Nâng cao chất lượng toàn diện xuất bản phẩm trong tình hình mới

Thứ sáu - 21/03/2025 03:54
Đây là tên Hội thảo khoa học được Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam đồng tổ chức, diễn ra sáng 21/3 tại Hà Nội.
Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn phục vụ việc tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Chủ trì hội thảo có đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; đồng chí Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Tham dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý, những người làm công tác xuất bản, các chuyên gia, nhà khoa học…

Phát biểu đề dẫn, đồng chí Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – cho biết: “20 năm qua, Chỉ thị số 42-CT/TW là cơ sở chính trị quan trọng để hoạt động xuất bản phát triển. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những chủ trương lớn của Đảng đã được thể chế hóa thành nhiều chính sách quan trọng giúp ngành xuất bản từng bước phát triển, tiếp tục khẳng định vị thế là một lĩnh vực tư tưởng - văn hóa quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận  của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Trên thực tế, nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan quản lý và nỗ lực không ngừng của toàn ngành, hoạt động xuất bản Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Năm 2023, năng lực sản xuất của ngành tăng hơn 2,3 lần so với trước đây, tỷ lệ sách bình quân đầu người đạt 6,1 bản, giúp Việt Nam vào top 3 Đông Nam Á. Xuất bản điện tử cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc với 4.500 đầu sách điện tử, chiếm 15,3% tổng xuất bản phẩm, cùng sự tham gia của 32 nhà xuất bản trong lĩnh vực này. Công nghệ mới, đặc biệt là AI, đang được ứng dụng rộng rãi trong biên tập, xuất bản và phát hành sách.

Tuy nhiên, tại hội thảo, các tham luận cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, việc nâng cao chất lượng nội dung xuất bản phẩm theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 42-CT/TW vẫn còn những hạn chế nhất định như: Chưa đạt mức tinh lọc cần thiết, thiếu công trình có giá trị đỉnh cao. Sách chuyên sâu về hướng nghiệp, dạy nghề, khoa học – công nghệ còn ít, trong khi nhiều sách có hàm lượng tri thức thấp. Sai sót xuất bản dù giảm nhưng vẫn tồn tại, một số lỗi lặp lại từ 20 năm trước chưa được khắc phục, nhất là về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ. Đội ngũ biên tập viên được tăng cường, đào tạo bài bản, nhưng ứng dụng công nghệ trong xuất bản còn hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển và hội nhập của ngành.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về 6 nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản trong bối cảnh mới.

Một là, đánh giá vị trí, vai trò của ngành xuất bản với tư cách là một lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa quan trọng của Đảng, từ đó đề xuất chủ trương, chính sách lớn nhằm nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành.

Hai là, làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng khâu, từng tổ chức, cá nhân trong quá trình định hướng đề tài, xây dựng bản thảo, biên tập nội dung và phổ biến những công trình có giá trị, qua đó đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng xuất bản phẩm.

Ba là, đánh giá tác động của công nghệ số, môi trường mạng và sự ứng dụng rộng rãi của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với ngành xuất bản, đồng thời đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số phù hợp với xu thế phát triển.

Bốn là, xem xét chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo nhà xuất bản và biên tập viên, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực trong ngành.

Năm là, nghiên cứu, trao đổi về mô hình xuất bản, quản trị, quy trình biên tập hiện đại của các nhà xuất bản trên thế giới để rút ra bài học kinh nghiệm cho xuất bản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Sáu là, tổng kết, đánh giá những phương pháp hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện và xử lý các đề tài khó, quan trọng, nhạy cảm, bảo đảm yêu cầu chính trị, tư tưởng đồng thời đáp ứng nhu cầu đọc, học tập và nghiên cứu của độc giả.
12
Các đại biểu tham dự hội thảo
Kết luận hội thảo, nhấn mạnh bối cảnh sau hơn 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản nói chung và đối với chất lượng nội dung xuất bản phẩm nói riêng, đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương - chỉ rõ một số nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan liên quan nhằm giữ vững định hướng phát triển ngành xuất bản, đảm bảo thực hiện tốt sứ mệnh chính trị, tư tưởng.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tháo gỡ những rào cản, thúc đẩy sự phát triển của ngành, trong đó xem xét các chủ trương lớn như Quỹ hỗ trợ Xuất bản, Quỹ dịch thuật và phong trào Toàn dân đọc sách để tạo động lực phát triển thị trường sách.

Thứ ba, chăm lo phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, biên tập viên, những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”, đảm bảo có đủ năng lực, điều kiện để sáng tạo những tác phẩm có giá trị, phục vụ nhu cầu xã hội.

Thứ tư, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ hiện đại vào xuất bản, gắn hoạt động xuất bản với chuyển đổi số quốc gia theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Thứ năm, tăng cường liên kết giữa các nhà xuất bản với doanh nghiệp sách theo cơ chế minh bạch, rõ ràng, tạo môi trường hợp tác lành mạnh, thúc đẩy tăng trưởng ngành xuất bản.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong xuất bản, chủ động khai thác bản quyền, đưa xuất bản phẩm Việt Nam ra thế giới, đồng thời mở rộng giao lưu học thuật để tiếp thu những mô hình xuất bản tiên tiến.

Đồng chí Phan Xuân Thủy cũng đề nghị Ban Tổ chức hội thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp mang tính thực tiễn của các đại biểu, các nhà khoa học; khẩn trương chắt lọc kết quả hội thảo để bổ sung, nâng cao chất lượng các sản phẩm của Đề án tổng kết Chỉ thị 42-CT/TW trình Ban Bí thư trong quý III/2025.
 

Nguồn tin: Thùy Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi