Diễn ở Nhà hát Lớn: Phải có tác phẩm ‘xứng đồng tiền bát gạo’

Thứ tư - 17/08/2016 22:55
Thông tin Nhà hát Lớn Hà Nội rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật đã lan toả tới giới nghệ sĩ. Trong tâm trạng vui mừng, các nghệ sĩ cũng đã nhận thức ngay được trách nhiệm của mình khi được đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn.
Các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam sau đêm công diễn vở Hamlet
Ngày 8/7, tại hội nghị sơ kết công tác ngành VHTT&DL trong 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã nhấn mạnh ngành văn hóa cần có chương trình chất lượng, có nơi biểu diễn, có khán giả để dần dần phát triển nghệ thuật đỉnh cao. Trong 6 tháng cuối năm, các nhà hát của Bộ phải xây dựng chương trình với các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao để trình diễn vào các ngày cuối tuần tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Như vậy có thể nói cánh cửa Nhà hát Lớn đã mở rộng đón các nghệ sĩ trình diễn những tác tẩm nghệ thuật chất lượng cao.

Chia sẻ niềm vui cũng như trách nhiệm của nghệ sĩ khi biểu diễn ở Nhà hát Lớn, NSND Tự Long (Phó GĐ Nhà hát Chèo Quân đội) cho biết diễn ở Nhà hát Lớn phải khác với diễn ở những rạp hát bình thường bởi đây là nơi chỉ dành cho những đêm diễn nghệ thuật đẳng cấp. Chính vì vậy, Nhà hát sẽ không có chỗ cho những tác phẩm tầm tầm, bình dân hay đơn thuần là giải trí.

Theo danh hài Tự Long, Ban Tổ chức cũng cần phải nghiên cứu để đưa chương trình nào vào diễn ở Nhà hát Lớn, đồng thời cũng nên mở rộng cho các đơn vị nghệ thuật của cả nước nếu có chương trình chất lượng cao.

Từng được biểu diễn ở Nhà hát Lớn những năm 80 của thế kỉ XX với những vở diễn để đời (như Romeo và Juliet, Janda, Mùa hạ cay đắng, Cuộc đời tôi, Sống mãi tuổi 17…), NSND Lê Khanh (Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ) nói diễn ở Nhà hát Lớn hiệu quả sân khấu sẽ được nâng cao hơn rất nhiều trên một sân khấu được thiết kế và tính toán rất chuẩn xác để đáp ứng các yếu tố về kỹ thuật sân khấu.

Với NSƯT Xuân Bắc (Trưởng đoàn 1, Nhà hát Kịch Việt Nam), quyết định mở rộng cửa Nhà hát Lớn là một chủ trương đúng đắn về văn hóa nghệ thuật và có tác động định vị lại các thương hiệu nghệ thuật. Đây là tin mừng nhưng cũng là một thử thách lớn đối với những người làm nghệ thuật.

Nghệ sĩ hài Xuân Bắc cho rằng quyết định này sẽ khiến những người làm nghệ thuật phải thay đổi tư duy, bởi diễn ở Nhà hát Lớn không thể diễn cho xong, mà phải thực sự là vở diễn có chất lượng vì một sân khấu đẳng cấp như Nhà hát Lớn đòi hỏi phải có tác phẩm thật sự đẳng cấp. Vì vậy, các đơn vị nghệ thuật phải có kế hoạch xây dựng ngay những tác phẩm, chấn chỉnh đội ngũ diễn viên cho xứng tầm với Nhà hát Lớn.

Theo nghệ sĩ Quang Khải (Nhà hát Cải lương Việt Nam)kể từ khi thành lập đến nay, các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam luôn phải đối diện với bài toán không có “nhà” để hát. Những vở mới mỗi dịp ra mắt thường phải đi thuê mượn rạp tiền thuê để vào Nhà hát Lớn không hề nhỏ. Vì vậy, các nghệ sĩ cải lương đặc biệt vui mừng đón nhận tin vui được biểu diễn ở Nhà hát Lớn.

Nghệ sĩ Quang Khải bày tỏ mong muốn Ban giám đốc của các nhà hát cũng nên lập đề án xây dựng những tác phẩm đỉnh cao để xứng tầm với vị trí và chức năng diễn tại Nhà hát Lớn.

Lịch biểu diễn tại Nhà hát Lớn (nguồn: Báo Văn hóa):

Trong tháng 8 và ngày 1/9/2016 (chào mừng Quốc khánh): Chương trình hòa nhạc giao hưởng đặc biệt I của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (30/8); vở kịch nói “Biệt đội báo đen” của Nhà hát Kịch Việt Nam (31/8), Chương trình âm nhạc và các trích đoạn chèo truyền thống mẫu mực của Nhà hát Chèo Việt Nam (1/9).

Tháng 9/2016: Vở kịch nói “Công lý không gục ngã” của Nhà hát Tuổi Trẻ (10/9); chương trình múa rối “Nhịp điệu quê hương” của Nhà hát Múa rối Việt Nam (21/9) .

Tháng 10/2016: Vở múa rối “Vũ điệu hoa quỳnh” của Nhà hát Múa rối Việt Nam (28/10); chương trình hòa nhạc và các trích đoạn tuồng cổ mẫu mực của Nhà hát Tuồng Việt Nam (30/10); vở cải lương “Vua Thánh triều Lê” của Nhà hát Cải lương Việt Nam (31/10).

Tháng 11/2016: Vở tuồng “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” của Nhà hát Tuồng Việt Nam (7/11); chương trình Dạ khúc mùa thu của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (24/11); vở chèo “Xúy Vân” của Nhà hát Chèo Việt Nam (27/11); chương trình “Hương sắc Việt Nam” của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (30/11)

Tháng 12/2016: Vở ba lê cổ điển “Kẹp hạt dẻ” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (9/12); vở kịch nói “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam (14/12); chương trình “Nếp nhăn và Nụ cười” của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (15/12); chương trình hòa nhạc giao hưởng đặc biệt II của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (16/12); vở kịch nói “Ai là thủ phạm” của Nhà hát Tuổi Trẻ (25/12).

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi