Dự án mở rộng tuyến đường ĐT 607: Bắt dân chờ đến bao giờ?!

Thứ ba - 13/03/2018 00:12
Sau 3 năm triển khai mở rộng tuyến đường ĐT 607 đoạn qua khối Quảng Lăng 2 (phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), những gì mà dự án này đem lại là mớ ngổn ngang, dang dở. Người dân địa phương ngày qua ngày chỉ biết đợi chờ trong mỏi mòn.

Vướng mắc giá đền bù

Năm 2015, dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT 607 (đoạn qua thị xã Điện Bàn) chính thức được “kích hoạt”. Đến thời điểm giữa năm, 146 hộ dân khối Quảng Lăng 2 (phường Điện Nam Trung) đón nhận quyết định thu hồi đất và tiền đền bù giải tỏa của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, với cái giá đền bù 720 nghìn đồng/m2 được cho là ‘rẻ bèo’, người dân bắt đầu cảm thấy hoài nghi và nảy sinh thắc mắc. Ông Huỳnh Bá Huy (chủ hộ dân thuộc diện giải tỏa) nhắc lại: “Thông tin mở rộng tuyến đường được bà con nắm bắt từ cách đây hơn 10 năm. Phần lớn người dân sinh sống 2 bên đường đã phải đập bỏ nhà cửa, hàng quán và bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên khi cầm trên tay quyết định đền bù với giá bèo bọt, tất cả mọi người đều bày tỏ sự phản đối. Chính xác là chúng tôi kí nhận đền bù giải tỏa từ tháng 6/2015, thế nhưng giá đền bù lại rơi vào 2003”.

Sau 3 năm triển khai, dự án mở rộng tuyến đường vẫn còn đang dang dở

Để bày tỏ thái độ không đồng tình, trong vòng 3 năm qua, người dân liên tiếp tập trung phản đối. Và cái vòng tròn luẩn quẩn: ngăn cản thi công, đối thoại để dẫn đến nâng giá hỗ trợ đền bù giữa chính quyền địa phương và người dân cứ thế nhùng nhằng. Trong khi, dự án thì cứ “giậm chân tại chỗ”.

Khởi điểm cho chuỗi ngày “đấu tranh” đòi hỏi giá đền bù đất thỏa đáng của hàng trăm hộ dân bắt đầu bằng việc ngăn cản phương tiện, máy móc của đơn vị thi công san ủi đoạn đường 200m còn lại qua địa bàn khối phố vào ngày 9/12/2016. Tiếp đến là hành động dùng ống cống bêtông chắn ngang đường một chiều để chặn xe công trình ngày 17/5/2017.

Sau một thời gian bàn bạc hướng giải quyết, ngày 23/5/2017, chính quyền thị xã Điện Bàn tổ chức đối thoại với 146 dân cùng sự tham dự của Thanh tra tỉnh và Sở GTVT.

Tại đây, hàng loạt vấn đề vướng mắc của người dân được nêu ra như: Bị giải tỏa trắng nhưng không được bố trí tái định cư, sai sót đo đạc đất đai… Tuy nhiên, đáng chú ý là mức hỗ trợ đền bù được nâng lên 1,35 lần so với giá cũ đã bị đông đảo người dân bác bỏ. Hình ảnh bà con lũ lượt kéo về khi buổi đối thoại đang diễn ra cho thấy sự bất lực của cơ quan chức năng.

Ngôi nhà cũ của ông Tâm vẫn chưa đập bỏ để bàn giao mặt bằng

Mãi đến khi chính quyền thị xã “xuống nước” và “chốt” con số 1,7 lần so với giá cũ (tức tương đương 1,2 triệu đồng/m2) thì đại đa số người dân mới đồng tình kí vào biên bản nhận tiền.

Bao giờ dân hết đợi chờ

Sự xuất hiện của những chiếc xe lu, xe múc cùng hàng trăm chuyến xe tải lớn nhỏ vận chuyển cát phục vụ san lấp mặt bằng hoạt động rầm rộ vào thời điểm cuối năm ngoái những tưởng sẽ chấm dứt chuỗi tháng ngày dự án “giậm chân tại chỗ”. Vậy mà 3 tháng đầu năm 2018, những gì đơn vị thi công làm được tại đoạn đường kéo dài chừng hơn cây số chỉ là mớ ngổn ngang, dang dở. Từ 7 hộ quyết tâm không chịu di dời vì chưa hài lòng với việc chi trả đền bù thì đến nay chỉ còn duy nhất 1 hộ.

Ngày 10/3, giãi bày với chúng tôi, ông Võ Như Tâm (chủ hộ chưa tháo dỡ nhà cửa để bàn giao mặt bằng) cho biết, cả gia đình ông vẫn đang thắc mắc là cớ làm sao cũng là diện tích đất ở nhưng một phần được đền bù giá này, một phần được đền bù giá khác. “Theo quy hoạch thì gia đình tôi bị giải tỏa 724m2. Thế nhưng bất cập ở chỗ là đất cất nhà thì được áp giá 1,2 triệu đồng, còn đất gần đường mà cán bộ thông báo phục vụ xây dựng khuôn viên cây xanh thì được đền bù tới 3 triệu đồng. Do đó, gia đình tôi bằng mọi giá không chịu di dời”, ông Tâm quả quyết.

Xe lu xếp hàng nằm bất động vì dự án đang giậm chân tại chỗ

Ngoài ra, thêm lí do khác khiến gia đình ông Tâm cảm thấy bất mãn với cách quy hoạch giải tỏa của chính quyền địa phương là việc không được xem xét bố trí thêm lô tái định cư. Trong khi đối sánh với nhiều hộ khác bị giải tỏa ít đất hơn nhà mình nhưng được tạo điều kiện thêm đất tái định cư, ông Tâm càng thêm bức xúc.

Bên cạnh sự phản đối quyết liệt đến từ một cá nhân hộ gia đình thì hiện tại rất nhiều người dân bao năm qua không hài lòng với giá đền bù đang yêu cầu chính quyền địa phương phải đo đạc lại tất cả diện tích đất đã thu hồi.

Trong khi giữa người dân và chính quyền địa phương chưa tìm được tiếng nói chung thì không ai khác, chính người dân lại là phía lãnh đủ những hệ lụy mà con đường “làm mãi không xong” này mang lại. “Đất cát bị gió thổi tung bay mù mịt khiến bầu không khí hết sức ngột ngạt. Giao thông trên đoạn đường này cũng hết sức phức tạp. Bởi lẽ chỉ có tuyến đường một chiều hướng Hội An - Đà Nẵng được thi công xong, chiều ngược lại trông rất nhếch nhác. Tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra và tai nạn giao thông thì như cơm bữa. Dân ở đây ngán ngẩm quá rồi và chúng tôi không biết mình phải đợi chờ đến bao giờ”, ông Võ Như Ba (một người dân thuộc diện giải tỏa) than vãn.

Trao đổi với PV Báo Công Thương, ông Trần Úc (Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn) cho hay: “Thực tế dự án đã bị trì trệ khá lâu và bây giờ lãnh đạo thị xã cũng đang sốt sắng. Dự kiến, trong tháng 3 hoặc tháng 4, chúng tôi sẽ tổ chức đối thoại với dân lần cuối nhằm tìm ra hướng giải quyết dứt điểm để đơn vị thi công sớm bắt tay hoàn thành tuyến đường này”.

Nguồn tin: baocongthuong.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Thư viện ảnh

Image cannot be loaded
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi