Tình hình nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Australia 4 tháng đầu năm 2020
Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều giữa Việt Nam và Australia đạt 2,71 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia đạt 1,2 tỷ USD, tăng 7,3%; nhập khẩu hàng hóa từ Australia đạt 1,51 tỷ USD, tăng 13,9%. Như vậy, Việt Nam nhập siêu từ thị trường Australia 306,39 triệu USD, tăng 5% so với 4 tháng đầu năm 2019.
Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Australia 4 tháng đầu năm 2020
Trong số 22 nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Australia trong 4 tháng đầu năm 2020, thì than đá luôn luôn là nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch lớn nhất, trị giá 581,32 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước; chiếm 38,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại từ thị trường này. Tiếp đến nhóm hàng quặng và khoáng sản, trị giá 206,52 triệu USD, chiếm 13,7%, tăng 21,8%; nhóm hàng kim loại thường đứng thứ 3 về kim ngạch, với 165,75 triệu USD (chiếm 11%, tăng 16,7%); sau đó là lúa mì 82,74 triệu USD (chiếm 5,5%); hàng rau quả 30 triệu USD (chiếm 2%).
Nhìn chung, đa số các loại hàng hóa nhập khẩu hàng hóa từ Australia 4 tháng đầu năm tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý nhất là nhóm gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu từ thị trường Australia có mức tăng cao nhất 391% so với cùng kỳ năm trước, đạt 11,32 triệu USD. Bên cạnh đó, nhập khẩu sắt thép các loại cũng tăng 88,9% kim ngạch, đạt 16,01 triệu USD.
Ngược lại, các nhóm hàng nhập khẩu sụt giảm mạnh gồm có: Phế liệu sắt thép (giảm 58,5%, đạt 19,58 triệu USD); bông các loại (giảm 58,5%, đạt 12,02 triệu USD); Thức ăn gia súc và nguyên liệu (giảm 52,6%, đạt 5,58 triệu USD).
Nguồn tin: www.asemconnectvietnam.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn