![]() |
Khối ngoại cũng bán ròng đã ảnh hưởng tới tâm lý giới đầu tư trong nước, từ đó dẫn tới áp lực bán tăng mạnh |
Tác nhân chủ đạo cho sự giảm điểm hôm nay là khối ngoại khi họ mạnh tay bán ròng các cổ phiếu lớn như VIC, CTG, BID, HPG, STB, DXG … Giá trị bán ròng trên HOSE lên tới 360 tỷ đồng - cao nhất trong 11 phiên gần đây nhất.
Ngân hàng, chứng khoán và bất động sản là những ngành tiêu cực nhất với nhiều mã giảm sàn. Nếu không tính ngành nghề thì những cổ phiếu có thị giá cao và những cổ phiếu đã tăng mạnh trong hơn một năm qua tiếp tục là những cổ phiếu bị bán mạnh nhất. Cổ phiếu VIC, một trong những cổ phiếu hiếm hoi chưa giảm trong thời gian qua, hôm nay bất ngờ giảm sàn dưới áp lực bán cực mạnh của khối ngoại. VHM cũng chịu chung số phận khi có phiên giảm hết biên độ đầu tiên kể từ khi chào sàn.
Thị trường có một trong những phiên giảm mạnh nhất lịch sử dưới áp lực bán tháo các cổ phiếu Bluechip của khối ngoại. Xu hướng giảm ngắn và trung hạn vẫn là chủ đạo và các phiên phục hồi kỹ thuật (nếu có) sẽ chỉ là cơ hội để nhà đầu tư giảm tỷ trọng cổ phiếu và đưa danh mục về trạng thái an toàn.
Như vậy, các chỉ số tiếp tục giảm sâu, xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn. Thanh khoản tăng khá mạnh trên HOSE cho thấy sự quyết liệt của bên bán. Cả hai chỉ số đã bước vào vùng quá bán đồng thời đang ở gần các ngưỡng hỗ trợ mạnh. Các phiên phục hồi kỹ thuật có thể sớm xuất hiện nhưng xu hướng giảm vẫn đang là chủ đạo. Do vậy nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và ưu tiên mục tiêu quản trị rủi ro danh mục trong thời điểm hiện tại thay vì tìm kiếm lợi nhuận.
Việc thị trường giảm mạnh trong thời gian gần đây cũng đến từ lo ngại chiến tranh thương mại leo thang trên thế giới. Bên cạnh đó, những vấn đề về tỷ giá tăng vọt những ngày qua, cũng như triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) niêm yết không còn quá cao đã tác động không nhỏ tới thị trường chứng khoán. Trong tháng 7 này, các DN sẽ công bố kết quả kinh doanh tháng 7 và điều này được kỳ vọng hỗ trợ cho thị trường.
Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 cũng là yếu tố khiến TTCK thiếu động lực bứt phá. Sau quý 1 tăng trưởng ngoạn mục 7,38%, mức cao nhất trong 10 năm thì đến quý 2, tăng trưởng GDP chỉ còn 6,79% và nhiều dự báo cho rằng những quý cuối năm sẽ khó có thể đạt được con số ấn tượng như quý đầu năm. CPI tháng 6 tăng mạnh nhất trong vòng 7 năm qua cũng khiến thị trường trở nên thận trọng hơn. Giao dịch khối ngoại cũng là yếu tố tác động xấu tới thị trường. Riêng trong phiên giao dịch 3/7, khối ngoại cũng bán ròng gần 380 tỷ đồng và điều này đã ảnh hưởng tới tâm lý giới đầu tư trong nước, từ đó dẫn tới áp lực bán tăng mạnh.
Nguồn tin: baocongthuong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn