Tờ trình của Chính phủ được trình bày tại phiên họp về dự án Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án đã làm rõ cơ sở pháp lý và sự cần thiết ban hành Pháp lệnh.
Cụ thể, Luật Phí và lệ phí có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017, tại Điều 18 quy định: Chính phủ trình UBTVQH quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí, lệ phí tòa án (trước đây, Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án 2009 được giao cho Tòa án Nhân dân Tối cao trình UBTVQH thông qua). Tại Điều 23 quy định: Pháp lệnh 2009 hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Tại Điều 150 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, quy định: Căn cứ vào quy định của Luật Phí, lệ phí và Bộ luật này, UBTVQH quy định cụ thể về án phí, lệ phí tòa án.
Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án được UBTVQH thông qua ngày 27/2/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009. Qua 7 năm thực hiện, về cơ bản đã đạt được yêu cầu đề ra khi xây dựng Pháp lệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số nội dung Pháp lệnh 2009 đã không còn phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội hiện nay.
Cụ thể, Pháp lệnh 2009 có nhiều nội dung về án phí, lệ phí tòa án quy định tại Luật Phí và lệ phí năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Thi hành án dân sự năm 2014, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Phá sản năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung, quy định mới so với thời điểm ban hành Pháp lệnh 2009. Do đó, một số quy định Pháp lệnh này không còn phù hợp với pháp luật hiện hành.
Pháp lệnh 2009 đã quy định cụ thể, rõ ràng về án phí, lệ phí tòa án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số cách hiểu chưa thống nhất, đồng thời phát sinh một số vướng mắc. Vì vậy, trong phạm vi được Pháp lệnh giao, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 hướng dẫn áp dụng một số quy định về án phí, lệ phí tòa án (Nghị quyết 01).
Trong quá trình thực hiện, Nghị quyết 01 đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực, bảo đảm tính khả thi trong thực hiện Pháp lệnh. Do đó, cần tập hợp những nội dung đã được thực hiện ổn định, còn phù hợp đưa lên thành quy định của Pháp lệnh để nâng cao tính pháp lý.
Vì vậy, cần thiết ban hành Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án, thay thế Pháp lệnh 2009 để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật; khắc phục vướng mắc, bất cập; tạo thuận lợi trong việc thực hiện.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội về dự án Pháp lệnh Án phí và lệ phí tòa án khẳng định, hồ sơ dự án Pháp lệnh đã đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm điều kiện để trình UBTVQH xem xét, thông qua.
Các nội dung của dự thảo Pháp lệnh đã cơ bản giải quyết được những tồn tại, bất cập của Pháp lệnh 2009; rà soát, bổ sung các quy định mới tại các luật chuyên ngành đã được sửa đổi, hoặc mới ban hành sau thời điểm Pháp lệnh 2009 có hiệu lực thi hành, như: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Thi hành án dân sự năm 2014, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Phá sản năm 2014, Luật Phí và lệ phí năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính 2015... Đồng thời, rà soát từng nội dung cụ thể để bảo đảm không mâu thuẫn với các quy định tại các luật chuyên ngành phải lùi hiệu lực thi hành để tiến hành rà soát, chỉnh lý lại (như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự).
Dự án Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án được xây dựng gồm 6 chương, 48 điều (giảm 4 điều so với Pháp lệnh 2009).
Trong đó, Chương I. Những quy định chung: Gồm 20 điều (từ Điều 1 đến Điều 20) quy định các nội dung về phạm vi áp dụng; đối tượng điều chỉnh; các loại án phí, lệ phí toà án, tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí tòa án; chế độ thu, nộp, quản lý án phí, lệ phí toà án, tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí tòa án;...
Chương II. Án phí trong vụ án hình sự: Gồm 3 điều (từ Điều 21 đến Điều 23) quy định về các loại án phí, nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng, nghĩa vụ chịu án phí trong vụ án hình sự.
Chương III. Án phí trong vụ án dân sự: Gồm 6 điều (từ Điều 24 đến Điều 29) quy định về các loại án phí, nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng, nghĩa vụ chịu án phí trong vụ án dân sự.
Chương IV. Án phí trong vụ án hành chính: Gồm 5 điều (từ Điều 30 đến Điều 34) quy định về các loại án phí, nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng, nghĩa vụ chịu án phí trong vụ án hành chính.
Chương V. Lệ phí toà án: Gồm 2 mục là lệ phí giải quyết việc dân sự và các lệ phí tòa án khác.
Chương VI. Khiếu nại và điều khoản thi hành: Gồm 3 điều (từ Điều 46 đến Điều 48) quy định về giải quyết khiếu nại, điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành.
Tại phiên họp, các ủy viên UBTVQH đã đóng góp nhiều ý liên quan đến nội dung đối tượng và phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh; về mức án phí, lệ phí tòa án; việc miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí tòa án, lệ phí tòa án;... Đặc biệt, trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành, nhiều ý kiến cho rằng dự án Pháp lệnh này nên sửa thành Nghị quyết về án phí, lệ phí tòa án của UBTVQH.
Sau thảo luận, UBTVQH thống nhất và nhất trí thông qua về nguyên tắc sửa dự án Pháp lệnh này thành Nghị quyết về án phí, lệ phí tòa án của UBTVQH.
UBTVQH giao Ủy ban Tài chính-Ngân sách chủ trì, phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan rà soát, bổ sung, chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, sớm hoàn chỉnh Nghị quyết để trình UBTVQH xem xét, quyết định.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn