![]() |
ĐB HĐND TP đóng góp ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh VGP/Phan Hoàng |
Theo báo cáo của TPHCM, đến nay, sau gần 3 năm triển khai, việc thực hiện Nghị quyết 01 của HĐND TP về hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn TP đã tạo chuyển biến rõ nét. Nhiều trường, lớp mầm non được xây mới, đội ngũ giáo viên đã được hỗ trợ, động viên kịp thời.
Tính đến năm 2016, TP đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, xây mới 22 trường mầm non (tổng quy mô 398 phòng học); việc giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi đã được triển khai đại trà tại 24/24 quận, huyện. Toàn TP có 2.089 cán bộ, giáo viên, nhân viên khối mầm non ngoài công lập được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Về thực hiện chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên khối mầm non công lập, tại TP hiện có 13.735 cán bộ, giáo viên, nhân viên được hưởng hỗ trợ 25% lương tháng và 1.142 người được hỗ trợ mức 35%. Đối với giáo viên mầm non tuyển dụng mới, đã có 912 giáo viên được hưởng mức hỗ trợ 100% lương cơ sở và 442 giáo viên được hỗ trợ thêm 50% lương…
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, giáo dục mầm non tại TP còn nhiều vấn đề khó khăn. Trong đó, tình trạng thiếu giáo viên mầm non vẫn chưa được khắc phục do thiếu nguồn tuyển dụng; dù TP đã phát triển mô hình giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi ở tất cả các quận, huyện nhưng nhu cầu thấp, phân bổ không đồng đều…
Tại buổi làm việc, các ĐB HĐND TP đã tập trung thảo luận, nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp, chính sách để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non trong thời gian tới.
Mầm non công lập thiếu gần 800 giáo viên
Trao đổi với các ĐB tại kỳ họp, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn cho biết, hiện nay các trường mầm non công lập trên địa bàn TP vẫn còn thiếu gần 800 giáo viên mầm non. Theo ông Sơn, nguyên nhân thiếu giáo viên không phải do tuyên truyền, hay chế độ chính sách hỗ trợ kém mà chủ yếu là do số lượng trẻ tăng nhanh. Mặt khác, dù TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ, quan tâm đến giáo viên mầm non nhưng vẫn chưa đủ sức hút đối với sinh viên. “Nguyên do là các trường quốc tế, ngoài công lập, tư thục trả lương cao hơn nên thu hút được nhiều giáo viên hơn so với các trường công lập”, ông Sơn nhận định. |
Theo ĐB Nguyễn Minh Trí, hiện nay. TPHCM đang trong quá trình thực hiện lộ trình giáo dục mầm non đến năm 2020, hướng đến mục tiêu hệ thống giáo dục mầm non công lập tiếp nhận 40% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 60% trẻ độ tuổi mẫu giáo. Đáng nói là trong 3 năm vừa qua, cả hai tỉ lệ này không những không tăng mà còn có xu hướng giảm.
Theo đó, tỉ lệ trẻ tiếp nhận ở các trường công lập ở độ tuổi nhà trẻ từ 32,4% giảm xuống còn 30,3%; trẻ ở độ tuổi mẫu giáo từ 47,9% xuống còn 45,7%. Một số nơi sĩ số trẻ còn cao, điều này chứng tỏ dù TP đã có nhiều nỗ lực đầu tư trường lớp, cơ sở vật chất nhưng vẫn chưa đáp ứng và chưa theo kịp tốc độ gia tăng dân số.
Thời gian tới, ĐB kiến nghị chính quyền TP tiếp tục quan tâm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường mầm non; có giải pháp hỗ trợ về vốn, mặt bằng cho các chủ đầu tư, kêu gọi xã hội hóa xây dựng nhà trẻ, nhất là tại các địa phương vùng ven tập trung nhiều KCX, KCN.
Bên cạnh vấn đề nêu trên, ĐB Trí cũng bày tỏ quan ngại vì trong suốt 3 năm vừa qua, dù TP đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm phát triển đội ngũ giáo viên mầm non nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. “Chúng ta đầu tư, hỗ trợ nhiều nhưng vẫn thiếu giáo viên, phải chăng nên đổi cách đầu tư hỗ trợ”, ĐB Trí nêu quan điểm.
Theo đó, ĐB đề xuất TP có thêm chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, không chỉ đối với sinh viên mới ra trường mà nên có học bổng đào tạo, hoặc hỗ trợ kinh phí cho sinh viên theo học ngành giáo dục mầm non. Song song với đó, cần tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong việc tuyển dụng giáo viên để có hướng tháo gỡ phù hợp.
Con em công nhân khó “vào” trường công lập
Trong khi đó, ĐB Trần Thị Phương Hoa lại tỏ ra băn khoăn vì TP vẫn còn nhiều nhóm trẻ tự phát nằm xen kẽ trong các khu dân cư, chủ yếu trông giữ con em của các gia đình công nhân, người lao động tại các KCX, KCN với quy mô nhỏ, từ 8 đến 9 trẻ.
Đáng ngại là phần lớn những nhó trẻ nêu trên hoạt động không phép, cơ sở vật chất không bảo đảm, người giữ trẻ cũng không có nghiệp vụ, chuyên môn. Do đó, ĐB Hoa đề nghị TP quản lý chặt chẽ hơn nữa các nhóm trông trẻ tự phát, đặc biệt là phải thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, hướng dẫn nghiệp vụ chăm sóc, y tế… tại những cơ sở này.
![]() |
Kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM Khóa IX. Ảnh VGP/Phan Hoàng |
Theo ĐB Nga, trên địa bàn quận 12 hiện có khoảng 80.000 công nhân, người lao động làm việc tại các KCN, KCN. Qua khảo sát, các gia đình nêu trên phần lớn có con nhỏ dưới 18 tháng tuổi nhưng thường phải gửi về quên cho ông bà nuôi dưỡng. Nguyên nhân là do giá giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi ở TP cao gấp 2 lần so với chi phí gửi trẻ ở nhóm tuổi lớn hơn.
Mặt khác, con em các gia đình công nhân, người lao động tại TP hiện rất khó xin vào các trường mầm non công lập. “Điều này lý giải vì sao trong thời gian qua, nhiều trường công lập tại TP tổ chức mô hình giữ trẻ ngoài giờ nhưng không được phụ huynh học sinh quan tâm. Bởi họ không phải là công nhân- những người thực sự có nhu cầu”, ĐB Nga nhận định.
Để cuộc sống của công nhân, người lao động tại các KCX, KCN bớt phần vất vả, ĐB Nga kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, bố trí vốn đầu tư, xây dựng thêm nhà trẻ tại các quận, huyện vùng ven; đồng thời có chính sách ưu tiên cho con em các gia đình lao động theo học tại trường mầm non công lập trên địa bàn TP.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn