Dù học sinh có yêu thích tự thân việc đọc hay không, đọc tốt là kỹ năng mọi học sinh cần được trang bị, giúp cải thiện thành tích học tập. Đây là kết luận rút ra từ một số nghiên cứu xung quanh hiệu quả chương trình “Đọc để học” tại Hong Kong, Trung Quốc.
“Đọc để học” (Reading to Learn - R2L) là một trong 4 nhiệm vụ then chốt trong chương trình cải cách giáo dục tại Hong Kong, ra đời năm 2002. Nhiệm vụ “đọc để học” được Bộ Giáo dục Hong Kong triển khai với cấp tiểu học và trung học. Bộ nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của cấp tiểu học, giúp học sinh tăng khả năng tự học trong nhiều năm sau đó.
Một sự thay đổi sâu rộng đã diễn ra khắp các trường khi chương trình này bắt đầu đi vào hoạt động: các trường tiểu học đều bổ nhiệm giáo viên kiêm thủ thư; xây dựng hệ thống thư viện trường; thay đổi chương trình học; cải thiện phương pháp dạy và đánh giá năng lực.
Theo các nghiên cứu, chương trình đọc đã góp phần đáng kể trong việc giúp học sinh Hong Kong đạt thứ hạng trong nhóm dẫn đầu tại các cuộc thi đánh giá năng lực toán, khoa học, đọc hiểu quốc tế.
Từ khi bắt đầu triển khai tới nay, chương trình đã chuyển trọng tâm từ xây dựng văn hóa đọc sang mục tiêu cao hơn: biến đọc thành kỹ năng ứng dụng cho tất cả môn học. Chương trình “Đọc để học” đã được thực hiện tại các trường với 4 thay đổi chính:
Một là, đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu. Nhiều trường đã có các tiết “đọc sách buổi sáng”, khoảng 20-30 phút mỗi sáng, hoặc các buổi đọc tự do khi học sinh được chọn một cuốn sách yêu thích. Trong tiết đọc sách này, học sinh còn được dạy kỹ năng đọc, kỹ năng tìm thông tin. Tiết đọc có thể được xếp lịch hoạt, nhưng cần diễn ra đều đặn hằng ngày.
Hai là, bổ nhiệm giáo viên kiêm thủ thư. Vị trí nhân sự mới này vừa quản lý thư viện trường, vừa đảm nhiệm các chương trình đọc các lớp. Giáo viên thủ thư sẽ kết hợp với giáo viên đứng lớp để chọn sách và hoạt động phù hợp cho giờ học.
Ba là, tích hợp việc đọc trong kế hoạch dạy và học của toàn trường. Không chỉ là các hoạt động đọc, việc tạo điều kiện để học sinh phát triển kỹ năng đọc phải luôn được coi là ưu tiên trong tất cả hoạt động của trường. Các trường tại Hong Kong đã thành lập “Hội đồng R2L” giúp kết hợp việc đọc vào nhiều môn học. Việc đọc tại nhà cũng được các trường triển khai với hoạt động hướng dẫn bố mẹ đọc sách cùng con.
Bốn là, tổ chức các hoạt động đọc thu hút học sinh tham gia. Các hoạt động thường thấy gồm: hội sách, ghé thăm tác giả, đọc theo cặp, cuộc thi review, sân khấu hóa tác phẩm. Để hỗ trợ giáo viên và học sinh, Bộ Giáo dục cũng mở website tải lên miễn phí nhiều tài liệu đọc.
Thời gian đầu triển khai chương trình, việc đọc chủ yếu được kết hợp nhiều trong các môn như Ngữ văn, Ngoại ngữ. Từ năm 2010 tới nay, chương trình đã kết hợp việc đọc trong cả các môn Khoa học, Toán học,… biến đọc trở thành kỹ năng ứng dụng cho toàn bộ chương trình. Giáo viên đã chia nhỏ kỹ năng đọc thành nhiều kỹ năng cụ thể hơn như: tìm nhanh thông tin, xác định ý chính, tìm quan điểm ủng hộ hoặc phản đối, so sánh kiến thức với trải nghiệm cá nhân, khái quát thông tin và kết luận, xác định ý đồ tác giả.
![]() |
Nhóm học sinh trong tiệm sách: SCMP. |
Năm 2015, trong Chương trình đánh giá năng lực học sinh quốc tế (PISA) về toán, khoa học, đọc hiểu, Hong Kong đứng thứ hai với số điểm vượt xa điểm trung bình quốc tế. Năm 2016, trong cuộc thi Đọc hiểu Quốc tế (PIRLS) dành cho học sinh, Hong Kong đứng thứ 3 trên 50 nước tham dự. Theo các công bố trên trang Thông tin Chính phủ Hong Kong, chương trình “Đọc để học” đã góp phần nâng cao thành tích học thuật của học sinh, cả trong nước lẫn trên trường quốc tế.
Có thể nhận định, chương trình “Đọc để học” là một chương trình thành công của Hong Kong, tới nay vẫn duy trì hoạt động, biến việc đọc trở thành hoạt động cơ bản của học sinh trong mọi môn học.
Thành công này tới sự kết hợp tốt giữa nhà trường và Bộ Giáo dục: nhà trường chủ động và linh hoạt trong các hoạt động đọc, đồng thời báo cáo lại chất lượng hoạt động cho Bộ Giáo dục; Bộ Giáo dục đầu tư nguồn tiền tài trợ dồi dào cho thư viện và các trường, tổ chức các chiến dịch lớn.
Chương trình không chỉ xây dựng văn hóa đọc tại Hong Kong, mà còn nâng cao mặt bằng tri thức. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các kỹ năng đọc cao cấp là công cụ hiệu quả để học sinh tự khám phá điều các em yêu thích. Nếu kỹ năng đọc tốt, các em sẽ biết cách đặt câu hỏi, tự đánh giá các thông tin, hình thành ý kiến, tự giải đáp những vấn đề em đặt ra trong quá trình tự học.
Một điểm đáng lưu ý trong các nghiên cứu, học sinh Hong Kong coi đọc là một kỹ năng cần đạt được, phục vụ cải thiện thành tích học thuật, thay vì tự bản thân yêu thích việc đọc. Dù học sinh “yêu đọc sách” vẫn có điểm trung bình cao hơn học sinh “đọc vì thấy cần”, phần lớn học sinh vẫn coi việc đọc để phục vụ điểm số. Điều này đặt ra một góc nhìn khác về truyền thông cho văn hóa đọc: liệu có nên nhấn mạnh lợi ích thực tiễn của kỹ năng đọc tới từng môn học, thay vì chỉ kêu gọi “hãy yêu lấy sách”?
Nguồn tin: znews.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn