Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, diện tích có nước tính đến kết thúc đợt 2 là: 455.449 ha, đạt 74,4% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch, trong đó có 4/12 địa phương có diện tích đủ nước đạt trên 90% kế hoạch là: Hà Nam 98,1%, Nam Định 96,1%, Phú Thọ 95,2% và Ninh Bình 92,6%.
Tuy nhiên, kết thúc đợt 2 vẫn còn một số địa phương diện tích đủ nước thấp như: Hải Dương 69,9%, Bắc Ninh 68,9%, Hà Nội 51,1% và Bắc Giang 22,1%.
Theo Tổng cục Thủy lợi, nguyên nhân của tình trạng này do lưu lượng điều tiết bổ sung từ các hồ chứa thủy điện thấp hơn mực nước lấy nước hiệu quả. Điều này ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến hiệu suất lấy nước của một số công trình thủy lợi lớn ở TP. Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, cụ thể: Trạm bơm Phù Sa đạt trung bình +4,7 m, thấp hơn khoảng +0,5 m (mực nước lấy nước hiệu quả +5,2 m); cống Liên Mạc đạt +2,6 m, thấp hơn 0,4 m (mực nước lấy nước hiệu quả +3,0 m); cống Long Tửu đạt +1,99 m, thấp hơn khoảng 0,3 m (mực nước lấy nước hiệu quả +2,3 m). Tính chung vẫn có 96 giờ mực nước tại Hà Nội không đạt +2,2 m, tương đương 57% thời gian toàn đợt lấy nước.
Ngoài ra, do tập quán lấy nước muộn ở một số địa phương như: Hà Nội, Bắc Ninh và diện tích cây vụ Đông chưa thu hoạch còn khá lớn ở Hà Nội, riêng huyện Đông Anh còn 4.000 ha, Hải Phòng 8.000 ha, Bắc Ninh 1.700 ha cây vụ Đông chưa thu hoạch.
Đối với các địa phương đang có diện tích đủ nước thấp và nhiều diện tích khó cấp nước Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo cần tập trung rà soát các diện tích gieo cấy khả năng bị thiếu nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến và thực hiện các giải pháp bổ sung nguồn nước. Về lâu dài, cần có phương án chuyển đổi cơ cấu sản xuất để giảm áp lực cấp nước hoặc có giải pháp cấp nước thay thế từ nguồn nước không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn