![]() |
Ảnh minh họa |
Để các trường tự chủ tuyển dụng
Mới đây, trong cuộc tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bình Định, Bộ trưởng có nhắc tới việc sẽ đề nghị thí điểm chuyển từ biên chế sang hợp đồng với giáo viên . Vì sao Bộ GD&ĐT lại có chủ trương này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Thời gian qua, chúng ta bàn nhiều đến tự chủ giáo dục đại học mà chưa đề cập sâu tới tự chủ đối với giáo dục phổ thông. Đây là băn khoăn của ngành. Chính vì vậy, khi xây dựng nghị định tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục, Bộ đã phải tách thành hai, một nghị định cho giáo dục đại học và một nghị định dành cho giáo dục phổ thông.
Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, tôi chưa đề cập tới vấn đề tự chủ tài chính vì vấn đề này còn phải bàn thêm. Ở đây, tự chủ chính là phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục, bao gồm tự chủ về nhiệm vụ và tự chủ về nhân sự.
Về nhiệm vụ, các trường đã được phân quyền rồi nhưng thực tế sự chủ động vẫn chưa nhiều. Nếu như không phân cấp cho các trường mạnh hơn nữa thì vai trò chủ động của các nhà trường và tính linh hoạt của các thầy cô giáo chắc chắn sẽ mờ nhạt và khó tránh khỏi việc các cấp quản lý như sở, phòng sẽ can thiệp vào nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhiều hoạt động khác của trường.
Về tổ chức bộ máy và nhân sự, đây là vấn đề “thiếu” tự chủ nhất hiện nay ở các nhà trường. Rõ ràng, các trường mới là nơi có nhu cầu tuyển dụng, biết rõ số lượng giáo viên thừa thiếu ra sao nhưng lại bị động trong khâu tuyển dụng giáo viên. Việc tuyển dụng thường do UBND huyện hay do các sở đảm nhiệm theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường, dẫn đến hiện tượng vênh về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, gây ra khó khăn cho các trường.
Để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn. Nếu chúng ta cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được đột phá cho quá trình đổi mới giáo dục.
Đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên.
Tạo ra thị trường lao động thực sự
Hiện nay giáo viên rất quan tâm trước thông tin Bộ sẽ đề nghị thí điểm chuyển từ biên chế sang hợp đồng trong ngành GD&ĐT. Xin ông cho biết theo hình dung của Bộ, việc thí điểm này sẽ tác động như thế nào đến đội ngũ của ngành?Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Mọi thay đổi hay đổi mới của ngành đều phải hướng tới mục đích tốt hơn hiện tại. Vấn đề sâu xa chúng ta đang giải quyết là thu nhập, môi trường làm việc, tạo động lực tinh thần cho giáo viên để họ thấy lao động của mình được coi trọng xứng đáng.
Lâu nay dư luận xã hội vẫn đề cập vấn đề thu nhập của giáo viên thấp, đời sống giáo viên khó khăn. Đó là sự thật, cũng là “món nợ” mà người đứng đầu ngành như tôi cảm thấy day dứt khi chưa trả được. Nhưng sẽ rất khó có thể tạo ra sự thay đổi nếu cứ mãi bó buộc trong đồng lương công chức, viên chức (đã được quy định chung).
Để xóa bỏ được quan niệm về biên chế với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không phải việc có thể làm được ngay. Nhưng tạo ra một lối suy nghĩ khác - coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định dù không dạy ở trường này có thể dạy ở trường khác, tạo ra một thị trường lao động thực sự, trong đó chất lượng là thước đo hàng đầu, năng lực của giáo viên được thể hiện qua thu nhập, là việc cần phải làm.
Ban đầu, sự thay đổi này sẽ có tác động nhiều chiều đến đội ngũ GV, sẽ có người đồng thuận, có người băn khoăn, thậm chí là phản đối, nhưng về lâu dài việc chuyển sang chế độ hợp đồng đối với giáo viên là cần thiết để từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn liền với quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
Thí điểm ở các trường có thương hiệu
Bộ trưởng có thể cho biết việc thí điểm này sẽ được tiến hành theo lộ trình ra sao?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đây là vấn đề có thể tác động đến hơn 1 triệu thầy cô giáo, vì vậy Bộ sẽ nghiên cứu kỹ, từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng.
Những nơi nào có điều kiện thì thí điểm. Chẳng hạn một số trường phổ thông có thương hiệu, điều kiện thì cho họ thí điểm từng bước một, sau đó rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra.
Tôi muốn nhấn mạnh lại, việc này vẫn đang trong giai đoạn xem xét, tính toán của ngành giáo dục. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan và các địa phương để cụ thể hóa chủ trương này trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn