Pokemon Go: Thành quả công nghệ và những khuyến nghị với người chơi

Thứ tư - 17/08/2016 22:44
Nhìn dưới góc độ quản lý, trò chơi Pokemon Go chính là một tiến bộ, một thành quả trong lĩnh vực khoa học-công nghệ của loài người. Tuy nhiên, để thụ hưởng thành quả đó an toàn nhất, các nhà quản lý phải có biện pháp bảo vệ an toàn người chơi, an toàn xã hội, đồng thời người sử dụng cũng phải có các biện pháp bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng.

 

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, trò chơi này khi được phát hành đã gây ra "cơn sốt" trên thế giới và ở Việt Nam. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi của người chơi, đặc biệt là bảo đảm an toàn thông tin của người chơi, Bộ sẽ sớm liên hệ với nhà sản xuất và các nhà phát hành trò chơi này để đề nghị tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thưa ông, vì sao trò chơi này lại tạo “cơn sốt” trong giới trẻ hiện nay?

Ông Lê Quang Tự Do: Qua tìm hiểu, chúng tôi cho rằng, nguyên nhân là do trò chơi này có tính tương tác ảo, có sức hấp dẫn và người chơi phải vận động liên tục. Một nguyên nhân khách quan khác được xem như quảng cáo không công cho trò chơi này chính là mức độ đưa tin quá “đậm đặc” của truyền thông, từ đó khiến không ít bạn trẻ coi chơi trò chơi này là trào lưu thời thượng.

Tuy nhiên, trên thực tế, sau gần 2 tuần có mặt tại Việt Nam thì lác đác trên một số diễn đàn đã có phản ánh rằng, trò chơi này chủ yếu là tương tác tĩnh, không có người chơi cùng nên Pokemon Go đang bắt đầu có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Theo một số chuyên gia, khi chơi trò chơi này, người chơi sẽ bị lộ thông tin cá nhân, thậm chí các dữ liệu khi chơi nếu dùng vào mục đích xấu có thể trở thành phần mềm gián điệp. Là cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này, ông có suy nghĩ như thế nào?

Ông Lê Quang Tự Do: Đúng là bên cạnh một số điểm tích cực, trò chơi này cũng có nhiều điểm gây nguy cơ với xã hội. Thứ nhất, người chơi không được bảo đảm an toàn quyền lợi của mình vì trò chơi này được cung cấp xuyên biên giới, máy chủ đặt ở nước ngoài. Nhưng nếu là trò chơi được cấp phép sẽ đồng nghĩa với việc người chơi được Nhà nước bảo hộ và khi đó, chính các doanh nghiệp phải có giải pháp để bảo vệ người chơi.

Thứ hai, người chơi có nguy cơ mất an toàn về thông tin. Trên thế giới, sau một tháng triển khai, đã có rất nhiều trang web giả mạo trò chơi này, nhiều virus “ăn theo”, rồi cài đặt mã độc, đặt đường link ẩn, dẫn tới nguy cơ cài đặt nhầm rất lớn, khi đó người chơi sẽ bị mất thông tin cá nhân.

Thứ ba là nguy cơ gây mất an toàn cho người chơi trên thực địa, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tới tính mạng của chính người chơi và cộng đồng.

Thứ tư, có thể vi phạm pháp luật nếu chơi vào khu vực cấm, khu vực nhạy cảm. Điển hình, ở Hoa Kỳ và châu Âu, nếu chơi ở khu vực cấm, người chơi có thể bị bắt, thậm chí bị bỏ tù. Ở Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhưng người chơi cần phải lưu ý.

Vậy, ông có khuyến nghị gì với người chơi ở Việt Nam?

Ông Lê Quang Tự Do: Dưới góc nhìn quản lý, đây là một tiến bộ, một thành quả khoa học-công nghệ của loài người. Trò chơi thực tế ảo này không phải là trò chơi mới mà nó có từ 10 năm trước, nhưng đến nay, với sự hợp tác của 2 công ty lớn về trò chơi và bản đồ là Google và Niantic Lab, trò chơi này đã đạt được trình độ cao, thu hút nhiều người chơi. 

