Theo Thiếu tướng Phan Khắc Hải - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Chủ tịch khóa I của Hội Xuất bản Việt Nam - văn hóa đọc tại Việt Nam đã trải qua một hành trình dài phát triển. Từ mô hình bưu điện - văn hóa xã cho đến việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc, tất cả đều cho thấy mỗi thời kỳ đều có một chiến lược phát triển văn hóa đọc riêng.
Trong bối cảnh đất nước vươn mình, để sách và tình yêu tri thức có thể lan tỏa đến nhiều tầng lớp, Thiếu tướng Phan Khắc Hải cho rằng ngành xuất bản cần một chiến lược tổng thể để đáp ứng nhu cầu của từng nhóm độc giả, đặc biệt là người lao động.
- Thưa ông, so với nhiều năm trước, phong trào đọc sách, văn hóa đọc ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực như thế nào?
- So với nhiều năm trước, phong trào đọc sách và văn hóa đọc ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực rõ rệt. Trước kia, việc đọc sách từng là một phong trào mạnh mẽ, đặc biệt là trong giới học sinh cấp hai, cấp ba với hệ thống thư viện và hiệu sách được xem như những địa điểm lý tưởng để tiếp cận tri thức.
Tuy nhiên, sau một thời gian, phong trào này có phần lắng xuống, nhiều thư viện và không gian đọc sách không còn giữ được vai trò vốn có. Đáng mừng là kể từ thời kỳ đổi mới, văn hóa đọc đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
Một trong những điểm sáng là hệ thống bưu điện - văn hóa xã. Bên cạnh phục vụ hoạt động bưu chính, nơi đây còn cung cấp sách, báo, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, đặc biệt là trẻ em, tiếp cận thông tin và tri thức. Bên cạnh đó, các trường học, nhất là cấp hai, bắt đầu chú trọng hơn đến việc xây dựng tủ sách, không gian đọc cho học sinh.
Đến nay, hệ thống bưu điện - văn hóa xã không còn phù hợp, chúng ta lại thấy được sự trưởng thành của các nhà sách, thư viện tư nhân. Điều này phần nào phản ánh một nền xuất bản năng động hơn. Sự đa dạng của đầu sách xuất bản, đặc biệt là sách cho thiếu nhi, sách khoa học phổ thông đã góp phần quan trọng vào việc lan tỏa văn hóa đọc.
Các nhà xuất bản lớn như Kim Đồng, Phụ nữ Việt Nam… cũng tích cực ra mắt những bộ sách giá trị, mở rộng phạm vi phục vụ đến cả vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Nhờ đó, độc giả có thể tìm kiếm những ấn phẩm phù hợp với nhu cầu bản thân.
Những chuyển biến này cho thấy văn hóa đọc đang từng bước được phát triển theo hướng sâu rộng.
- Trong quá trình phát triển văn hóa đọc, ông nhận thấy Ngày Sách và Văn hóa đọc góp phần vào việc nâng cao sức đọc và lan tỏa tình yêu tri thức trong công chúng ra sao?
- Nếu như mô hình bưu điện - văn hóa xã trước kia là một sáng kiến phù hợp với điều kiện, việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc lại là một bước đi mang tính chiến lược lâu dài. Sự kiện đã góp phần rõ rệt vào việc nâng cao sức đọc và lan tỏa tình yêu tri thức trong công chúng trong quá trình phát triển văn hóa đọc của Việt Nam.
Việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc lại là một bước đi mang tính chiến lược lâu dài.
- Thiếu tướng Phan Khắc Hải - Chủ tịch khóa I của Hội Xuất bản Việt Nam
Việc Chính phủ chính thức chọn ngày 21/4 hàng năm làm Ngày Sách Việt Nam từ năm 2014 (Quyết định 284/QĐ- TTg ngày 24/2/2014), và mở rộng thành Ngày Sách và Văn hóa đọc từ năm 2022 (Quyết định 1862/QĐ-TTg ngày 4/11/2021) thể hiện sự quan tâm ngày càng sâu rộng ở cấp vĩ mô. Ngày này đã trở thành một dịp ý nghĩa để tôn vinh giá trị của sách, khuyến khích thói quen đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Tôi rất mừng khi thấy nhiều hoạt động thiết thực như hội sách, tọa đàm, giới thiệu sách, ngày hội đọc sách trong trường học, thư viện đã được tổ chức rộng khắp cả nước, thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh, sinh viên và các gia đình trẻ. Những mô hình như đường sách Nguyễn Văn Bình tại TP.HCM, đường sash Thủ Đức, các không gian đọc cộng đồng, thư viện trường học phát triển theo hướng xã hội hóa cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào.
- Vậy theo ông, dấu ấn đặc biệt nhất Ngày sách và Văn hóa là gì?
- Từ khi được tổ chức chính thức, ngày Sách và Văn hóa đọc đã khơi dậy tinh thần xã hội hóa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của các cá nhân và cộng đồng ở nhiều địa phương. Nhiều xã đã xuất hiện những tủ sách, thư viện do người dân tự nguyện xây dựng, vận động sách từ các mạnh thường quân, người yêu sách, với mong muốn truyền bá văn hóa đọc cho con em tại quê hương mình. Những tủ sách ấy là biểu tượng của sự sẻ chia, trách nhiệm cộng đồng.
Việc người dân chung tay góp sức, từ đóng góp tài chính đến tặng sách, cho thấy sách đã trở thành sợi dây gắn kết con người và khơi dậy ý thức học tập suốt đời. Sự lan tỏa đó là minh chứng sinh động cho vai trò thiết thực của Ngày Sách và Văn hóa đọc trong việc xây dựng một xã hội học tập, giàu tri thức và nhân văn.
- Hiện nay, Việt Nam đã đạt mức 6 bản sách/người/năm, nhưng trong đó phần lớn là sách giáo khoa, ông đánh giá như thế nào về con số này?
- Tôi cho rằng sự tăng trưởng trên là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự tiến bộ rõ rệt trong hành trình xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng phần lớn trong số này là sách giáo khoa, tức là sách bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông, không phản ánh đầy đủ mức độ đọc tự nguyện và nhu cầu đọc sách.
Một thực trạng đáng lưu tâm là việc thiếu nghiên cứu thị trường bạn đọc, dẫn đến tình trạng xuất bản không bám sát nhu cầu thực tế của từng đối tượng như học sinh, sinh viên, công nhân… khiến việc tiếp cận sách phù hợp gặp nhiều khó khăn. Tại một số phường, xã ở vùng sâu, vùng xa nhà sách hoặc thư viện công cộng vẫn còn rất ít, điều kiện tiếp cận sách chưa thật sự thuận lợi, đặc biệt với người lao động.
- Trước những khó khăn đó, chúng ta phải làm cách nào để nâng cao văn hóa đọc?
- Để nâng cao văn hóa đọc trong bối cảnh hiện nay, cần bắt đầu từ việc tìm hiểu nhu cầu công chúng và xây dựng không gian đọc trong cộng đồng hấp dẫn công chúng.
Trước hết, các nhà xuất bản cần đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng đối tượng bạn đọc theo từng lứa tuổi, khu vực, trình độ văn hóa - từ đô thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc lựa chọn nội dung sách cần sát với nhu cầu, sở thích và năng lực tiếp nhận của từng nhóm độc giả. Hình thức sách cũng cần được đổi mới: sách dành cho học sinh, sinh viên hay đồng bào vùng cao nên trình bày rõ ràng, chữ to, có hình ảnh minh họa sinh động để tạo sự dễ hiểu, hấp dẫn.
Như đại thi hào Nguyễn Du từng nói: “Sách vở đầy bốn vách/Có mấy cũng không vừa”, đọc sách cốt để tìm kiếm tri thức, hoàn thiện bản thân và đây là hành trình của cuộc đời.
- Thiếu tướng Phan Khắc Hải - Chủ tịch khóa I của Hội Xuất bản Việt Nam
Bên cạnh đó, cần tăng cường xây dựng thư viện cộng đồng, tủ sách học đường, khu đọc sách thân thiện để người dân, nhất là học sinh, có không gian tiếp cận sách thường xuyên. Chúng ta cần đưa hoạt động đọc sách gắn với thực tiễn học tập, lao động và cuộc sống, để việc đọc trở thành phương tiện tự học, tự trau dồi tri thức. Sách phải là món ăn tinh thần không thể thiếu, là người bạn đồng hành trong suốt hành trình học tập và phát triển toàn diện của mỗi cá nhân.
Như đại thi hào Nguyễn Du từng nói: “Sách vở đầy bốn vách/Có mấy cũng không vừa”, đọc sách cốt để tìm kiếm tri thức, hoàn thiện bản thân và đây là hành trình của cuộc đời.
- Theo ông, ngành xuất bản hiện nay cần có làm gì để nâng cao văn hóa đọc hơn nữa?
- Theo tôi, trước mắt, ngành xuất bản cần nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, xây dựng được một định hướng xuất bản khoa học, thực tiễn và phù hợp với nhu cầu của từng nhóm độc giả ở từng vùng miền. Các đơn vị xuất bản và cơ quan liên quan cần nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm văn hóa, trình độ dân trí và thói quen đọc của từng địa phương để từ đó có kế hoạch xuất bản những đầu sách thiết thực, gần gũi với cuộc sống của người dân.
Đồng thời, chúng ta cần tăng sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà xuất bản, hệ thống thư viện công - tư, nhà sách địa phương và trường học để tạo nên một mạng lưới cung ứng tri thức đồng bộ, vừa đảm bảo sách đến được tay người đọc, vừa có người hướng dẫn, truyền cảm hứng và nâng cao năng lực tiếp nhận tri thức của cộng đồng. Việc xây dựng không gian đọc sách tại các xã, phường, thôn bản, kết hợp phát triển mô hình thư viện cộng đồng, thư viện không đồng và ứng dụng công nghệ số như sách điện tử là những hướng đi cần được tiếp tục đẩy mạnh.
Nguồn tin: znews.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn