Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch
Ông Phan Văn Chinh cho biết, 11 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (XK) cả nước ước tính đạt trên 223,6 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017. Dự tính, năm nay, khả năng kim ngạch XK cả nước sẽ đạt 245 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ, xuất siêu khoảng 5,9 tỷ USD, vượt khá xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương trong năm 2018 (kim ngạch XK tăng 7 - 8%; nhập siêu dưới 3% kim ngạch XK).
Làm rõ hơn vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Linh - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng nông - lâm - thủy sản (Cục Xuất nhập khẩu) - cho hay, đến hết tháng 11, cả nước đã có 26 mặt hàng đạt mức tỷ USD.
![]() |
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu |
"Đáng chú ý, tăng trưởng XK không chỉ tập trung ở các mặt hàng điện tử, máy tính… mà còn ở các mặt hàng truyền thống, có thế mạnh của nước ta nhiều năm qua như đồ gỗ, dệt may, da giày… Đây cũng là các mặt hàng tập trung nhiều DN trong nước" - bà Linh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - cho biết, năm 2018, mặc dù phải đối diện với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại nhưng cả khối lượng và kim ngạch XK thép đều tăng trưởng ấn tượng. 10 tháng qua, kim ngạch XK sắt, thép đã đạt trên 5,2 triệu tấn, cao hơn con số cả năm 2017 và dự kiến cả năm nay có thể đạt 6 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ.
Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Hiện nước ta đã thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và khi có hiệu lực tại Việt Nam, dự kiến, hiệp định có dung lượng thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu này sẽ giúp tổng kim ngạch XK cả nước tăng thêm từ 3 - 5%/năm. Riêng với Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam EU, khi ký kết và có hiệu lực có thể giúp kim ngạch XK tăng thêm khoảng 5 - 6%/năm và tiếp tục tăng nếu ta tận dụng tốt vấn đề quy tắc xuất xứ.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN là việc đang được Bộ Công Thương tích cực triển khai. Ông Phan Văn Chinh cho biết, năm nay, dự kiến, bộ sẽ ban hành tổng cộng 22 thông tư hướng dẫn về hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, đáng chú ý là thông tư quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong CPTPP, tạo điều kiện cho DN tận dụng được ưu đãi thuế quan khi CPTPP chính thức có hiệu lực.
Đặc biệt, Nghị định 107 về kinh doanh XK gạo đang giúp tạo thuận lợi cho DN hiện nay, đã có 6 DN xin giấy chứng nhận thương nhân XK gạo theo thông tư mới. Việc cho các DN đã đấu thầu theo cơ chế thị trường cũng giúp DN tư nhân tự do hơn khi tham gia đấu thầu. Gần đây, nhiều DN Việt đã vượt qua các DN đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Australia để trúng các gói cung cấp gạo cho Hàn Quốc, Philippines dưới dạng đấu thầu Chính phủ.
Sau 11 tháng, Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí thứ nhất và Trung Quốc vẫn là thị trường lớn thứ 3 của hàng hóa XK nước ta. Cụ thể, XK sang Hoa Kỳ kim ngạch đạt 43,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; XK sang Trung Quốc đạt 38,1 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. |
Nguồn tin: congthuong.vn/
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn