Sự phát triển mạnh mẽ của sách điện tử không chỉ phản ánh xu hướng đọc mới mà còn cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này. Theo Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế, doanh thu toàn cầu của sách điện tử đạt khoảng 15,7 tỷ USD vào năm 2023, 17,2 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến vẫn đang trên đà tăng trưởng.
Tại Việt Nam, các nhà xuất bản (NXB) và doanh nghiệp sách đã bước vào cuộc đua chuyển đổi số. Thậm chí, nhiều đơn vị xuất bản và phát hành sách có tên tuổi, như: NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Nhà sách Fahasa... nhanh chóng phát triển các nền tảng sách điện tử, trở thành đối tác với các ứng dụng Voiz FM, Waka, Fonos, Vinabook Reader để phát hành sách nội dung số.
![]() |
Bạn đọc trải nghiệm ứng dụng sách nói Bookas tại Đường sách TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Sách nói Bookas |
Không chỉ mang đến kho sách phong phú, các nền tảng này còn giúp độc giả tiếp cận tri thức mọi lúc, mọi nơi với chi phí hợp lý. Sự tiện lợi của ebook và audio book cũng tạo điều kiện để các tác giả, NXB mở rộng thị trường, tiếp cận nhiều đối tượng độc giả hơn mà không bị giới hạn bởi không gian hay hình thức phân phối truyền thống. Theo đại diện Ban quản lý Đường sách TP Hồ Chí Minh, doanh thu từ kênh bán sách trực tuyến của các đơn vị trong năm 2024 đã tăng khoảng 8% so với năm 2023. Mặc dù lượng khách tham quan đường sách trong năm 2024 tăng 20% so với năm trước, nhưng doanh thu chỉ đạt 57,3 tỷ đồng, giảm 4%, trong khi số lượng sách bán ra giảm 5%. Điều này cho thấy sức mua sách in không còn cao như trước dù nhu cầu tiếp cận tri thức vẫn hiện hữu.
Cuối năm 2024, sự kiện ra mắt ứng dụng sách nói Bookas đánh dấu bước tiến quan trọng, trở thành hiện tượng mới trong lĩnh vực xuất bản và phát hành sách. Cùng thời điểm, talk show “Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản và phát hành sách” tại Đường sách TP Hồ Chí Minh quy tụ nhiều chuyên gia, NXB và doanh nghiệp công nghệ, bàn luận về xu hướng số hóa. Các diễn giả nhấn mạnh vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ thực tế ảo (VR, AR) trong việc nâng cao trải nghiệm đọc. Những động thái này cho thấy chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành xuất bản. Nhà báo Trung Nghĩa, Đại sứ văn hóa đọc TP Hồ Chí Minh, chia sẻ, chuyển đổi số đã tạo ra nhiều cơ hội mới trong việc tiếp cận tri thức, nâng cao trải nghiệm nội dung qua nhiều định dạng. Đặc biệt, AI cũng hỗ trợ tác giả trong sáng tác và nghiên cứu.
Việc ứng dụng AI trong xuất bản đã mang lại những kết quả vượt bậc đối với nhiều doanh nghiệp kinh doanh sách. Ông Nguyễn Anh Dũng, Nhà sáng lập Sbooks, cho biết: "Trước đây, chuyển đổi sách in sang sách nói mất nhiều năm, nhưng nhờ AI, Sbooks đã hoàn thành hơn 500 đầu sách chỉ trong 3 tháng. Chuyển đổi số không chỉ giúp chúng tôi tối ưu hóa quy trình sản xuất nội dung, kênh bán hàng mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận độc giả. Những nền tảng số còn là nơi kết nối người yêu sách, giúp họ dễ dàng khám phá và tiếp cận những tựa sách phù hợp".
Bên cạnh việc số hóa sách, Sbooks còn khai thác mạnh mẽ các nền tảng truyền thông số, đặc biệt là TikTok. Nhờ chiến lược truyền thông bài bản, đơn vị này đã đạt hơn 200 triệu lượt xem và tạo ra hơn 700 video giới thiệu sách chỉ trong thời gian ngắn. Trung bình mỗi tháng, Sbooks có thể tiếp cận hàng trăm triệu lượt xem, thúc đẩy hàng nghìn đơn hàng thông qua các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada.
Nguồn tin: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn