Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm của UNESCO
Linh Hà
2017-10-08T23:58:08-04:00
2017-10-08T23:58:08-04:00
https://nxbcongthuong.vn/news/thoi-su/viet-nam-luon-la-thanh-vien-co-trach-nhiem-cua-unesco-12841.html
/themes/nxbcongthuong/images/no_image.gif
Nhà xuất bản Công Thương
https://nxbcongthuong.vn/uploads/logo_small.png
Chủ nhật - 08/10/2017 23:58
“Việt Nam luôn là một trong những nước đi đầu và là tấm gương về triển khai thành công các chương trình, hoạt động của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc”, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova khẳng định.
Bắt nguồn từ khát vọng hòa bình của nhân dân, Việt Nam đã tuyên bố kế thừa vị trí thành viên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vào tháng 7/1976, thực hiện một trong những bước đi quan trọng trong quá trình hội nhập của mình. Trải qua thời gian hơn 40 năm, quan hệ hợp tác Việt Nam-UNESCO góp phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước.
Trong giai đoạn đầu thông qua diễn đàn UNESCO, Việt Nam đã giới thiệu với thế giới một hình ảnh Việt Nam khác với Việt Nam trong chiến tranh- đó là một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, kiên cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc UNESCO tôn vinh các danh nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định điểm tựa của niềm tin vào những sức mạnh bắt nguồn từ lòng yêu nước, trí tuệ và các giá trị chân, thiện, mỹ của dân tộc Việt Nam kết tinh ở những người con ưu tú nhất của mình. Đồng thời là Tổ chức trí tuệ, “Phòng thí nghiệm ý tưởng”, những nguồn hỗ trợ của UNESCO đã góp phần tích cực vào việc phục hồi một số cơ sở giáo dục, khoa học, văn hóa và truyền thống của Việt Nam; giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với kiến thức, kinh nghiệm và các nguồn hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của quốc tế để phục vụ công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước. Ngay trong giai đoạn đầu, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Chấp hành UNESCO (1978-1983), đặt cơ quan đại diện tại UNESCO (1982) và năm 1981, Tổng Giám đốc M’Bow đã thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Trong các giai đoạn tiếp theo, nhiều ý tưởng tiên tiến có tính phổ cập toàn cầu trong UNESCO như “giáo dục cho tất cả mọi người”, “giáo dục vì phát triển bền vững”, “văn hóa hòa bình”, “đa dạng văn hóa”, “văn hóa và phát triển”, “môi trường gắn với phát triển”… được Việt Nam tiếp thu và áp dụng rộng rãi. Với sự tham gia hưởng ứng “Thập kỷ Quốc tế phát triển văn hóa”, nhận thức mới về tầm quan trọng của xây dựng nền văn hóa toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ, từ đó giúp Việt Nam chấn hưng nền văn hóa dân tộc và tăng cường giao lưu với các quốc gia khác và đóng góp cho việc hình thành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Để hội nhập tích cực trong UNESCO, Việt Nam đã phê chuẩn một số công ước quan trọng, như Công ước Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể- Công ước 2003, Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa- Công ước 2005…; chủ trì nhiều hội nghị, hoạt động lớn của UNESCO (Hội nghị cấp cao khu vực châu Á- Thái Bình Dương về Đối thoại giữa các nền văn hóa, Hội nghị Tư vấn các ủy ban quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương…). Bên cạnh đó, Việt Nam đẩy mạnh đóng góp sáng kiến trong các lĩnh vực chuyên môn như: Xóa mù chữ, Trung tâm học tập cộng đồng, áp dụng nội dung giáo dục vì sự phát triển bền vững vào mô hình khu dự trữ sinh quyển… Những kinh nghiệm này được thế giới đánh giá cao.
Đến nay, sau hơn 40 năm, với Việt Nam, UNESCO đã công nhận 35 danh hiệu uy tín, gồm 8 di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, 11 di sản phi vật thể của thế giới, 6 di sản tư liệu, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới và 1 công viên địa chất toàn cầu. Mới đây nhất, 2 Viện Toán học và Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Trung tâm khoa học dạng 2 dưới sự bảo trợ của UNESCO.
Trong giai đoạn mới hiện nay, với chính sách tham gia chủ động, tích cực, đóng góp vào các diễn đàn ngoại giao đa phương trong đó có UNESCO, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, triển khai hiệu quả sáng kiến và chương trình hợp tác, đóng góp thiết thực vào công việc của UNESCO, đảm nhận thành công các trọng trách tại các cơ quan lãnh đạo và chuyên môn của UNESCO. Việt Nam 4 lần được tin tưởng bầu làm thành viên của Hội đồng Chấp hành và hiện đang đảm nhiệm tốt vai trò thành viên của Hội đồng Chấp hành (nhiệm kỳ 2015-2019) và Ủy ban Di sản thế giới (nhiệm kỳ 2013-2017).
UNESCO cũng thực sự coi trọng quan hệ với Việt Nam, thể hiện qua việc Việt Nam đã 8 lần đón tiếp 5 vị Tổng Giám đốc UNESCO đến thăm và trong vòng 8 năm gần đây, Tổng Giám đốc UNESCO đã 3 lần thăm chính thức Việt Nam. Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova đã khẳng định “Việt Nam luôn là một trong những nước đi đầu và là tấm gương về triển khai thành công các chương trình, hoạt động của UNESCO”.
Nguồn tin: baochinhphu.vn