Miền Trung tiếp tục ứng phó với mưa to, lũ lớn

Thứ năm - 08/12/2016 00:29
Theo Trung tâm DBKTTV Trung ương, hiện lũ trên các sông ở Quảng Ngãi và Bình Định lên chậm và ở mức cao; sông Ba (Phú Yên) tiếp tục xuống. Tình trạng ngập lụt tiếp tục diễn ra tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định.
Mưa, lũ vẫn diễn biến phức tạp ở miền Trung. Ảnh minh họa
Mưa, lũ vẫn diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, từ ngày 6/12 đến nay, mưa, lũ ở các tỉnh miền Trung đã làm chết 3 người.

Tại Bình Định, mưa lớn gây ngập úng tại một số tuyến đường giao thông liên xã, liên huyện, gây chia cắt không đi lại được. Mưa lớn cũng đã gây ngập lụt trên diện rộng tại một số huyện của tỉnh Quảng Ngãi, làm ngập khoảng 1.278 ngôi nhà.

Theo Trung tâm DBKTTV Trung ương, hiện lũ trên các sông ở Quảng Ngãi và Bình Định lên chậm và ở mức cao; sông Ba (Phú Yên) tiếp tục xuống. Tình trạng ngập lụt tiếp tục diễn ra tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định.

Lũ trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam có khả năng lên lại. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu tại vùng trũng, ven sông các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2-3.

Khu vực Bắc Biển Đông và ngoài khơi các tỉnh Trung Trung Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nên khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định-Ninh Thuận đã có mưa rào và dông mạnh.

Ngày và đêm 7/12, ngoài khơi các tỉnh Trung Trung Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động. Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận tiếp tục có mưa dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh, sóng biển cao từ 1,5-3m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, gió mạnh trên biển

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh thuộc khu vực miền Trung theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, gió mạnh trên biển để kịp thời thông tin, cảnh báo đến người dân chủ động phòng, tránh.

Đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết; kiểm tra, đánh giá các khu vực bị ngập sâu, chia cắt; tiếp tục rà soát, sơ tán dân tại các vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực hạ du các hồ chứa.

Các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường lực lượng hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị ngập lũ, ngầm, tràn; đánh giá, xác định nhu cầu cứu trợ của các hộ dân trong vùng ngập lũ, kịp thời hỗ trợ về lương thực, nước uống và các nhu yếu phẩm khác.

Đặc biệt, phải tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 41/CĐ-TW ngày 6/12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Ninh Thuận tập trung toàn lực ứng phó mưa lũ

Mưa lớn liên tục từ ngày 5/12 đến nay với lượng mưa từ 50-150 mm đã làm lũ ở thượng nguồn đổ về, gây ngập lụt một số địa phương ở vùng hạ lưu của tỉnh Ninh Thuận. Mưa lũ đã làm hư hại một số công trình cầu, đường giao thông…

Để ứng phó với mưa lũ, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, không để xảy ra thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.

Theo ông Trần Văn Tuấn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, đến 10h30 ngày 7/12, mưa lũ đã làm hơn 600 ha lúa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận bị ngập; 70 ha đìa nuôi tôm và 1,2 ha đìa nuôi cá bị sạt lở khiến nước tràn qua; 40 ha ruộng muối bị sạt lở bờ. Nhiều tuyến giao thông bị sạt lở nặng; 80 nhà dân ở thôn Hộ Diêm, xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải bị ngập sâu.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo chính quyền hai huyện Thuận Bắc và Ninh Hải khẩn trương di dời 351 người dân ở vùng nguy hiểm về nơi an toàn. Do hồ Bà Râu đang xả lũ nên huyện Ninh Hải đã cấp cho một số xã vùng trũng của huyện 900 bao cát và 10 rọ thép để chủ động đắp chắn đê kè không cho nước tràn vào khu dân cư.

UBND tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu các sở, ngành có liên quan tập trung cao độ ứng phó với mưa lũ. Đặc biệt việc xả lũ phải bảo đảm đúng quy trình.

Các địa phương bố trí nhân lực trực 24/24 giờ để kịp thời ứng phó khi cần thiết, nhất là ứng phó với lũ quét, sạt lở núi thường xảy ra ở các địa phương vùng cao, miền núi.

Bên cạnh đó các địa phương cần khẩn trương cắm biển báo nguy hiểm tại các bãi tràn, các sông suối, các tuyến đường, bờ sông thường hay sạt lở, đồng thời tổ chức phân luồng giao thông, nghiêm cấm người dân và phương tiện qua lại để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi