Vụ Skripal: Lằn ranh đỏ mong manh

Thứ ba - 03/04/2018 23:38
Căng thẳng giữa Nga và một số nước phương Tây, mà đặc biệt là với Anh, xung quanh vụ điệp viên “hai mang” Skripal bị đầu độc tại thành phố Salisbury (Anh) chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì nó lại bị đẩy lên một mức độ mới khi chuyến bay của Hãng hàng không Aeroflot đột ngột bị lực lượng an ninh của Anh lục soát tại sân bay Heathrow hôm 30/3.

Ảnh: FERNVALL LOTTE ZUMAPRESS / Globallookpress

Đã có nhiều ý kiến cho rằng nhân loại đang đứng trước “lằn ranh đỏ” của cuộc “Chiến tranh lạnh 2.0”. Tuy nhiên, cũng có những chuyên gia cho rằng cả hai phía đều không muốn và không thể tiếp tục đối đầu vì rất nhiều vấn đề cốt lõi chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại.

Những phân tích dưới đây hy vọng phần nào sẽ mang tới các góc nhìn đa chiều xung quanh bê bối không đáng có đằng sau vụ đầu độc xảy ra cách đây khoảng một tháng.

Sai lầm của Điện Kremlin - sự chậm chễ và thiếu quyết liệt?

Theo Giáo sư khoa Chính trị học thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên Lomonosov (MGU) Andrey Manoiko thì có lẽ sự việc không bị bùng phát và đẩy đi quá xa như thế nếu ngay từ đầu Điện Kremlin thay vì chỉ bác bỏ lời buộc tội của Anh thì ngay lập tức cho triển khai một loạt các biện pháp mang tính pháp lý, như yêu cầu tất các cơ quan chức năng của Anh như Thủ tướng, Bộ Tư pháp, Văn phòng Công tố Hoàng gia, Bộ Ngoại giao… cung cấp đầy đủ và chi tiết mọi số liệu, thông tin về việc cô con gái Yulia bị đầu độc trên lãnh thổ Anh vì cô ấy là công dân Nga. Và cùng với đó là các hoạt động lãnh sự theo luật quốc tế để phía Nga trực tiếp tham gia cùng với các cơ quan chức năng của Anh để bảo vệ các quyền lợi cho công dân của mình.

Sự đồng thuận - “con dao hai lưỡi”?

Trong lịch sử quan hệ đối ngoại, có lẽ chưa khi nào “biện pháp trừng phạt thông qua trục xuất các nhân viên ngoại giao” lại diễn ra với quy mô lớn như thời gian qua mà khởi xướng là Anh và nguyên tắc đồng thuận đã được các nước thành viên của EU và NATO thể hiện một cách nhiệt thành như thế. Tuy nhiên, mới đây đại diện của chính quyền Anh đã thông báo úp mở rằng tình trạng sức khoẻ của cô Yulia Skripal đã có chiều hướng hồi phục, cô đã có thể nhúc nhắc đi lại và tự xúc ăn… Gần như ngay sau đó, cựu chuyên gia của Liên Hợp Quốc về vũ khí hoá học Igor Nhikulin đã phát biểu: “Nếu sức khoẻ của Yulia đã được cải thiện thì điều này chứng tỏ rằng cô ta không bị đầu độc bởi A-234 'Novichok' như Thủ tướng Anh Theresa May đã cáo buộc vì nếu bố con cô ta bị đầu độc bởi 'Novichok' thì cả hai đã tử vong từ lâu!”.

Đằng sau “ánh hào quang đồng thuận”, có lẽ trong thời gian tới các quốc gia đồng minh sẽ tiếp tục đòi hỏi Chính phủ Anh phải đưa ra các bằng chứng khả dĩ có thể chấp nhận được xung quanh vụ đầu độc này.

Theo The Independent, cựu Đại sứ Anh tại Nga Anthony Brenton (trong nhiệm kỳ của ông, vụ đầu độc tương tự với cựu nhân viên an ninh Nga A.Litvinhenko cũng xảy ra tại Anh vào năm 2006) cho rằng, căng thẳng sẽ dần giảm nhiệt vì nhu cầu hợp tác trên nhiều lĩnh vực đòi hỏi sự đối thoại.

Còn theo Giáo sư A.Manoiko, “tại các nước phương Tây đã bắt đầu rộ lên thông tin rằng nếu Chính phủ Anh không cung cấp được những bằng chứng chứng minh cho những điều mà họ đã khẳng định thì điều đó có nghĩa là họ đã lừa dối các đối tác của mình. Và điều này sẽ chẳng khác nào như một sự tự sát về chính trị!”.

Tại Phần Lan, trên trang Facebook của mình, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Erkki Tuomioja viết rằng: "Tổng thống Nieniste đã rất đúng khi nhấn mạnh rằng hiện nay việc tiếp tục đối thoại với Nga thậm chí còn quan trọng hơn cả trước đây. Theo những thông tin có được, nếu ở cương vị của tôi thì không nên trục xuất các nhà ngoại giao. Tại một quốc gia pháp quyền, mọi hành động phải dựa trên các bằng chứng đầy đủ chứ không thể chỉ dựa vào những nghi ngờ". Đồng tình với quan điểm này, Markus Mustajarvi, đại biểu thuộc đảng Liên đoàn cánh tả tại Lưỡng viện Eduscount cũng bày tỏ: “Chính phủ Anh cho đến tận bây giờ vẫn chưa đưa ra được những gì để chứng minh lời buộc tội của mình đối với Nga. Thật lạ là lời buộc tội lại được đưa ra khi mà quá trình điều tra còn chưa bắt đầu”.

Đã có những quốc gia là thành viên hoặc đồng minh của EU và NATO như Áo, Luxembourg, Hàn Quốc, Nhật Bản… cương quyết không tham gia vào chiến dịch trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga.

Tại Hoa Kỳ, Hiệp hội người Mỹ gốc Nga với lực lượng hơn 5 triệu người, trong đó có rất nhiều người có uy tín, đoạt giải Nobel, đã viết thư chỉ trích và phản đối Tổng thống Donald Trump vì trong quá trình tranh cử đã cam kết sẽ cải thiện quan hệ với Nga.

Theo thông tin khai báo tài chính của Skripal, ông ta sở hữu 1 căn nhà ở Anh trị giá 270.000 bảng, 1 căn nhà ở Tây Ban Nha với giá trị 210.000 bảng cùng 450.000 bảng nằm trong tài khoản. Còn theo MI-5 thì Skripal thường xuyên bay đến Kiev và Odessa. Rất có thể ông ta tham gia một đường dây buôn lậu nào đó tại Ukraine.

Hy vọng rằng trong thời gian không xa, mọi bí ẩn sẽ dần hé lộ và xóa tan nguy cơ le lói một cuộc “chiến tranh lạnh 2.0”…

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi