Tác phẩm được đề cử đều của các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu, ghi dấu ấn trên văn đàn trong 50 năm qua.
Xuất bản năm 1981, Quê hương địa đạo là tập truyện và ký của nhà văn Viễn Phương, tái hiện cuộc sống chiến đấu và sinh hoạt của quân dân tại vùng đất thép Củ Chi trong kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm khắc họa tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm và sự hy sinh của con người nơi đây giữa những năm sống trong lòng địch, đối mặt với bom đạn khắc nghiệt.
Viễn Phương (1928-2005) là nhà thơ, nhà văn được biết đến với phong cách giản dị, sâu lắng, qua các tác phẩm như Chiến thắng hòa bình (trường ca, 1952), Anh hùng mìn gạt (truyện kí, 1968), Mắt sáng học trò (thơ, 1970),... Tháng 4/1976, Viễn Phương ra thăm miền Bắc, đến viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và viết bài thơ Viếng lăng Bác in trong tập Như mây mùa xuân (1978). Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.
Tập truyện ngắn là tác phẩm nổi bật của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, xoay quanh chủ đề tín ngưỡng sân khấu. Truyện kể về một công nhân hậu đài chuyên hỗ trợ cô đào chánh trong tiết mục phi thân. Sau một tai nạn, anh qua đời, để lại cô đào khôn nguôi tưởng nhớ chàng trai trên bàn thờ cúng. Tác giả từng chia sẻ truyện lấy cảm hứng từ một chuyện có thật, do nghệ sĩ Ba Xây kể. Năm 1992, phim được đạo diễn Hồng Sến chuyển thể truyện thành phim điện ảnh, lấy tên Đoạn cuối thiên đường.
Nguyễn Quang Sáng (1932-2014) sinh tại An Giang, là nhà văn gắn bó từ sớm với cách mạng. Ông nổi tiếng với truyện ngắn Chiếc lược ngà (được đưa vào sách giáo khoa) và các kịch bản phim Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt II năm 2001.
Được nhà văn Lê Văn Thảo viết trong những năm tháng cuối đời, tác phẩm phản ánh cuộc sống và chiến đấu của người dân miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. R là tên gọi tắt của Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, đóng ở phía Bắc tỉnh Tây Ninh giáp biên giới Campuchia. Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Lê Văn Thảo "không kể lại chuyện ở R bằng thái độ của một người quan sát và một người dự phần, mà ông trải ra trang viết những bộc bạch riêng tư".
Lê Văn Thảo (1939-2016) được biết với nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh và đời sống xã hội. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2012.
Xuất bản năm 2008, tiểu thuyết Mùa hè giá buốt của Văn Lê kể về tiểu đoàn bộ binh 505 trong chiến dịch Mậu Thân, xoáy vào đợt hai của cuộc chiến đấu. Hơn chín phần mười quân số của tiểu đoàn đã hi sinh. Toàn thể cán bộ Ban chỉ huy tiểu đoàn không một ai sống sót. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sỹ Việt, vốn là một sinh viên Sài Gòn, một cán bộ kiên gan đầy triển vọng cũng hy sinh, mang theo mối tình lãng mạn, đẹp như một bài thơ. Tiểu thuyết "đã dựng lại những trận chiến dữ dội, bằng lối miêu tả trực diện làm toát lên cái khốc liệt của cuộc chiến đấu với những mất mát hy sinh ghê gớm", theo Đại tá, nhà văn Ngô Vĩnh Bình.
Văn Lê (1949-2020) tên thật là Lê Chí Thụy là nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn phim tài liệu, Nghệ sĩ Ưu tú, từng nhận nhiều giải thưởng điện ảnh. Phim Long Thành cầm giả ca của ông đạt Giải nhất về kịch bản của Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Giải Nhất Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh năm 2012.
Văn Lê là nhà văn có nhiều tác phẩm viết về đề tài chiến tranh và hậu chiến, được đánh giá cao trong nền văn học Việt Nam.
Ra mắt năm 2023, Thì thầm với dòng sông của nhà thơ Hoài Vũ viết về những kỷ niệm và tình yêu, sự gắn bó mà ông có với dòng sông Vàm Cỏ Đông. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, từng câu, từng chữ trong sáng tác của Hoài Vũ luôn đầy ắp khát vọng yêu thương; dẫu giữa thời bom đạn chiến tranh vẫn ánh lên những rung động đẹp tuyệt vời.
Nhà thơ Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng, sinh năm 1935 tại Quảng Ngãi. Cuộc đời và sự nghiệp của ông chủ yếu gắn bó với vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là dòng sông Vàm Cỏ Đông huyền thoại.
Tiểu thuyết xoay quanh một đơn vị hậu cần Đoàn 33, có nhiệm vụ móc nối, thu gom, huy động lương thực, thuốc men từ vùng địch để đảm bảo cho bộ đội, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Một đơn vị hậu cần bé nhỏ với thành tích khiêm nhường lẩn lút trong các chiến công vang dội của các đơn vị khác. Tác giả cho chúng ta thấy những chiến công, thành tích vang dội đều được tích tụ, cấu thành từ sức lực, hy sinh của những đơn vị nhỏ bé. Rừng thiêng nước trong được Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2007.
Nhà văn Trần Văn Tuấn sinh năm 1949 tại Hà Nam. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.
Tiểu thuyết Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn lấy bối cảnh miền Nam những năm đầu thập niên 1980, kể về một xí nghiệp đánh cá, qua đó lên án mô hình khoán sản phẩm, thời ấy đang được cả nước ca ngợi.
Sách tạo ra luồng dư luận trái chiều khi ra mắt, sau đó được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng, năm nhà xuất bản liên tục tái bản với số lượng lên đến 160 nghìn cuốn - một kỷ lục thời bấy giờ. Từ hiện tượng này, nhà văn thường được gọi là ông "Đứng trước biển".
Nguyễn Mạnh Tuấn (sinh năm 1945) là nhà văn, biên kịch được biết đến với các tác phẩm văn chương Đời hát rong, Phần hồn,... và điện ảnh Xa và gần, Sinh mệnh, Trúng số...
Nhân có chim sẻ về là tập thơ tiêu biểu của tác giả Chim Trắng (tên thật Hồ Văn Ba, 1938-2011), góp phần giúp ông được trao tặng tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.
Ngoại vi thơ là tác phẩm lý luận phê bình của nhà thơ Chế Lan Viên xuất bản sau năm 1981, đưa ra những phân tích sâu sắc về thơ ca và vai trò của thơ ca trong đời sống văn hóa. Chế Lan Viên (1920-1989) là nhà thơ và nhà phê bình văn học nổi tiếng, có nhiều đóng góp quan trọng cho nền văn học Việt Nam. Ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (1996).
Xuất bản năm 1990, Mắt biếc là tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, kể về mối tình đơn phương của nhân vật Ngạn dành cho cô bạn thanh mai trúc mã Hà Lan. Tác phẩm được đánh giá cao và đã được chuyển thể thành phim điện ảnh. Nguyễn Nhật Ánh (sinh năm 1955) là nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm viết về tuổi học trò và tuổi mới lớn, được đông đảo bạn đọc yêu mến.
Ông đã đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Năm 2010, tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của ông được trao tặng Giải thưởng Văn học ASEAN. Năm 2020, Nguyễn Nhật Ánh nhận Giải thưởng lớn Hiệp sĩ Dế mèn với tác phẩm Làm bạn với bầu trời.
Ngày 29/11/2024, Mùa hè không tên nhận giải Sách được bạn đọc yêu thích tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII năm 2024.
Nguồn tin: znews.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn