Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tôi cho rằng có hai yếu tố chính, đó là không khí thời đại và tài năng cá nhân. 28 năm tôi mặc áo lính, cũng là thời thanh xuân của cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo. Năm 1963, tôi tốt nghiệp cấp 3, cũng như bao thanh niên thời đó, theo tiếng gọi của non sông, gác lại việc đèn sách tình nguyện vào Quân đội. Cá nhân tôi sáng tác nhiều thể loại nhưng theo nhận xét của công chúng và đồng nghiệp thì ấn tượng nhất là thơ và trường ca. Đó là trường ca “Sức bền của đất” (1977) viết về Chiến dịch Tây Nguyên; trường ca “Đường tới thành phố” (1979) viết về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau đó, tuy đã chuyển ngành nhưng vì rất yêu đời lính nên tôi đã sáng tác một tập trường ca tiếp theo, “Trường ca biển” (1994). Đây là trường ca tôi viết rất công phu, mất 8 năm từ những chuyến đi thực tế ở các vùng biển, đảo. Đến năm 2016 là trường ca “Trăng Tân Trào” viết về Bác Hồ kính yêu. Có thể nói, nếu không có những năm tháng mặc áo lính, tích lũy được vốn sống quý báu thì tôi không thể viết được như vậy.
![]() |
Nhà thơ Hữu Thỉnh (ngoài cùng, bên trái) nhận biểu trưng tri ân do lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tặng tại cuộc gặp mặt các nhà văn lực lượng vũ trang, tháng 11-2023. Ảnh: VŨ THÀNH DUY |
PV: Trong nền văn học sử thi ít khi đề cập đến đời tư, vậy dấu ấn cá nhân trong sáng tạo nằm ở đâu, thưa ông?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Cái quý trong sáng tạo văn học là mỗi nhà văn có phong cách khác nhau, thể hiện ở quan niệm, tư duy, bút pháp và ngôn ngữ nghệ thuật. Riêng tôi rất có ý thức học tập, kế thừa, vận dụng, sáng tạo, nâng cao vẻ đẹp của văn học dân gian. Theo quan niệm của tôi, những người lính xuất phát từ thực tế đa phần có gốc gác nông dân, từ vùng nông thôn mà trưởng thành. Hồn cốt của người lính là hồn cốt của làng quê, của dân tộc.
PV: Trên một số diễn đàn, có người phủ nhận thành tựu văn học cách mạng, thậm chí có người viết còn bôi đen hình tượng người lính hôm nay. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Quân đội ta có rất nhiều tấm gương hy sinh anh dũng, cao cả, xúc động mà ngay cả thế hệ nhà văn chúng tôi cũng chưa nói được hết. Cán bộ, chiến sĩ của chúng ta là những người yêu nước, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân; tượng trưng cho đỉnh cao của chủ nghĩa yêu nước, với phẩm chất trong sáng, tốt đẹp vô cùng. Đấy là điều quan trọng nhất thuộc về bản chất và truyền thống.
Theo tôi, những sáng tác không đúng với bản chất, truyền thống cao đẹp và tầm vóc anh hùng của Bộ đội Cụ Hồ thì sẽ bị thời gian sàng lọc, đào thải rất nhanh và đa số bạn đọc sẽ tẩy chay.
Năm 2024, Quân đội ta tròn 80 năm thành lập. Chúng ta xác định xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, trong đó phẩm chất cách mạng là quan trọng hàng đầu. Phẩm chất cách mạng tức là lòng yêu nước, sự dũng cảm, anh hùng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước. Đây là mặt chính mà tôi mong muốn các cây bút trẻ hãy bám sát. Chỉ có đến gần với người lính, thấy được những phẩm chất cao đẹp bên trong của họ để có những rung động chân thực thì mới có thể viết hay về người lính.
PV: Ông hy vọng gì về các nhà văn trong tương lai sẽ tiếp tục nâng tầm văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tôi cho rằng quan tâm đến văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là thể hiện tình yêu và trách nhiệm của nhà văn đối với Tổ quốc. Người lính trong hòa bình khác với người lính trong chiến tranh, những thử thách vì thế cũng khác, nhưng truyền thống yêu nước, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ luôn là truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta. Thế hệ lính trẻ hiện nay là những người có học thức, được đào tạo bài bản nên nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của họ, nhất là về văn học cũng khác ngày xưa. Do đó, muốn viết một cách sâu sắc về người lính trong hòa bình thì vừa phải bám sát đời sống vừa nâng cao tầm cao của tư tưởng, của nghệ thuật mới đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi; tiếp thêm sức mạnh về tinh thần, góp phần bồi đắp tư tưởng, tình cảm, khát vọng của người lính. Đó là hy vọng của tôi về đề tài này và tôi mong rằng đề tài này sẽ còn nhiều thành tựu hơn nữa, với sự cống hiến của lớp trẻ tiếp bước thế hệ đi trước.
Tôi nghĩ rằng không ai viết về bộ đội hay hơn chính những người cầm súng. Do đó, tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần quan tâm, chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng nhiều tài năng văn chương mới trong Quân đội. Đấy là môi trường, là điều kiện tốt nhất để làm giàu có thêm mảng đề tài văn học viết về Bộ đội Cụ Hồ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn tin: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn