So với các FTA khác, EVFTA được coi là FTA thế hệ mới với các cam kết mang tính tiến bộ, rộng và toàn diện như sau: Mức độ tự do hóa sâu và rộng, là FTA “tiêu chuẩn cao”.
Mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam cũng như các đối tác trong các FTA này rất sâu, như xóa bỏ phần lớn các dòng thuế, mở cửa mạnh các ngành dịch vụ...
Phạm vi cam kết rộng và rộng hơn nhiều so với cam kết trong khuôn khổ WTO, cũng như các FTA khác mà Việt Nam đã tham gia. Nếu như các FTA mà Việt Nam ký kết trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thương mại hàng hóa, thì EVFTA- FTA thế hệ mới bao gồm những cam kết về nhiều lĩnh vực mới mà Việt Nam chưa từng cam kết hay mở cửa trước đây, ví dụ như cam kết liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm Chính phủ, lao động - công đoàn, môi trường...
Nhiều cam kết liên quan đến thể chế, khác với các FTA trước đây chủ yếu đề cập tới chính sách thuế quan tại biên giới, EVFTA có nhiều các cam kết ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến thể chế, chính sách pháp luật nội địa (những vấn đề sau đường biên giới của quốc gia thành viên);
Có thể thấy, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và xu thế tất yếu của đàm phán và ký kết các FTA thế hệ mới có những tác động sâu sắc và đa chiều đến mọi mặt kinh tế, xã hội, tạo ra những cơ hội to lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm. Bên cạnh đó, cũng đặt ra nhiều thách thức trong thực thi các cam kết trên các cấp độ đối với quốc gia, ngành, doanh nghiệp và cộng đồng của các bên tham gia. Mặc dù đã có thời gian khá dài cho cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể quan tâm đến thị trường các quốc gia EU - đối tác thương mại lớn, gần gũi và truyền thống của Việt Nam để chuẩn bị, có những động thái và tâm thế tổ chức, tiến hành các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh giữa các quốc gia đối tác. Nhưng với những thay đổi, chuyển dịch và biến động của từng quốc gia và toàn khu vực EU vẫn có tác động, ảnh hưởng lớn đến quan hệ thương mại, đầu tư, giao thương giữa Việt Nam với các quốc gia khối EU.
Cuốn sách “Những điều doanh nghiệp cần biết về thị trường các nước tham gia EVFTA” được biên soạn bởi nhóm tác giả TS. Nguyễn Chí Thanh (Viện Nghiên cứu Da giày), TS. Lê Thị Mỹ Ngọc (Trường Đại học Đại Nam), TS. Đặng Thanh Phương (Trường Đại học Thuỷ lợi), TS. Lâm Tuấn Hưng (Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương), TS. Trịnh Thị Thanh Thuỷ (Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương), với mục tiêu đưa những thông tin cơ bản về thị trường EU giàu tiềm năng tới cộng đồng doanh nghiệp và những giới chức quan tâm. Do các nguồn lực và năng lực để thực hiện cuốn sách có hạn, cuốn sách không tránh khỏi những thiếu sót, tập thể tác giả rất mong nhận được ý kiến góp ý, đóng góp cho lần tái bản tiếp theo.