Rõ ràng, chúng ta cần khuyến khích áp dụng những tiến bộ của khoa học-công nghệ trong đời sống, nhưng vì trò chơi này có những tác động xấu nên chúng tôi có những khuyến nghị để bảo vệ người chơi. Đó là, người chơi cần giữ quyền lợi cho mình và cân nhắc khi chơi vì trò chơi này không được pháp luật Việt Nam bảo hộ, đồng thời phải thận trọng với việc lộ thông tin cá nhân. Người chơi không nên chơi khi tham gia giao thông, chơi ở những nơi cấm chụp ảnh, quay phim và các khu vực nhạy cảm; cẩn trọng khi cài đặt các phần mềm để hỗ trợ trò chơi này vì có thể sẽ có phát tán mã độc. Đặc biệt, đối với cán bộ công chức, không được chơi trong giờ làm việc.

Về phía cơ quan quản lý sẽ có những biện pháp gì để bảo vệ người chơi, bảo vệ cộng đồng trong thời đại hội nhập hiện nay, thưa ông?

Ông Lê Quang Tự Do: Khi tham khảo các kinh nghiệm quốc tế đối với việc quản lý trò chơi này, trong đó có cả nước phát minh ra nó là Hoa Kỳ và nước có cổ phần là Nhật Bản, họ đều yêu cầu nhà sản xuất phải tuân thủ pháp luật. Đối với Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có văn bản yêu cầu nhà sản xuất và các nhà phát hành phải tuân thủ những quy định của pháp luật Việt Nam để bảo đảm trò chơi này không gây tác hại tới xã hội.

Bộ sẽ yêu cầu nhà sản xuất không thả Pokemon ở những khu vực nhạy cảm. Ví dụ, nước Nga cũng đã có tuyên bố nếu nhà sản xuất không chấp nhận yêu cầu không thả Pokemon ở những khu vực nhạy cảm tại quốc gia này thì họ sẽ cấm triệt để trò chơi.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ yêu cầu nhà sản xuất, các nhà phát hành bảo đảm quyền lợi của người chơi, đặc biệt bảo đảm an toàn thông tin của người chơi.

Hiện nay, Bộ đã liên hệ chặt chẽ với các nhà phát hành trò chơi như Apple, Microsoft…, không chỉ với Pokemon Go mà còn nhiều trò chơi khác, nếu nhà cung cấp vi phạm pháp luật Việt Nam thì trò chơi đó sẽ bị gỡ bỏ.

Rõ ràng, các trò chơi được cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Pokemon Go đã và sẽ tiếp tục tạo ra sự bất bình đẳng đối với các trò chơi trong nước vì không phải đóng thuế, không phải xin cấp phép, vậy Bộ Thông tin và Truyền thông có cơ chế nào để phát triển và tạo sự cạnh tranh lành mạnh đối với các trò chơi trong nước, thưa ông?

Ông Lê Quang Tự Do: Như đã trao đổi ở trên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu các nhà sản xuất và nhà phát hành trò chơi tuân thủ pháp luật của Việt Nam, đó cũng là vấn đề thể hiện sự công bằng với những nhà phát hành trò chơi trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tạo môi trường thông thoáng về chính sách cho thị trường trò chơi trong nước phát triển lành mạnh. Ví dụ, sẽ cởi mở hơn trong quá trình cấp phép, rút ngắn thời gian cấp các thẩm định, quyết định phê duyệt trò chơi để trò chơi được phát hành sớm hơn; ưu tiên trò chơi do Việt Nam lập trình và sản xuất. Chúng tôi cũng nhận định, nếu thị trường trò chơi trong nước phát triển lành mạnh sẽ đẩy lùi được trò chơi xấu, độc hại từ nước ngoài.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi