Năm 2025, tổng doanh thu toàn ngành đạt 45 tỷ USD
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 (Travel & Tourism Summit 2018), ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết, trong những năm gần đây, ngành du lịch toàn cầu liên tục tăng trưởng, trở thành ngành kinh tế hàng đầu, do đó, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Khai mạc Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 (Travel & Tourism Summit 2018) |
“Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, đến năm 2020 sẽ có khoảng 7,8 tỷ du khách trên toàn cầu, trong đó, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất” – ông Tùng nói và đánh giá, với rất nhiều tiềm năng, ngành du lịch của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
Dẫn số liệu chứng minh tốc độ tăng trưởng của ngành, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, nếu năm 1990 Việt Nam đón 250.000 khách quốc tế thì đến năm 2017, con số này đã tăng lên trên 13 triệu, tăng 52 lần.
Mặc dù đạt được những bước phát triển ngoạn mục, song theo ông Tùng, ngành du lịch của nước ta vẫn gặp nhiếu khó khăn, hạn chế, như: cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ; nguồn nhân lực còn yếu; năng lực quản lý điểm đến còn thấp; phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường... Do đó, việc cần làm lúc này là phải tái cơ cấu ngành du lịch để nâng cao hiệu quả.
Ông Lê Quang Tùng: Dự kiến tổng doanh thu toàn ngành du lịch đến năm 2025 sẽ là 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo 6 triệu việc làm |
“Sáng nay Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025” – ông Tùng thông báo và cho biết thêm, đây là đề án được tham vấn chặt chẽ từ cộng đồng doanh nghiệp với nội dung chính là tập trung cơ cấu lại thị trường, phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch...
Đối với mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam đến 2025, ông Lê Quang Tùng cho hay, dự kiến tổng doanh thu toàn ngành sẽ là 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo 6 triệu việc làm.
“Để đạt mục tiêu này, ngoài nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành thì cần có những phân tích, đánh giá và khuyến nghị, đề xuất của các chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà đầu tư… để ngành du lịch Việt Nam tìm ra hướng đi mới” – ông Lê Quang Tùng mong muốn.
Khuyến nghị giải pháp
Trong phần tham luận của mình, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam – cho rằng, yếu tố then chốt để phát triển du lịch là con người mà cụ thể là chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động của người lao động.
Tính toán bằng các con số cụ thể, ông Thành chỉ ra, năm 2000, tổng doanh thu ngành du lịch là 1,23 tỷ USD và tăng lên 22,71 tỷ USD vào năm 2017, và phân tích: “Đây là còn số tăng trưởng ấn tượng, nhưng nếu lấy giá trị ngành du lịch tạo ra chia cho tổng lao động thì tăng trưởng năng suất khá thấp. Không chỉ so với các nước, năng suất lao động du lịch thậm chí còn thấp hơn so với nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam, chỉ cao hơn lao động phổ thông”.
Về những bất cập trong công tác đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam, vị diễn giả đến từ Đại học Fulbright Việt Nam nêu rõ, trong khi thị trường đòi hỏi người lao động phải có kiến thức tổng quát, năng lực quản lý, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm, tính chuyên nghiệp… thì các chương trình đào tạo về cử nhân du lịch, tổ chức sự kiện, vận hành tour... đang đi vào các phân ngành hẹp, thiên về nghiệp vụ và thiếu gắn kết giữa chương trình đào tạo tạo với tiêu chuẩn nghề du lịch, đặc biệt là thiếu đào tạo thực tiễn.
Đưa ra giải pháp, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng cần có hai chương trình đào tạo chính dành cho ngành du lịch là chương trình đào tạo sẵn sàng vào ngành du lịch và chương trình đào tạo sau khi ra nhập ngành.
Ở chương trình thứ nhất, theo ông Thành thì một trong những cách để tăng hiệu quả, và cũng là xu hướng chung trong đào tạo là sử dụng nền tảng công nghệ, tạo thành một nền tảng số hoá mang tính mở - Open Digital Flatform; cần kết hợp với các cơ sở doanh nghiệp để cùng xây dựng Open Digital Flatform như một trung tâm phát triển nguồn nhân lực trực tuyến, uy tín và có thể tổ chức ở nhiều cấp độ.
Với chương trình thứ hai thì cần tập trung chuyển đổi một cách có hệ thống lực lượng lao động du lịch dựa trên các tiêu chuẩn nghề du lịch VN (VTOS); tăng cường các kỹ năng và kiến thức thiết thực cho các nhóm ngành du lịch; tiếp thu kinh nghiệm làm việc thực tiễn qua sự hướng dẫn của những chuyên gia, cố vấn trong ngành...
Trong khi đó, bà Tuyết Vũ - Đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) – thì cho rằng, để phát triển du lịch bền vững cần phải thấu hiểu hành vi khách hàng, nhất là trong thời đại số.
Bà Tuyết Vũ: Để phát triển du lịch bền vững thì cần phải thấu hiểu hành vi khách hàng, nhất là trong thời đại số |
Theo bà Tuyết Vũ, hiện khách du lịch sử dụng công nghệ kỹ thuật số rất nhiều. Trước khi đi du lịch, du khách lên Google để tìm kiếm thông tin, sau đó, sử dụng điện thoại di động để đặt vé máy bay, khách sạn, kết nối với bạn bè qua mạng xã hội...
Chính vì vậy ngành du lịch cần dịch chuyển các hoạt động quảng cáo, bán hàng, tiếp thị… lên nền tảng số. Việc thay đổi giao diện các nền tảng, ảnh, video, quản trị bình luận về các điểm đến cũng như tận dụng người nổi tiếng để quảng bá du lịch cũng cần những chiến lược mới, cách làm và tư duy mới. Và để làm được điều đó, cần nâng cao chất lượng Internet, quản trị hình ảnh du lịch trên mạng cũng như thiết kế các sản phẩm du lịch trực tuyến để nâng cao sự hiện diện trên các nền tảng số là vô cùng quan trọng.
Ông Kenneth Atkinson: Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề như chọn đúng phân khúc, đa dạng hóa thị trường, tập trung vào chất lượng |
Đóng góp ý kiến nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch, ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Điều hành Grant Thornton Việt Nam – khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề như chọn đúng phân khúc, đa dạng hóa thị trường, tập trung vào chất lượng chứ không chỉ tập trung vào số lượng, đồng thời cần tận dụng cơ hội từ những nền kinh tế mới, kênh phân phối mới.
"Nếu có sự phối hợp tốt để đầu tư vào hạ tầng du lịch, Việt Nam có khẳ năng tăng nhiều hơn và có thể chỉ mất 7 năm để đạt lượng khách như Thái Lan hiện tại" - ông ông Kenneth Atkinson bổ sung.
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn