Phát huy vai trò của Nhà xuất bản Công Thương trong việc xuất bản sách kinh tế, công nghiệp, thương mại, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn hội nhập và phát triển đất nước
Nhà xuất bản Công Thươnghttps://nxbcongthuong.vn/uploads/logo_small.png
Thứ sáu - 21/03/2025 01:07
Sáng 21/03/2025, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng xuất bản phẩm trong tình hình mới”. Nhà xuất bản Công Thương đã có bài viết đăng trong Kỷ yếu hội thảo quan trọng trên. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tại Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia năm 2024, Nhà xuất bản Công Thương cùng đối tác liên kết vinh dự nhận giải C
Bối cảnh chung
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, từng bước đưa Việt Nam khẳng định được vị thế trên trường quốc tế và thu hút các nhà đầu tư; hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước đưa Việt Nam khẳng định được vị thế trên trường quốc tế và trong mắt các nhà đầu tư.
Bên cạnh xu thế hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên thế giới hiện nay đã đem đến những thay đổi căn bản trên nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Cuộc cách mạng này được xây dựng và phát triển dựa trên ba công nghệ nền tảng là: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và vạn vật kết nối; trong đó, hai yếu tố dữ liệu lớn và vạn vật kết nối có tác động trực tiếp đến các hoạt động thông tin truyền thông nói chung và hoạt động xuất bản nói riêng.
Xuất bản là một lĩnh vực quan trọng trong đời sống văn hóa của mỗi quốc gia, góp phần lưu giữ và truyền bá tri thức, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, bồi đắp tâm hồn, nhân cách, trí tuệ, con người. Hiện nay, thế giới đang trong quá trình toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế về xuất bản trở thành một xu hướng chủ đạo trong tiến trình phát triển của lĩnh vực đặc biệt quan trọng này. Không chỉ nâng cao vị thế văn hóa đất nước và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam với thế giới; hợp tác quốc tế về xuất bản - nếu được tiến hành hiệu quả - sẽ góp phần không nhỏ trong việc tranh thủ nguồn lực quốc tế để xây dựng ngành Xuất bản Việt Nam tiệm cận với trình độ tiên tiến của thế giới.
Thực hiện chức năng nhiệm vụ
Nhận thức được yêu cầu cần phải đổi mới toàn diện là một diễn biến tất yếu đối với toàn ngành Xuất bản, Nhà xuất bản Công Thương, với vai trò là cơ quan truyền thông “tổ chức xuất bản hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng thuộc Bộ Công Thương”, đã có những định hướng phát triển để phù hợp với tình hình mới.
Nhà xuất bản Công Thương là đầu mối truyền thông trong lĩnh vực xuất bản của Bộ Công Thương, có chức năng xuất bản các xuất bản phẩm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công nghiệp và thương mại; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về công nghiệp và thương mại. Theo nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ phân công, Nhà xuất bản Công Thương đã và đang xuất bản những ấn phẩm về hội nhập kinh tế quốc tế và các ấn phẩm chuyên ngành, giới thiệu tiềm năng phát triển các ngành và lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý cũng như mọi lĩnh vực khác của nền kinh tế, góp phần xây dựng đất nước trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong những năm gần đây, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn hội nhập và phát triển của đất nước, Nhà xuất bản Công Thương đã tiến hành đổi mới trong lãnh đạo và tổ chức bộ máy, định hướng kinh doanh, mở rộng liên danh liên kết, tạo dựng mối quan hệ với các ban, ngành, với các công ty sách để mở rộng thị trường. Nhà xuất bản Công Thương đã không ngừng phát triển, số đầu sách, số bản in tăng dần hàng năm, sản xuất kinh doanh hiệu quả, thực hiện kế hoạch tài chính năm sau cao hơn năm trước.
Năm 2024, nhà xuất bản đăng ký 749 đề tài, trong đó số đề tài được xác nhận đăng ký là 746 đề tài; nhà xuất bản thực hiện xuất bản hiện xuất bản 646 xuất bản phẩm, trong đó có 35 xuất bản phẩm điện tử. Nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 tăng 1,6 lần so với năm 2023.
Nhà xuất bản tiếp tục chủ động thực hiện các hợp đồng sản xuất, kinh doanh nhằm tăng nguồn thu cho đơn vị để đảm bảo chế độ tiền lương, bảo hiểm, phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức cũng như duy trì hoạt động của Nhà xuất bản.Luôn xác định nhiệm vụ chính là thực hiện các chức năng, nhiệm vụ do Bộ Công Thương giao, Nhà xuất bản đã tích cực phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ, xuất bản các xuất bản phẩm tuyên truyền về chủ trương, chính sách, cơ chế, các lĩnh vực trực thuộc Bộ Công Thương quản lý. Cụ thể:
- Tăng cường thực hiện các đề án, nhiệm vụ:
+ Tuyên truyền Đề án Công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025;
+ Tuyên truyền về Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030
+ Tuyên truyền các Hiệp định FTA đến năm 2030.
+ Xuất bản sách do Bộ Công Thương đặt hàng hằng năm;
+ Xuất bản sách Nhà nước đặt hàng hằng năm;
+ Xuất bản sách thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo về thông tin.
+ Xuất bản sách thuộc Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
+ Xuất bản sách thuộc Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025;
+ Xuất bản sách thuộc Đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025;
- Tuyên truyền, giới thiệu các quy định pháp luật; phố biến những kiến thức pháp luật liên quan đến các lĩnh vực: Bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng; thủ tục Hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; những điều cần biết về kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp; những quy định xử phạt đối với vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu qua biên giới chuyển sang hình thức chính ngạch, góp phần đa dạng hóa thị trường, đảm bảo hoạt động xuất khẩu phát triển bền vững; công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại;, ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra, áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
- Tuyên truyền, phổ biến về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ và các cẩm nang hướng dẫn thực hiện: Thực hiện các xuất bản phẩm giới thiệu về các lĩnh vực, ngành công nghệ hỗ trợ như: ngành Điện tử; Da - Giày; Dệt may; sản xuất ô tô và cơ khí chế tạo của Việt Nam để giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các nhà quản lý nắm bắt được các thông tin và tìm ra các giải pháp khắc phục các hạn chế và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu, tìm hướng đi cho các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với thị trường thế giới.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan biên soạn, xuất bản và phát hành các xuất bản phẩm giới thiệu về thị trường ngoài nước, khai thác cơ hội xuất khẩu theo các Hiệp định thương mại FTA mà Việt Nam đã tham gia: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam (EVFTA); Hiệp định RCEP, Cẩm nang tích hợp FTA; Hướng dẫn chi tiết về cam kết tiếp cận thị trường hàng hóa và quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP; cơ hội đầu tư ở các nước; hướng dẫn tận dụng ưu đãi từ Hiệp định CPTPP khi xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam; tuyên truyền về những đóng góp tích cực, chủ động của Bộ Công Thương trong việc tìm kiếm thị trường, thúc đẩy lợi ích của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác khu vực và tiểu vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu; giới thiệu về môi trường đầu tư ở các nước; các quy định nhập khẩu hàng hóa ở các thị trường như châu Âu, Ma-rốc, Hàn Quốc, Singapore… Trong đó có rất nhiều Bộ sách Giới thiệu thị trường các nước, Bộ sách Hội nhập kinh tế quốc tế: Xuất nhập khẩu Việt Nam sau hội nhập WTO, Sự phát triển vùng dân tộc thiểu số Việt Nam sau hội nhập, Hợp tác Kinh tế ASEAN và ASEAN mở rộng, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, Giới thiệu thị trường các nước tham gia Hiệp định RCEP, Bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng, vận hành, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử về Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam (FTAP), Cẩm nang về Hội nhập kinh tế quốc tế, Cẩm nang thông tin thị trường và định hướng phát triển xuất khẩu mặt hàng gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo của Việt Nam sang thị trường khu vực EU, Hướng dẫn xuất khẩu hàng hóa sang Vương quốc Anh để tận dụng ưu đãi của Hiệp định UKVFTA, Sách hướng dẫn nghiệp vụ "Phương pháp xác định xuất xứ tại EVFTA so sánh với một số FTA Việt Nam tham gia, Giới thiệu thị trường Ấn Độ và giải pháp đẩy mạnh quan hệ Thương mại giữa Việt Nam - Ấn Độ, Quan hệ Thương mại Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh hội nhập, Tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước Tây và Trung Phi nói tiếng Pháp thuộc hai khối UEMOA và CEMAC, Giới thiệu thị trường 12 nước thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, Cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện các Bộ sách tuyên truyền pháp luật: Một số quy định pháp lý về trách nhiệm quản lý, thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam, Cẩm nang các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý Thị trường, Sổ tay pháp luật về xuất xứ hàng hóa và biện pháp phát triển ngoại thương, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Quyền lợi của người tiêu dùng, Hỏi - đáp pháp luật về thương mại điện tử, Một số quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, Hỏi đáp về Logistics, Giải đáp tình huống thực tế cấp C/O EUR.1 UKVFTA và cách hiểu tiêu chí xuất xứ mặt hàng trong UKVFTA
Định hướng phát triển trong thời gian tới
Để đáp ứng tốt yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao đối với chất lượng các xuất bản phẩm, Nhà xuất bản Công Thương cần thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ trọng tâm như sau:
3.1. Chủ động đổi mới, sáng tạo:
- Tiếp tục bám sát nhiệm vụ của Bộ Công Thương và thực hiện tốt hơn nữa chức năng là một nhà xuất bản chuyên ngành của ngành Công Thương theo đúng tôn chỉ, mục đích.
- Xây dựng kế hoạch, định hướng đề tài tập trung khai thác mảng sách kinh tế, công nghiệp và thương mại, phát huy hiệu quả thế mạnh của Nhà xuất bản trong lĩnh vực Công Thương.
- Đẩy mạnh đầu tư, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác, liên kết xuất bản, nhằm nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, mở rộng thêm nhiều mảng sách và đáp ứng kịp thời nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc. Nhà xuất bản cần tiếp tục quan tâm, mở rộng hợp tác với các cơ quan, đơn vị, các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu trong và ngoài ngành để xuất bản các đầu sách có giá trị hơn nữa; Có kế hoạch, định hướng xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các tác giả, dịch giả, các đại lý phát hành,... để gia tăng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
3.2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ hội nhập quốc tế
- Chú trọng công tác truyền thông, tuyên truyền các thông tin liên quan đến các đề tài, đề án, nhiệm vụ, chức năng của Bộ Công Thương. Đẩy mạnh việc cung cấp tư liệu, ấn phẩm tuyên truyền về các Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia là thành viên; cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà sản xuất nắm bắt được thông tin về thị trường, những quy định liên quan đến thuế quan, đến những cam kết của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do.
3.3. Tập trung chuyển đổi và đẩy mạnh phương thức xuất bản, phát hành điện tử
- Đổi mới và phát triển theo mô hình cơ quan xuất bản - công nghệ;
- Sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện với phương châm bám sát nhu cầu và sở thích của độc giả - đặc biệt là thế hệ Z (tạo app đọc sách, app bán sách, phân phối nội dung trên Facebook, Tik tok…; sản xuất podcast, audio book…);
- Tăng cường xây dựng kế hoạch, khai thác đề tài có chất lượng, phát triển nội dung đa dạng, hấp dẫn, có giá trị với bạn đọc.
- Cải tiến quy trình biên tập - xuất bản theo phương thức tích hợp; sử dụng các phần mềm biên tập, quản lý duyệt bản thảo nhanh chóng, hiệu quả;
- Sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích nhu cầu của độc giả, các review của độc giả khi đọc sản phẩm của đơn vị xuất bản;
- Đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi. Đây là yếu tố then chốt để thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản.
- Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới, sáng tạo các sản phẩm xuất bản độc đáo, đặc sắc. Cần thay đổi tư duy xuất bản không chỉ là tạo ra sách, mà cần hướng tới xuất bản tạo ra nội dung, các đơn vị xuất bản kinh doanh nội dung dựa trên các nền tảng đa phương tiện như trên thế giới vẫn làm;
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong biên tập, đọc, duyệt bản thảo sách;
- Xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp với mục tiêu chuyển đổi số như tổ chức các sự kiện; chú trọng đầu tư, nâng cấp xây dựng sàn thương mại điện tử; thành lập các câu lạc bộ yêu sách, tạo các ưu đãi hấp dẫn cho các thành viên khi tham gia câu lạc bộ. Đặc biệt, các nhà xuất bản có lợi thế rất lớn là có kho dữ liệu phong phú về các lĩnh vực, có thể liên kết với nhau để môi giới, giới thiệu bán các dữ liệu cho những đơn vị tổ chức hoặc cá nhân cần dùng. Tất nhiên, việc môi giới, bán dữ liệu phải tuân thủ các quy định của Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ;
3.4. Mở rộng hợp tác, xây dựng các Tủ sách chuyên ngành, xây dựng các tủ sách để phục vụ từng nhóm đối tượng phù hợp, như: Tủ sách Hội nhập; Tủ sách doanh nhân, Tủ sách pháp luật, Tủ sách Công nghiệp Hỗ trợ…và phát hành đến từng nhóm đối tượng thông qua hệ thống phát hành sách in và sách điện tử.
Một số đề xuất, kiến nghị
Đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý chuyên ngành
- Tổng kết việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định mới nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.
- Tổ chức them các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ biên tập cho biên tập viên để cập nhật các quy định pháp luật mới và cung cấp các kiến thức về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước.
- Định hướng phát triển và hỗ trợ các nhà xuất bản trong công tác chuyển đổi số đối với hoạt động xuất bản; đồng bộ hệ thống quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm đảm bảo việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường số đảm bảo an toàn, thông suốt.
- Có cơ chế đặt hàng và định hướng đề tài đặt hàng đối với mảng sách phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, phát triển về kinh tế, thương mại và công nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế để có những bản thảo hay, bản thảo có giá trị trong việc xây dựng định hướng, phát triển chiến lược cho ngành kinh tế và công nghiệp của đất nước.
Đối với cơ quan chủ quản
- Bộ chủ quản tiếp tục đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là các trang thiết bị tác nghiệp, tạo điều kiện cho nhà xuất bản chủ động tiếp cận và phát triển xuất bản điện tử. Tăng cường nguồn lực cho Nhà xuất bản, tiếp tục bổ sung nguồn kinh phí trên cơ sở giao nhiệm vụ và đặt hàng in ấn phẩm tuyên truyền; đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị cho Nhà xuất bản Công Thương nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về năng lực, tiềm lực.
- Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho nhà xuất bản thông qua việc sử dụng các cơ chế đầu tư qua các kênh đặt hàng (đề tài, đề án, nhiệm vụ) để Nhà xuất bản tập trung vào công tác tuyên truyền về các lĩnh vực chuyên ngành của Bộ Công Thương, tập trung vào các mảng hội nhập kinh tế, thương mại và công nghiệp.
- Có chủ trương chính sách hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phổ biến tri thức ngày càng rộng khắp.