"Từ hàng ngàn đời nay, sách là tài sản, kho tàng tri thức quý báu của nhân loại. Sách bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa qua các thế hệ, tạo mạch nguồn xuyên suốt không gian và thời gian, hình thành nhân cách và giá trị sống của mỗi người". Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương) tại Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia 2024.
Còn ông Hoàng Vĩnh Bảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, trong lễ phát động phong trào đọc sách thuộc khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất đã phát biểu: "thời nào, nơi nào, sách đều giữ vai trò quan trọng, là chìa khóa giúp mở cánh cửa đến kho tàng tri thức; là ngọn hải đăng rọi sáng để mỗi người làm giàu có đời sống tinh thần, làm đẹp tâm hồn, nuôi dưỡng nhân cách, đến với chân, thiện, mỹ; là con đường đưa quốc gia đến phồn vinh, thịnh vượng".
Nhận thức vai trò của sách và văn hóa đọc, những năm qua, nước ta đã có nhiều chủ trương, văn bản chỉ đạo, hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản và văn hóa đọc.
Từ năm 2014, ngày 21/4 hàng năm được chọn là Ngày Sách Việt Nam, sau này được đổi tên thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đây không chỉ là dấu mốc ghi nhận vai trò của sách trong đời sống dân tộc, mà còn là bước khởi đầu cho một hành trình dài lan tỏa tinh thần đọc sách và học tập suốt đời trong cộng đồng.
Sau hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, Ngày Sách và Văn hóa đọc đã gặt hái được nhiều thành tựu tích cực, cả ở phạm vi quốc gia lẫn từng địa phương, tổ chức, cá nhân - góp phần thắp lên và duy trì ngọn lửa khuyến đọc trên khắp cả nước.
Nếu như trước đây, văn hóa đọc thường chỉ được nhắc đến một cách rời rạc hoặc gắn liền với các hoạt động thư viện và nhà trường hay các sự kiện của doanh nghiệp xuất bản hoặc địa phương thì từ khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, tinh thần này đã có một “điểm hẹn” chính thức để lan tỏa rộng rãi hơn.
Thế nhưng, điều đáng quý không chỉ là những chương trình rầm rộ diễn ra vào dịp 21/4, mà chính là hiệu ứng dây chuyền, khi tinh thần đọc sách được gìn giữ và phát triển quanh năm.
Hiện nay, rất nhiều địa phương đã đưa việc tổ chức các sự kiện đọc sách trở thành hoạt động thường xuyên chứ không chỉ theo dịp lễ. Hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông, và nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh thành, đơn vị quản lý hoạt động xuất bản, in và phát hành, đều phối hợp với các trường học, thư viện công cộng, cơ quan ban ngành để triển khai hàng trăm chương trình khuyến đọc.
Tiêu biểu là các hội sách, tọa đàm tác giả - bạn đọc, trao đổi sách cũ, các cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” hay giới thiệu, review sách… Trường học từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông có sáng kiến nhằm xây dựng tủ sách lớp học, giờ đọc sách đầu tuần, hay các hoạt động ngoại khóa gắn liền với sách.
Không chỉ dừng lại ở cấp tổ chức, phong trào khuyến đọc còn lan tỏa mạnh mẽ đến từng cá nhân và cộng đồng nhỏ. Nhiều câu lạc bộ đọc sách được thành lập bởi các bạn trẻ, phụ huynh hoặc những người yêu sách tại địa phương. Các mô hình như “Tủ sách dòng họ”, “Tủ sách lớp học”, “Sách hóa nông thôn” hay “Sách 0 đồng”... đã minh chứng cho sức sống và sự sáng tạo của phong trào đọc sách trong cộng đồng. Trên không gian mạng, các nền tảng mạng xã hội cũng đang chứng kiến sự bùng nổ của các kênh chia sẻ sách, giới thiệu sách và bình sách, đặc biệt là từ giới trẻ.
Sự phát triển và lan tỏa của văn hóa đọc trong thời gian qua có sự đồng hành và định hướng từ các cấp lãnh đạo và những người làm sách chuyên nghiệp. Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh: "Còn sách thì còn tri thức, còn sách thì còn loài người".
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng từng nói: "Đọc sách là phương pháp hiệu quả nhất để làm giàu tri thức, rèn luyện năng lực tư duy, phát triển khả năng sáng tạo, nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng lớn lao. Qua từng trang sách, chúng ta học cách nhìn nhận vấn đề, ứng xử bằng thái độ nhân văn, trách nhiệm, đồng cảm và hiểu biết lẫn nhau".
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - hiệp sĩ tuổi thơ, tác giả của hàng loạt cuốn sách bán chạy, người đưa nhiều độc giả đến với trang sách - cho rằng những hoạt động như ngày sách, hội sách là rất cần thiết để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng: "Ban đầu có thể bạn chưa thích sách, chưa hay đọc sách, nhưng đến những chỗ thế này, cầm sách lên, ngắm nhìn trang bìa, lật xem bên trong, ngửi mùi giấy mới - thế là đủ để khơi gợi ở mỗi người sự tò mò, hứng thú với sách, sau đó mới 'mời gọi' họ đọc sách", ông nói.
Một ý nghĩa sâu xa và bền vững mà Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hướng tới chính là tinh thần học tập suốt đời. Trong thời đại mà tri thức không ngừng thay đổi và mở rộng, việc duy trì thói quen đọc sách chính là một phương tiện thiết yếu để mỗi cá nhân tự bồi dưỡng, cập nhật, và hoàn thiện bản thân. Sách, với vai trò là kho tàng tri thức nhân loại, giúp con người khai mở tư duy, hình thành nhân cách, làm giàu cảm xúc và nâng cao năng lực nghề nghiệp.
Việc khuyến khích đọc sách từ nhỏ chính là cách để hình thành nền tảng vững chắc cho hành trình học tập lâu dài của mỗi người. Trẻ em được tiếp xúc với sách từ sớm sẽ phát triển kỹ năng ngôn ngữ, khả năng tưởng tượng và tư duy phản biện tốt hơn. Người trưởng thành duy trì thói quen đọc sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều luồng tri thức, rèn luyện tư duy độc lập và thích ứng tốt hơn với những biến chuyển của xã hội hiện đại.
Sau hơn 10 năm triển khai, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã trở thành một “thương hiệu tinh thần” được người dân cả nước ghi nhớ và hưởng ứng. Hàng nghìn sự kiện sách được tổ chức mỗi năm, hàng triệu bản sách được luân chuyển thông qua các hội sách, tủ sách cộng đồng, thư viện trường học. Các cuộc thi về sách thu hút hàng chục nghìn học sinh tham gia và để lại những bài viết, bài cảm nhận sâu sắc, góp phần hình thành thế hệ độc giả mới biết yêu quý và trân trọng sách.
Đáng chú ý, chương trình đã góp phần thúc đẩy ngành xuất bản và phát hành sách trong nước, tạo điều kiện để sách Việt đến gần hơn với độc giả - không chỉ ở thành thị mà cả vùng sâu vùng xa, nơi điều kiện tiếp cận tri thức còn nhiều hạn chế. Các mô hình như “thư viện lưu động”, “xe sách về làng”, “ngày hội đổi sách cũ”... đã rút ngắn khoảng cách giữa sách và người đọc, biến văn hóa đọc thành một phần gần gũi trong đời sống hàng ngày.
Trong hành trình xây dựng một xã hội học tập, sách không chỉ là công cụ mà còn là người bạn đồng hành trung thành, đưa mỗi người đến gần hơn với tri thức và những giá trị sống tốt đẹp. Chính vì vậy, đầu tư cho sách và văn hóa đọc chính là đầu tư cho tương lai của đất nước.
Hành trình lan tỏa văn hóa đọc nói chúng và Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nói riêng cần tiếp tục được duy trì, phát triển để củng cổ thói quen đọc sách của người Việt. Song song, cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ xuất bản phẩm chất lượng và đưa sách hay đến tay bạn đọc, tạo điều kiện để mỗi người dân - bất kể độ tuổi, nghề nghiệp hay hoàn cảnh - đều có cơ hội tiếp cận sách.
Nguồn tin: znews.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn