Ông Diên cho biết thời gian qua Bộ Công Thương và các bộ ngành, địa phương đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo, chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ về việc đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý vi phạm và tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, không đầu cơ, găm hàng. Việc vi phạm cam kết sẽ bị xử lý nghiêm.
Theo ông Diên, năm 2024 lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023), phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023); chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023).
Thu nộp ngân sách trên 541 tỉ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023). Trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỉ đồng (tăng 23% so với năm 2023).
Trong đó thu nộp ngân sách gần 90 tỉ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu trên 46 tỉ đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 48 tỉ đồng.
Trong thời gian tới bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn, xử lý.
Sửa đổi chế tài đủ sức răn đe vi phạm buôn bán hàng giả, hàng cấm
Ông Diên cho biết Bộ Công Thương đã ban hành nghị định 24 và sửa đổi nghị định 98 năm 2020 để hoàn thiện pháp luật thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng.Trong đó sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, đảm bảo các chế tài trong thương mại điện tử toàn diện, đủ sức răn đe các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử.