![]() |
Hà Nội phát triển đô thị đồng bộ, văn minh, hiện đại. Ảnh minh họa |
Qua hơn 10 năm tổ chức thực hiện, dưới sự giám sát của Quốc hội, HĐND TP. Hà Nội, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành và UBND Thành phố, cơ chế tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội đã đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần huy động mọi nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung, làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Theo Tờ trình, căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020: "Huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại”; trên cơ sở Luật Thủ đô và Khoản 2 Điều 74 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015: ‘‘Thành phố Hà Nội thực hiện một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô”, để khắc phục những hạn chế và đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra trong quá trình tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính cần thiết phải ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 123 và Nghị định 112 một cách căn bản, toàn diện và phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và Luật Thủ đô.
Mục tiêu xây dựng Nghị định là: Bảo đảm tuân thủ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Luật Thủ đô, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thống nhất với các luật hiện hành. Kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Nghị định 123 và Nghị định 112; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường giám sát việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ, quản lý rủi ro; bảo đảm an toàn nợ công; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
Các mục tiêu cụ thể là: Tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của HĐND, UBND Thành phố trong lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước.
Đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự điều tiết của Nhà nước.
Nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách Nhà nước, tạo động lực phát triển các nguồn lực, phân bổ ngân sách tập trung, hợp lý phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô Hà Nội, khắc phục những tồn tại của Nghị định số 123/2004/NĐ-CP và Nghị định số 112/2015/NĐ-CP.
Dự thảo Nghị định bao gồm 4 chương, với 12 điều, quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; quản lý ngân sách Thủ đô Hà Nội; huy động các nguồn tài chính cho đầu tư phát triển Thủ đô Hà Nội;...
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đối với dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện Nghị định 123, Nghị định 112 , Hà Nội đã đạt được một số kết quả trong việc thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; kết cấu hạ tầng, nhiều dự án, công trình lớn đã được xây dựng...
Tuy nhiên, so với nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội giai đoạn 2016-2020 thì cơ chế đặc thù về tài chính-ngân sách hiện hành tạo nguồn lực cho Thành phố khá thấp. Mặc dù Hà Nội đã được Trung ương bổ sung và hỗ trợ khác khá cao, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của Thành phố. Mặt khác, một số quy định về cơ chế tài chính cho Hà Nội trong Luật Thủ đô có hiệu lực từ năm 2013 và Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 có hiệu lực từ 1/1/2017 nhưng đến nay chưa được Chính phủ hướng dẫn.
Vì vậy, để hướng dẫn chi tiết quy định về cơ chế tài chính-ngân sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội theo quy định của hai Luật này, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết ban hành nghị định thay thế Nghị định 123 và Nghị định 112 đối với Hà Nội nhằm tạo cơ chế tài chính-ngân sách mới, góp phần động viên nguồn lực, bảo đảm sự phát triển của Thành phố.
Khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Nghị định, trong thảo luận tại phiên họp, các ủy viên UBTVQH đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến đối với các vấn đề liên quan trong dự thảo Nghị định về định mức chi và bội chi ngân sách của Hà Nội; mức dư nợ; về bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách Trung ương; công tác quản lý ngân sách Thủ đô; quy định huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển;…
Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, UBTVQH thống nhất đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, song phải bảo đảm bám sát Điều 74 của Luật Ngân sách Nhà nước và Điều 21 của Luật Thủ đô cho đúng thẩm quyền và cần có đột phá, tạo lợi thế hơn so với các quy định trước đây.
“Tinh thần là Nghị định của Chính phủ phải ở mức độ nổi trội hơn, đột phá hơn và có lợi thế hơn cho Hà Nội. Nếu Nghị định mà ban hành ra lại thành ra khó hơn, không bảo đảm các nguồn lực cho phát triển Thành phố thì chúng ta không bảo đảm thực hiện được đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong chỉ đạo phát triển Thủ đô cũng như vùng Thủ đô”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu, đồng thời cho biết, sau phiên họp này, trên cơ sở các ý kiến phát biểu, thống nhất, UBTVQH sẽ có văn bản thông báo ý kiến gửi tới Chính phủ về dự thảo Nghị quyết.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn